Tên lửa chống hạm Harpoon phóng từ tàu ngầm do Mỹ chế tạo |
Tân Hoa xã ngày 7 tháng 1 đưa tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan vừa cho biết, năm 2013, Hải quân Đài Loan đã tiếp nhận tên lửa chống hạm Harpoon trang bị cho tàu ngầm, điều này sẽ làm cho các cuộc tấn công của Trung Quốc càng thêm khó khăn.
Trang mạng tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 6 tháng 1 dẫn lời Mai Phục Hưng, chủ nhiệm "Trung tâm nghiên cứu phân tích an ninh eo biển Đài Loan" Đài Loan cho rằng, lô tên lửa này gồm có 32 quả tên lửa UGM-84L, 2 quả đạn diễn tập UTM-84L, 2 xe đánh giá và huấn luyện tên lửa UTM-84XD.
Lô tên lửa này sẽ lần lượt trang bị cho 2 tàu ngầm Hải Long số hiệu 793 và Hải Hổ số hiệu 794, 2 tàu ngầm này do Hà Lan chế tạo, sử dụng động cơ diesel, nhập khẩu vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Ngoài ra, Đài Loan còn có 2 chiếc tàu ngầm lớp Hồng Ngư của thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai dùng để huấn luyện, nhưng nguồn tin cho biết 2 tàu ngầm này đã "bỏ xó" nhiều năm.
Tàu ngầm lớp Hải Long của Hải quân Đài Loan |
Theo bài báo, mặc dù Đài Loan có một loạt tên lửa chống hạm như tên lửa Hùng Phong-2, Hùng Phong-3 và tên lửa Harpoon trang bị cho máy bay, nhưng loại tên lửa chống hạm Harpoon trang bị cho tàu ngầm này có thể tập kích bất ngờ đối với các mục tiêu của Trung Quốc, trong đó có các mục tiêu đất liền gần biển.
Một nguồn tin từ công nghiệp quốc phòng Đài Loan cho biết, tên lửa UGM-84L có thể tấn công các mục tiêu duyên hải như tàu thuyền, các công trình hạ tầng cơ sở, mạng lưới điện, trung tâm chỉ huy và địa điểm tập kết binh lực ở cảng biển.
Mai Phục Hưng nói: "Với ý nghĩa này, nhập khẩu tên lửa Harpoon trang bị cho tàu ngầm có thể đem lại ưu thế đáp trả cho Đài Loan". Nguồn tin từ công nghiệp quốc phòng Đài Loan cho biết, trong tên lửa Harpoon vừa có mô đun quán tính của bom tấn công trực tiếp liên hợp vừa có phần mềm của tên lửa tấn công đối đất ngoài khu vực phòng thủ kiểu phản ứng tăng cường, máy tính nhiệm vụ và hệ thống định vị toàn cầu.
Tàu ngầm Hải Long và Hải Hổ hiện có của Quân đội Đài Loan. |
Bài báo cho biết, sau khi trang bị tên lửa chống hạm Harpoon, tàu ngầm Đài Loan có thể tấn công các mục tiêu xa hơn cả ở phía bắc và phía nam ở duyên hải Trung Quốc, phía bắc có thể vươn tới Thượng Hải, Chu Sơn, phía nam có thể vươn tới tàu ngầm hạt nhân mới của các căn cứ Sán Đầu, Trạm Giang và đảo Hải Nam.
Mai Phục Hưng cho rằng: "Tên lửa Harpoon trang bị cho tàu ngầm đương nhiên có ý nghĩa đối với tranh chấp eo biển, đặc biệt là nếu liên quan đến xảy ra tập kích đổ bộ".
Tầm bắn tối đa của tên lửa Harpoon khoảng 150 hải lý, điều này sẽ tăng mạnh phạm vi vươn tới các mục tiêu của tàu ngầm Đài Loan. Hiện nay, tầm bắn của tàu ngầm Đài Loan bị hạn chế bởi ngư lôi, chỉ 15 hải lý.
Mai Phục Hưng cho rằng, phạm vi vươn xa của mỗi tàu ngầm trang bị tên lửa Harpoon hầu như đã tăng 100 lần.
Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E của Quân đội Đài Loan |
Bài báo cho rằng, mối đe dọa này sẽ làm cho vấn đề phòng không hạm đội của Hải quân Trung Quốc càng thêm khó khăn. Hải quân Trung Quốc đã và đang xử lý vấn đề nan giải: Đài Loan tự sản xuất và nhập khẩu tên lửa chống hạm.
Mai Phục Hưng chỉ ra: "Dò tìm, bám theo nhanh chóng, ngắm chuẩn các mục tiêu như tên lửa chống hạm trang bị cho tàu ngầm, đồng thời chỉ định vũ khí xử lý sẽ trở thành yêu cầu cơ bản hơn đối với hệ thống phòng không và tác chiến của Hải quân Trung Quốc".
Trong khi đó, thách thức chính của Hải quân Đài Loan đến từ nghiên cứu phát triển khả năng bắn cự ly dài cho tên lửa và phát huy đầy đủ ưu thế tầm bắn của tên lửa.
Bài báo chỉ ra, 10 năm qua, Đài Loan dốc sức cho tích hợp thiết bị đầu cuối số liệu của 2 chiếc tàu ngầm Hà Lan, từ đó khi lặn có thể thu được số liệu từ bộ cảm biến.
Những thiết bị đầu cuối này có thể sử dụng ăng ten gắn cột, đứng thẳng khi tàu ngầm lặn. Nguồn tin cho biết, điều này đã trải qua thử nghiệm, có tính khả thi.
Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 Đài Loan |