Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. |
Nhật báo Inquirer của Philippines ngày 16/1 đưa tin, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr đã phàn nàn về sự "xâm lược" của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Việt Nam hợp tác với Philippines trong việc sử dụng pháp lý quốc tế chống lại yêu sách bành trướng của Bắc Kinh.
Đầu năm 2013 Philippines đã chính thức khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông đồng thời cũng là thành viên của UNCLOS mà Bắc Kinh đã phê chuẩn.
Tuyên bố gần đây của Trung Quốc về các quy tắc mới "điều chỉnh hoạt động đánh cá ở Biển Đông" đã làm sâu sắc thêm mối quan ngại thực sự về sự leo thang của nó như một cường quốc trong khu vực có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu trên Biển Đông.
Cuisia nói với các phóng viên ở Washington rằng Manila muốn quan hệ tốt với Bắc Kinh nhưng không thể chấp nhận việc Trung Quốc đang ngăn chặn ngư dân Philippines hoạt động "trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế của mình".
Ngư dân Philippines, hình minh họa. |
Đại sứ Philippines tại Mỹ cho rằng để tránh một cuộc đối đầu tiềm tàng với Trung Quốc, Manila đã nói với ngư dân tạm tránh các vùng biển nhạy cảm theo "quy định đánh cá mới của Trung Quốc" trong lúc chờ Bắc Kinh làm rõ về yêu cầu (vô lý và phi pháp) của họ.
Cuisia cho rằng khởi kiện tuyên bố yêu sách lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông lên cơ quan tài phán quốc tế là một cách hợp pháp và thân thiện để giải quyết vấn đề, đồng thời Đại sứ Philippines ủng hộ ý tưởng Việt Nam nên sử dụng biện pháp tương tự.
Trong một động thái có liên quan, Bonie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ cho biết, phản ứng của Washington để kiềm chế Trung Quốc sẽ là một thước đo quan trọng và hiệu quả về sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama đối với châu Á và các nước đang có sự đánh giá sức mạnh bền bỉ của Mỹ trong khu vực.
Các nhà lập pháp giám sát chính sách của Mỹ đối với châu Á và hoạt động sử dụng sức mạnh trên biển của Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần chung xem xét phản ứng của Washington trong bối cảnh Mỹ có thể bị "lôi kéo" vào một cuộc khủng hoảng hoặc xung đột về lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, bởi Mỹ có hiệp ước quốc phòng song phương với Nhật Bản và Philippines.
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Chabot nhận xét, Trung Quốc đang cố gắng để có được vùng lãnh thổ tranh chấp bằng vũ lực một cách dần dần với hy vọng sai lầm rằng Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Mỹ sẽ miễn cưỡng chấp nhận nó.
Trung Quốc đang ráo riết sử dụng lực lượng Cảnh sát biển càn quét Biển Đông để củng cố yêu sách "chủ quyền" vô lý và phi pháp của mình. |
Ami Bera, Nghị sĩ đảng Dân chủ kêu gọi cả 2 đảng trong Quốc hội Mỹ cần phải nhận thấy Trung Quốc tăng cường đe dọa và khiêu khích trong việc khẳng định yêu sách lãnh thổ trên biển là không thể chấp nhận.
Trong khi đó Nghị sĩ Randy Forbes đảng Cộng hòa nói rằng Washington phải 100% không chấp nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc và cách Bắc Kinh sử dụng quân đội để làm thay đổi hiện trạng trong khu vực.
Mặc dù Mỹ đang phải lo xử lý khoản nợ quốc gia khổng lồ, chính quyền Obama vẫn muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và gần đây đã công bố hàng chục triệu USD hỗ trợ an ninh mới cho Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên trong khi hầu hết các nhà lập pháp Mỹ tham gia buổi điều trần đều ủng hộ mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, Nghị sĩ Brad Sherman từ đảng Dân chủ tỏ ra hoài nghi.
Nghị sĩ này phàn nàn rằng Mỹ đã đổ tài ngyên rất lớn vào một cuộc đối đầu với Trung Quốc để giúp các đối tác bảo vệ lãnh thổ trong khi lại phân bổ khoản ngân sách rất nhỏ cho kế hoạch phòng thủ của mình.