Tập Cận Bình sẽ đẩy TQ vào xung đột vũ trang với các nước láng giềng?

13/01/2014 13:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình cần phải thể hiện ông khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vì họ quá "nhút nhát" khi đối phó với các vấn đề lãnh thổ với láng giềng.
Ông Tập Cận Bình, người được cho là đã dẫn dắt Trung Quốc vào con đường phát triển sức mạnh quân sự, đe dọa an ninh các nước láng giềng.
Ông Tập Cận Bình, người được cho là đã dẫn dắt Trung Quốc vào con đường phát triển sức mạnh quân sự, đe dọa an ninh các nước láng giềng.

Bưu điện Hoa Nam ngày 13/1 đưa tin, Trung Quốc đã trở nên sẵn sàng thể hiện sức mạnh cơ bắp của mình kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, dường như ông Bình muốn gửi một thông điệp tới mọi người trong và ngoài Trung Quốc rằng ông là một người hùng sẵn sàng có hành động phản ứng.

Các chuyên gia quốc tế lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề lãnh thổ (mà Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp) với các nước láng giềng châu Á.

"Tập Cận Bình tự nhận xét tính cách của mình giống với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến thăm Moscow đầu năm ngoái, động thái ám chỉ ông sẽ mạnh mẽ như Putin khi đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước", Trương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị từ Bắc Kinh cho biết.

"Khi nhìn lại những gì ông Bình đã làm được trong năm qua, tôi cho rằng Tập Cận Bình đang cố gắng loại bỏ cách lãnh đạo lâu dài của đảng Cộng sản Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình thiết kế trong việc cải cách kinh tế năm 1980 và dự định sẽ biến mình thành một bậc thầy của chủ nghĩa quyền lực".
Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích bình luận quân sự từ Thượng Hải.
Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích bình luận quân sự từ Thượng Hải.

Tập Cận Bình là con trai của Tập Trọng Huân - một trong "bát đại nguyên lão khai quốc công thần" của Bắc Kinh, ông Bình cũng từng là thư ký riêng của Bộ trưởng Quốc phòng Cảnh Tiêu trong những năm đầu tham gia chính trị và có mối quan hệ với quân đội mật thiết hơn so với 2 người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương hồi tháng 11/2012, Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc trở thành một lực lượng chiến đấu hiện đại thông qua việc tăng cường các cuộc tập trận quân sự, nâng cấp công nghệ quân sự, vũ khí trang bị và thay đổi phương pháp chỉ huy.

Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc với 2,3 triệu quân đã sẵn sàng thể hiện những thành tựu của mình trong hiện đại hóa quân đội, ở cả 3 lực lượng hải - lục - không quân.

Những thành tựu này bao gồm việc công bố chi tiết một số công nghệ quân sự mới nhất mà Bắc Kinh phát triển như chiến đấu cơ J-20 và J-31, tên lửa Lợi Kiếm được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay, tên lửa chống hạm YJ-12, tên lửa hành trình chống tàu YJ-100.

Bắc Kinh cũng công bố vào cuối năm ngoái rằng đã thiết lập một căn cứ tàu sân bay tại cảng Tam Á đảo Hải Nam, cửa ngõ kéo xuống Biển Đông, nơi Trung Quốc nhảy vào tranh chấp với các nước láng giềng. Động thái này xuất hiện sau khi Trung Quốc bàn giao tàu sân bay đầu tiên của mình cho hải quân và tạm thời đặt tại Thanh Đảo.
Tập Cận Bình được cho là người cứng rắn hơn 2 người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Tập Cận Bình được cho là người cứng rắn hơn 2 người tiền nhiệm, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Một chuyên gia hải quân nói với Bưu điện Hoa Nam, căn cứ mới ở Tam Á là nền tảng thiết lập các nhóm tàu sân bay tấn công trong tương lai. 

Quân đội Trung Quốc dường như đã tăng cường tập trận hải quân kể từ khi Bắc Kinh đơn phương áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông, ít nhất 4 cuộc tập trận đã được tổ chức từ 23/11/2013.

Là "hạt giống đỏ" thế hệ thứ 2, Tập Cận Bình cần phải thể hiện ông khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào vì họ quá "nhút nhát" khi đối phó với các vấn đề lãnh thổ với láng giềng, Nghê Lạc Hùng, một chuyên gia quân sự từ Thượng Hải nói với Bưu điện Hoa Nam.

"Ông Bình muốn trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ như Mao Trạch Đông, người tôn thờ bạo lực. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh", Nghê Lạc Hùng nhận xét.

Phong cách chính trị của Tập Cận Bình đã khiến nhiều nước láng giềng với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương quan ngại. "Bất kỳ láng giềng nào gần Trung Quốc đều đặc biệt quan tâm đến sức mạnh quân sự ngày cảng tăng của Bắc Kinh", Tiến sĩ Richard Bitzinger, thành viên cao cấp trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratham từ Singapore nhận định.
Lính Trung Quốc.
Lính Trung Quốc.

Ngay cả các nước bình thường không sợ Trung Quốc như Hàn Quốc chắc chắn cũng ngày càng coi Bắc Kinh như một mối đe dọa thực sự. "Tôi nghĩ rằng Tập Cận Bình đang theo đuổi chủ nghĩa dân tộc và nó làm cho Tủng Quốc trở nên hung hăng, không khoan nhượng", Richard Bitzinger nói thêm.

Tiến sĩ Rajeswari Rajagopalan, một nhà phân tích quốc phòng tại New Delhi của quỹ Nghiên cứu Observer cho biết, Ấn Độ cũng đã đặt ra những lo ngại ngày về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, mặc dù hải quân Bắc Kinh vẫn còn hạn chế. 

"Trung Quốc nghĩ rằng họ không còn cần phải giấu giếm khả năng của mình", bà Rajeswasi nhận định.

Việc đơn phương tuyên bố áp đặt khu nhận diện phòng không ở Hoa Đông là một ví dụ cho thấy Trung Quốc mập mờ trong quá trình ra quyết định và nhiều lần tạo ra các bất ngờ chiến lược với các bên đang lo đối phó với Bắc Kinh.
Hồng Thủy