Tàu hộ vệ tên lửa Type 056 số hiệu 596 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 9 tháng 1 đăng bài viết nhan đề "Tàu 056 Trung Quốc phối hợp với máy bay GX-6 có thể áp chế Philippinese, Việt Nam khiêu khích (xuyên tạc của truyền thông TQ) trên Biển Đông". Sau đây là nội dung chính của bài viết:
Năm mới bắt đầu, Biển Đông lại bắt đầu có những "con sóng ngầm". Bài báo chỉ thẳng, đó là Philippines bắt đầu trái phép thay phiên triển khai phân đội không, hải quân ở đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam - PV).
Ngày 6 tháng 1, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức triển lãm tư liệu "Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và những bằng chứng lịch sử" tại viện bảo tàng tỉnh Đà Lạt - bài báo nói ra nói vào, xuyên tạc và coi việc làm bình thường này là thu thập "chứng cứ bản đồ" để tiếp sức cho việc Việt Nam đã "xâm chiếm đảo của Trung Quốc".
Trên thực tế, lịch sử Việt Nam và bản đồ, lịch sử Trung Quốc đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sao cứ phải "xoắn" lên như vậy?
Bài báo còn nói ra nói vào về việc Việt Nam đã cho tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào quân cảng Cam Ranh.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 số hiệu 582 biên chế cho Hạm đội Nam Hải ngày 25 tháng 2 năm 2013 |
Theo bài báo, một loạt động thái nói trên của Philippines, Việt Nam hầu như ngầm cho thấy "tranh chấp Biển Đông năm 2014 tiếp tục dậy sóng" (?).
Nhưng đây là những luận điệu cũ rích và cần cảnh giác. Điều rõ như ban ngày là, Trung Quốc vừa cho biên đội tàu sân bay Liêu Ninh xuống "khuấy đục Biển Đông", phô diễn và răn đe vũ lực; hơn nữa, có chuyên gia dự đoán, năm 2014, Trung Quốc sẽ dùng "cây gậy lớn" thay thế cho "cây gậy nhỏ" ở Biển Đông.
Đây là một điều cần cảnh giác.
Ngoài ra, năm 2013, Trung Quốc cũng ưu tiên biên chế lượng lớn tàu chiến cho Hạm đội Nam Hải, lực lượng chủ yếu phụ trách tác chiến trên Biển Đông, số lượng tàu chiến biên chế năm 2013 lên tới 8 chiếc!
Báo Trung Quốc răn đe rằng, Trung Quốc có lực lượng hải, không quân mạnh làm hậu thuẫn, nên không phải lo ngại vì những "hành vi khiêu khích" của một số nước; Trung Quốc có khả năng "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và ổn định của Biển Đông". Rõ ràng, những tuyên truyền xuyên tạc này của báo chí Trung Quốc cũng là một điều đáng để cảnh giác, đề phòng và xem đằng sau nó là ai.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ Huệ Châu, số hiệu 596, Type 056 của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc |
Bài báo cho rằng, "Philippines và Việt Nam đua nhau xuất chiêu (hành động) vào đầu năm mới". Bài báo tuyên truyền, tình hình yên bình của Biển Đông trước tiên "bị Philippines phá vỡ".
Các phương tiện truyền thông Philippines như "Philippines Star" cho biết, Bộ tư lệnh Quân khu miền Tây Philippines đã điều động máy bay vận chuyển lực lượng mới qua lại đảo Thị Tứ (của Việt Nam, bị Philippines bí mật chiếm giữ khi Việt Nam còn đang mải chiến tranh chống Mỹ vào năm 1971).
Lực lượng Philippines đóng trên đảo Thị Tứ phụ trách tăng cường kiểm soát 7 đảo và 2 bãi đất bồi ở Biển Đông, trong đó, đảo Thị Tứ chính là "tiền tiêu quân sự chủ yếu" trên chuỗi đảo, đá ngầm của phía Philippines.
Ngày 4 tháng 1, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố, chuẩn bị cấp một khoản tiền riêng khoảng 480 triệu peso (khoảng 72,9 triệu nhân dân tệ), dùng để nâng cấp trái phép đường băng và cơ sở hải quân trên đảo Thị Tứ. Quan chức an ninh Philippines cho biết, tăng cường vốn cho hạ tầng cơ sở ở đảo Thị Tứ đã được bố trí.
Sĩ quan Philippines cho biết, nâng cấp là “cần thiết”, bởi vì đó là nơi đóng quân chủ yếu của Quân đội Philippines ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam - PV), "chương trình này còn có nghĩa là Quân đội Philippines có thể tiến hành giám sát, kiểm soát tốt hơn đối với Biển Đông".
Tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Type 056, số hiệu 584 của Hạm đội Nam Hải |
Ngoài ra, theo tờ "Jane's Defense Weekly" Anh, người phát ngôn Hải quân Philippines, Thiếu tá Gregory Fabic cho biết, Hải quân nước này có kế hoạch nâng cấp 2 tàu tuần tra lớp Hamilton, sẽ trang bị thiết bị săn ngầm và tên lửa chống hạm cho chúng, theo đó sẽ tăng cường "khả năng bảo vệ nguồn tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế và ở khu vực xung quanh".
Báo Trung Quốc coi đảo Thị Tứ là đảo của họ (tuyên bố bất hợp pháp và vô hiệu), cho rằng Philippines đã xây dựng hòn đảo này thành trung tâm chỉ huy của Quân đội Philippines ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam-PV).
Theo bài báo, Việt Nam có tranh chấp đảo, đá ngầm với Trung Quốc (thực ra là Trung Quốc tạo ra tranh chấp, xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và sau đó xâm chiếm thêm một số đảo, đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Việt Nam cũng "không dừng lại".
Bài báo lấy ví dụ cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam ngày 6 tháng 1 đã tổ chức triển lãm tư liệu "bảo vệ Biển Đông", những tư liệu này khẳng định rất rõ ràng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Theo bài báo, đó là những tư liệu của cả Việt Nam và các nước khác, trong đó có tư liệu của chính Trung Quốc.
Tàu ngầm diesel Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam đã về nước bảo vệ chủ quyền biển đảo. |
Những tư liệu này chính là 200 bản đồ Việt Nam, bản đồ Trung Quốc và bản đồ một số nước phương Tây. Những tư liệu này khẳng định Việt Nam đã sớm tiến hành quản lý chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Đồng thời, bài báo cho rằng, tàu ngầm thông thường đầu tiên mang tên Hà Nội của Hải quân Việt Nam về đến quân cảng Cam Ranh đã được Việt Nam ra sức tuyên truyền. Báo TQ cho rằng, tàu ngầm Hà Nội trở về Việt Nam nhắc nhở rằng, một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đang thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa hải quân.
Theo bài báo, trong vài ngày đầu của năm 2014, Philippines và Việt Nam dồn dập hành động, đơn giản là muốn củng cố sự "chiếm đóng" một số đảo, đá ngầm. Điều này là đương nhiên, truyền thông Trung Quốc không phải nói ra nói vào như vậy, vì chủ quyền của Việt Nam đã thể hiện rõ trong các bản đồ của chính Trung Quốc.
Trung Quốc đừng cố tuyên truyền lòe bịp thiên hạ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đừng cố đi ngược lại chính lịch sử của họ và vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo bài báo, Philippines và Việt Nam có một loạt động thái như trên chính vào thời điểm tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc hoàn thành huấn luyện trên Biển Đông và quay trở về cảng chính, năm mới theo âm lịch sắp đến.
Bài báo phỏng đoán lung tung cho rằng, Philippines và Việt Nam có thể cho rằng "hoạt động bảo vệ chủ quyền" (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ "buông lỏng" trong thời gian tới, nên mới "lựa chọn thời cơ này tiến hành khiêu khích".
Tàu hộ vệ tàng hình lớp Gepard của Hải quân Việt Nam |
Bài báo suy đoán, Philippines và Việt Nam rất khó "gây được bao nhiêu sóng gió" ở Biển Đông, cho rằng Philippines triển khai lực lượng mới ở đảo Thị Tứ, nâng cấp tàu tuần tra cũ hoàn toàn không thể tăng thêm "con bài mới" để tranh đoạt đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Hiện nay, hải quân Philippines vẫn thiếu tàu chiến hiện đại, Không quân thậm chí không có máy bay chiến đấu động cơ phản lực. Đối mặt với lực lượng hải, không quân có ưu thế của nước khác, đảo Thị Tứ do Quân đội Philippines kiểm soát căn bản chính là trận địa không được bố phòng.
Tờ "Manila Standard Today" Philippines gần đây dẫn lời một quan chức cấp cao Philippines cho biết: "Mọi người đều biết, trong kho máy bay của chúng tôi không có máy bay chiến đấu, hơn nữa, đàm phán mua sắm máy bay chiến đấu hạng nhẹ của Hàn Quốc vẫn chưa có kết quả".
Chiến hạm Gepard 3.9 Lý Thái Tổ |
Khi được hỏi về việc máy bay nước khác xông vào vùng trời của Philippines, nguyên phó Tham mưu trưởng Không quân Philippines Eduardo Ermita bất đắc dĩ nói rằng: "Chúng tôi chỉ có thể nhìn một cách tức giận".
Theo bài báo, lực lượng tàu ngầm Việt Nam trong ngắn hạn vẫn chưa thể phát huy được khả năng răn đe lớn lắm. Trước đây, Hải quân Việt Nam chủ yếu trang bị tàu tên lửa, tàu hộ vệ hạng nhẹ và tàu ngầm cỡ nhỏ, không có kinh nghiệm sử dụng tàu ngầm lớp Kilo - trang bị tác chiến phức tạp như vậy.
6 tàu ngầm Hải quân Việt Nam mua của Nga tuy trang bị có 6 ống phóng, có thể phóng nhiều loại ngư lôi và tên lửa chống hạm Club-S, có thể tạo ra mối đe dọa cho tàu ngầm, tàu hộ vệ và tàu khu trục cỡ lớn, nhưng trong một thời gian dài tới đây, tàu ngầm đầu tiên Hà Nội của Việt Nam “chỉ có thể đóng vai trò tàu huấn luyện”.
Tàu tên lửa lớp Moniya của Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo |
Bài báo răn đe và tuyên truyền với luận điệu cũ cho rằng, lực lượng Hải, Không quân Trung Quốc là sự "bảo đảm quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và sự ổn định của Biển Đông", "sẽ không đem lại cơ hội cho những người lòng dạ khó lường". Như vậy, tuy không tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, nhưng cứ khăng khăng “khẳng định và bảo vệ chủ quyền đường lười bò” thì chắc chắn một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”.
Theo bài báo, để "làm lặng sóng gió ở Biển Đông, Hải quân Trung Quốc cơ bản không cần điều tàu sân bay Liêu Ninh - vũ khí hạng nặng này. Nhưng, trên thực tế, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ là tàu thử nghiệm và theo các chuyên gia chỉ cần 1 quả tên lửa là con tàu này bị tiêu diệt.
Bài báo cho rằng Trung Quốc chỉ cần dùng "tàu hộ vệ hạng nhẹ". Trên thực tế, năm 2013, Trung Quốc đã biên chế tới 5 tàu hộ vệ tên lửa Type 056 cho Hạm đội Nam Hải, một hành động đáng để cảnh giác, đề phòng.
Theo bài báo, tàu hộ vệ hạng nhẹ của Hải quân Trung Quốc là tàu hộ vệ săn ngầm, theo báo Mỹ, loại tàu này đã được lắp thiết bị định vị thủy âm kéo (sonar kéo).
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam |
Bài báo viết, Trung Quốc ưu tiên biên chế lượng lớn tàu hộ vệ hạng nhẹ dùng cho tác chiến săn ngầm, có thể trang bị máy bay săn ngầm cánh cố định và máy bay cảnh giới như GX-6, tiến hành "nằm vùng bảo vệ" (bất hợp pháp) đối với đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
Theo bài báo, máy bay tuần tra và tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Type 056 cùng nhau phối hợp có thể tiến hành “bao vây, tiêu diệt hợp nhất trên biển-trên không đối với tàu ngầm có ý định xông vào phòng tuyến dưới nước của Trung Quốc”.
Ngoài ra, bài báo cho rằng, máy bay tuần tra và máy bay cảnh giới của Trung Quốc còn có thể theo dõi, giám sát hiệu quả vùng biển diện tích lớn, “giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của Hải quân Philippines và Việt Nam trên Biển Đông, kịp thời chỉ huy tàu chiến mặt nước tiến hành đáp trả”.
Bài báo nhấn mạnh, hỏa lực tổng thể của tàu hộ vệ Type 056 mạnh hơn nhiều tàu tuần tra lớp Hamilton của Hải quân Philippines, cũng “không yếu hơn tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gepard tiên tiến nhất của Hải quân Việt Nam” (?), có thể “đứng vững” ở Biển Đông.
Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam |