Trong chuyên mục “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá quá trình hoạt động của ngành tài chính năm 2013 và trả lời những câu hỏi thiết thực liên quan đến thắc mắc của người dân về những vấn đề thuộc ngành tài chính.
Năm 2014 sẽ minh bạch điều hành giá xăng dầu hơn nữa
Vấn đề được người dân quan tâm đầu tiên là mức tăng phi mã của một số mặt hàng thiết yếu trong năm 2013 mà đỉnh điểm là cú sốc giá xăng dầu hồi đầu năm và giá gas tăng đến 79.000 đồng/lít vào đầu tháng 12/2013. Theo đó, người dân "chất vấn": "Xin Bộ trưởng cho biết liệu năm 2014, chúng ta có phải đối mặt những cú sốc như thế nữa hay không? Là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ có biện pháp gì để ổn định các mặt hàng thiết yếu này?"
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây cũng chính là câu hỏi ông cũng như Bộ Tài chính hết sức quan tâm trong quá trình điều hành. "Nhưng chúng tôi xin báo cáo, trước hết tình hình kinh tế thế giới năm 2013 diễn biến phức tạp. Tình tình trong nước khó khăn. Trong quá trình điều hành phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô theo mục tiêu chung trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thứ hai, điều hành giá theo đúng pháp luật về giá. Thứ ba, giá của chúng ta điều hành phải theo định hướng, có sự quản lý của nhà nước, trong quá trình điều hành, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà nước và người dân. Phải công khai minh bạch, càng công khai minh bạch càng tốt, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp. Từng bước xóa bỏ tình trạng bù chéo trong điều hành về giá cả trong nền kinh tế.
"Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong điều hành giá xăng dầu". |
Chúng ta vừa qua bù chéo rất nhiều. Năm 2013, từng bước xóa bỏ bù chéo, ví dụ giá bán than theo điện thì chúng ta điều hành theo giá thị trường. Trong quá trình điều hành về giá, cùng với đó là chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, để hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chính sách, vùng sâu vùng xa. Như thế kinh tế vĩ mô của chúng ta ngày càng ngày càng ổn định. Theo dự đoán năm 2014, kinh tế sẽ dần ổn định hơn".
Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Tôi thấy rằng, điều hành giá xăng dầu hiện nay đang là điều hành theo Nghị định 84 của Chính phủ và theo đó giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước và cụ thể Nhà nước quy định công thức tính giá cơ sở căn cứ bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày và thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá là 10 ngày.
Thứ hai, thực hiện bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính như quỹ bình ổn giá xăng dầu, thuế, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Thứ ba là việc công khai, minh bạch các nguyên tắc quản lý điều hành giá xăng dầu.
Chúng tôi cũng công khai việc hình thành, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của từng doanh nghiệp trong từng quý. Chúng tôi cho đây là những bước tiến bộ và với tinh thần như thế, những ý kiến phản ánh của người dân chúng tôi cho là hoàn toàn chính đáng.
Trong năm 2014, chúng tôi tiếp tục công khai minh bạch hơn nữa trong điều hành giá xăng dầu đó là công bố công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới từng ngày, từng chủng loại xăng dầu trong bình quân 30 ngày làm căn cứ để điều hành giá xăng dầu trong nước.
"Chuyển giá" không chỉ xảy ra ở Việt Nam
Một vấn đề nổi cộm khác trong năm qua, đó là chuyển giá. Năm 2013, các vụ chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được phát hiện nhiều. Có những doanh nghiệp khai lỗ hơn tới 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ sau một thời gian thanh tra, kiểm tra… doanh nghiệp này lại công bố lãi gần trăm tỷ đồng.
Nêu quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong điều kiện chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài, với sự khác biệt nhau về thuế và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia khác nhau, chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Vấn đề là chúng ta tiếp cận để quản lý cho tốt, vừa thu hút đầu tư nước ngoài vừa đảm bảo sự công bằng, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều ước quốc tế.
Trước thực trạng xảy ra ở Việt Nam như vậy, Bộ Tài chính cũng nhận thức vấn đề và sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý, công tác quản lý thuế trong hoạt động chuyển giá từ rất sớm và Bộ đã ban hành quyết định số 1250 năm 2012 phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hành động chống chuyển giá.
Vừa qua, cơ quan thuế đã kiểm tra, phát hiện và ngăn ngừa một số doanh nghiệp có hiện tượng đó, chúng tôi đã đưa vào quản lý 3.188 doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin. Thứ hai, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ việc quản lý thuế phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Thứ ba, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ giảm đi nhiều.
Theo quan điểm chúng tôi, việc chuyển giá này khi đầu tư vào Việt Nam ở rất nhiều giai đoạn khác nhau. Ngoài trách nhiệm của ngành tài chính trong thanh tra, kiểm tra, các ngành khác như Kế hoạch đầu tư, Khoa học công nghệ cũng phải có trách nhiệm kiểm soát đầu vào, đầu ra, đầu tư sản xuất của doanh nghiệp thì mới đảm bảo được chống chuyển giá. Tức là giá đầu vào phải đúng, giá đầu ra phải đúng và giá cả theo thị trường, đảm bảo sự công bằng, thực thi pháp luật.