100% mì tôm chứa acid oxalic: Rất cần cuộc tổng kiểm tra mì tôm

16/01/2014 07:29
Hồng Anh
(GDVN) - Việc quan trọng lúc này là cơ quan kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm nên vào cuộc tổng kiểm tra mì gói có công bố kết quả trên cổng thông tin đại chúng.

Đắn đo lựa chọn và tìm hiểu kĩ thành phần trong những sản phẩm mì gói, bún, miến... trước khi mua đó là việc làm của rất nhiều người dân trước thông tin "100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận", là kết quả kiểm nghiệm được công bố bởi GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM chiều ngày 26/12/2013.

Phản hồi về thông tin mì gói chứa acid oxalic tác nhân gây sỏi thận, chị Võ Thị Phượng (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết: "Tôi đã được biết đến thông tin mì gói chứa acid oxalic có khả năng gây sỏi thận. Nhưng từ trước đến nay tôi thường sử dụng các sản phẩm mì quen thuộc thì giờ vẫn tiếp tục sử dụng bình thường".

Bên cạnh đó, chị Võ Quỳnh Châu (quận 12, TP.HCM) tỏ thái độ e ngại khi sử dụng các sản phẩm mì gói không an toàn tới sức khỏe: "Trước tôi cũng hay tìm hiểu mua những loại mì mới ăn thử nhưng khi biết thông tin mì gói chứa acid oxalic có khả năng gây sỏi thận thì tôi cũng ít mua hơn".

"100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận".
"100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axit oxalic, tác nhân gây ra sỏi thận".


Trong khi các cơ quan chưa có kết luận chính thức về thông tin trên, người tiêu dùng vẫn phải "cắn răng" ăn các sản phẩm không an toàn dù biết có hại cho sức khỏe. 

"Không phải riêng mì gói mà nhiều sản phẩm khác cũng chứa acid oxalic. Tuy nhiên để phục vụ cuộc sống thì mình phải sử dụng thôi", chị Đỗ Thị Lan Anh (quận 10, TP.HCM) khẳng định.

Trước đó, tại hội thảo khoa học an toàn thực phẩm và dinh dưỡng với acid oxalic, Công ty cổ phần khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng đã tiến hành phân tích 62 mẫu mì gói trong nước lẫn nhập khẩu, kết quả 100% đều có sự hiện diện của acid oxalic với nồng độ khoảng 30,8 - 449mg/kg. Được biết, acid oxalic là chất có thể gây sỏi thận cho người sử dụng.

GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT TP.HCM cho biết: "Bún hay các loại bánh phở có màu ngà ngà, muốn sản phẩm đẹp, người ta bỏ acid oxalic vào để làm trắng. Việc làm này người ta biết mình không được phép. Bởi vì acid oxalic không có trong danh sách phụ gia thực phẩm được cho phép. Do đó người sản xuất không được phép cho acid oxalic vào trong các loại thực phẩm để tẩy trắng".

"Điều người tiêu dùng băn khoăn với acid oxalic bởi acid oxalic có thể kết hợp với canxi tạo thành acid oxalat canxi sau đó kết tủa ở thận tạo nên sạn thận. Đối với những người có nguy cơ sạn thận, không nên sử dụng sản phẩm có chứa nhiều acid oxalic. Nên lựa chọn sản phẩm có hàm lượng acid oxalic trung bình hoặc thấp. Đặc biệt, nên uống nhiều nước để làm loãng lượng acid oxalic, hay acid oxalat canxi ở trong nước tiểu", TS. BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM khuyến cáo.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng phần lớn không được trang bị các kiến thức cơ bản, không chịu đọc hiểu các thông tin về vấn đề này. Đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng không hiểu rõ vấn đề dẫn đến tâm lý lo ngại, hoang mang. Điều này cần phải được chấn chỉnh nghiêm túc từ các nhà quản lý. 

Việc quan trọng lúc này là cơ quan kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm nên vào cuộc tổng kiểm tra mì gói có công bố kết quả trên cổng thông tin đại chúng. Để người tiêu dùng cập nhật thông tin, tránh tình trạng mập mờ, gian lận, đồn đoán bịt mắt người tiêu dùng/.

                                                                                                                       Nguồn VTV

Hồng Anh