Ngày 28/12 vừa qua, nhạc sĩ Thanh Bùi đã gây xôn xao khi kết hôn với cô gái Trương Huệ Vân. Đám cưới của họ được tổ chức sang trọng tại tòa nhà 40 tầng Times Square, một dự án mới được hoàn thành của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dự án này từng được ví như "viên ngọc" của TP.HCM khi tọa lạc ngay góc đường đắt đỏ nhất của Sài Thành.
Đám cưới của nhạc sĩ Thanh Bùi và Trương Huệ Vân |
Sau đó không lâu, thông tin về gia thế của Trương Huệ Vân khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên khi biết cô chính là ái nữ nhà họ Trương, là doanh nhân thứ tư của Trương Gia Tộc. Năm 2011, cô từng thay mặt bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra Hà Nội dự lễ vinh danh "Gia tộc doanh nhân".
Được biết, Vạn Thịnh Phát thành lập năm 1992 với tiền thân là Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Ban đầu, doanh nghiệp này chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng - khách sạn, nhưng sau đó, Vạn Thịnh Phát kinh doanh trên nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản.
Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Vạn Thịnh Phát có cùng họ: Trương Mỹ Lan, Trương Mỹ Linh. Tập đoàn này hiện có vốn điều lệ tới 12.800 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan |
Thế nhưng mới đây, một thông tin liên quan đến gia đình bên vợ của nhạc sĩ Thanh Bùi khiến nhiều người bất ngờ.
Theo đó, tại phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng diễn ra ngày 7/1 vừa qua, ông Dương Chí Dũng có nhắc đến bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chiều 8/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên bản án 18 năm tù đối với nguyên Phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Tự Trọng và 6 bị cáo trong vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Đồng thời, Hội đồng xét xử đã đề nghị VKSND TP Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000USD và 20 tỷ đồng của một cán bộ cấp cao để thực hiện dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TP.HCM).
Chiều 9/1, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) đã có công văn gửi báo chí, khẳng định mối quan hệ với bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội chỉ là mối quan hệ cá nhân, hoàn toàn không liên quan, không ảnh hưởng đến việc lựa chọn đối tác tham gia dự án của Cảng Sài Gòn.
Tờ Vietnamnet dẫn, ngày 24/6/2010, Thủ tướng ban hành quyết định 46, cho phép doanh nghiệp di dời được liên doanh với nhà đầu tư khác thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí cũ.
Trong thời gian này, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - một trong những nhà đầu tư BĐS lớn tại TP.HCM đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề.
Việc này đã được Cảng Sài Gòn báo cáo lên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, sau đó Tổng công ty đã báo cáo xin ý kiến Thủ tướng.
Ngày 29/12/2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 2471/TTg-KTN đồng ý cho phép Cảng Sài Gòn thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án đầu tư khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Ngày 20/3/2012, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam giao Hội đồng thành viên Cảng Sài Gòn làm đầu mối tìm kiếm đối tác, lập dự án đầu tư và báo cáo Tổng công ty (thời điểm này Dương Chí Dũng - đã thôi chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chuyển sang công tác tại Cục Hàng hải Việt Nam từ 6/2/2012).
Tuy nhiên trong quá trình đàm phán với các đối tác có nguyện vọng tham gia dự án chuyển đổi công năng tại Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xin rút, không tham gia.
Tháng 6/2013, phương án thành lập pháp nhân thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã được Cảng Sài Gòn trình Bộ GTVT và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
Đến nay, dự án chuyển đổi công năng tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đã hoàn tất, trong đó không có sự tham gia của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.