Không hiểu ông Chủ nhiệm Đào Trọng Thi lỡ lời hay cố ý?

16/01/2014 08:27
Tác giả: Xuân Dương
(GDVN) - "Với tư cách là một đảng viên không hiểu GS Thi nghĩ gì mà lại có những phát biểu không phù hợp, nếu không nói là trái với nghị quyết của Trung ương như vậy?"
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tác giả Xuân Dương đặt câu hỏi như vậy trước phát biểu của GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội. 

Ngay sau khi phát biểu của GS Đào Trọng Thi được đăng tải, Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và bài viết phản biện vấn đề quan điểm về chuyện tuyển sinh CĐ-ĐH mà GS Đào Trọng Thi nói. Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Xuân Dương xung quanh vấn đề này. 

Ngày 13/1/2014 GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã phát biểu quan điểm về chuyện tuyển sinh CĐ-ĐH, Báo Giáo dục và Thời đại và nhiều báo mạng khác đã đăng tải các ý kiến này [1].

Có thể với vị thế Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, GS Thi quan tâm nhiều đến khía cạnh pháp luật, theo ông “từng trường có quyền tổ chức thi tuyển hay xét tuyển, tham gia kỳ thi “3 chung” hay tham gia kỳ thi của một trường nào đó. Cũng không ai nói là các cơ sở giáo dục ĐH phải lấy kỳ tuyển sinh tốt nghiệp THPT làm cơ sở để xét tuyển”. 

Đúng là Luật Giáo dục đại học chỉ đề cập đến quyền tự chủ tuyển sinh, khoản 2 điều 34 quy định:

a) Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển;

b) Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên khi nêu quan điểm “Cũng không ai nói là các cơ sở giáo dục ĐH phải lấy kỳ tuyển sinh tốt nghiệp THPT làm cơ sở để xét tuyển” không hiểu GS Thi lỡ lời hay cố ý. Xin nêu ở đây định hướng trong Nghị quyết 29 của hội nghị TW 8 khóa 11 (Nghị quyết số 29-NQ/TW):

“Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học… 

Đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”. Có thể thấy Nghị quyết của TW không giống nguyên văn như GS Thi (làm cơ sở để xét tuyển) mà là “làm cơ sở cho việc tuyển sinh…”.

Cũng xin nhắc lại ở đây khoản 4 điều 9, Điều lệ Đảng quy định: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.

Với tư cách là một đảng viên không hiểu GS Thi nghĩ gì mà lại có những phát biểu không phù hợp, nếu không nói là trái với nghị quyết của Trung ương như vậy? Vẫn biết không một tổ chức, cá nhân nào có thể nằm ngoài pháp luật nhưng cũng cần phải hiểu Hiến pháp đã quy định vai trò của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền. Với sự công nhận trong Hiến pháp, sự chỉ đạo của Đảng vẫn là định hướng cao nhất không chỉ các đảng viên mà mọi người đều phải tuân theo.

Mục thứ 5 trong đề xuất của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công lập (viết tắt là Hiệp hội) về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học,  lấy đó làm cơ sở để tuyển sinh CĐ-ĐT chính là xuất phát từ nghị quyết 29 của TW, bốn mục đề nghị bỏ thực ra là không cần thiết, bởi một khi chỉ có một kỳ thi quốc gia theo kiểu 2 trong 1 thì làm gì còn điểm sàn, cũng không có khối thi… 

Luật Giáo dục đại học ra đời từ năm 2012, có hiệu lực từ 1/1/2013 trong khi nghị quyết 29 ra đời cuối năm 2013. Lấy tinh thần nghị quyết của Đảng để góp ý cho Bộ GD&ĐT phải chăng cần phải “có tư cách” như câu hỏi của GS Thi: “Không hiểu với tư cách gì mà Hiệp hội này lại có đề nghị như vậy”? 

Có lẽ sẽ là thừa khi nhắc đến Nghị định 45/2010/NĐ-CP (NĐ 45) do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 21/10/2010 “Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội” với những người làm luật song không nhắc thì có vẻ lại “hơi bị thiếu”. Chỉ cần lưu ý rằng khoản 2 điều 2 NĐ 45 quy định “Hội” cũng có nghĩa là “Hiệp hội”, và một “Hiệp hội” không bị bắt buộc phải công bố “tư cách” của mình với bất kỳ ai một khi đã được cấp phép hoạt động.

Thiết nghĩ trong một nhà nước pháp quyền, tư cách cao nhất là tư cách công dân. Một xã hội mà người dân bình thường không được phép trình bày quan điểm, không được phép phản biện, không phải là tiêu chí mà Đảng và Nhà nước theo đuổi bởi lẽ sớm hay muộn xã hội ấy cũng trở thành xã hội của các nhóm lợi ích. 

Nhân chuyện GS Thi đề cập đến “cách dùng từ” khi “phê duyệt” hay “thẩm định” đề án: “Ở đây chỉ là cách dùng từ thôi. Nhưng khi dùng từ đúng thì thái độ trong công việc của mình cũng đúng”. 

Người Việt có một câu ngạn ngữ về cách dùng từ: “Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau”, không hiểu các trường CĐ-ĐH sẽ nghĩ gì khi GS Thi “dùng từ” như sau: 

“tính tự giác của các trường còn kém,… ý thức tự giác chưa cao, năng lực tự chủ còn có cái bất cập, nhiều trường còn chưa hiểu quyền tự chủ là gắn với tự chịu trách nhiệm,…”. [1].

Khi nói “tính tự giác của các trường còn kém”, không biết GS Thi có trừ hai trường là ĐH Quốc Gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vì theo ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 và tổng kết năm học 2012 - 2013 các trường ĐH-CĐ thì Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị để triển khai (tự chủ  tuyển sinh), trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội ngay năm 2014 sẽ thí điểm tuyển sinh theo đánh giá năng lực. 

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đồng chí, không phải là để quay trở lại thời kỳ trước “ba chung”, để các đồng chí lại tiếp tục tổ chức tuyển sinh theo khối A “toán, lý, hóa” hay C “văn, sử, địa”…” [2]. Có thể thấy đề xuất bỏ khối thi chính là ý kiến của Bộ trưởng chứ không phải là “sáng kiến” của Hiệp hội. Tương tự như vậy, đề xuất bỏ thi tuyển sinh CĐ-ĐH chỉ là hệ quả suy ra từ chỉ đạo của TW trong nghị quyết 29.

Đúng là trong số hơn 400 trường CĐ-ĐH cả nước không khó để nhận diện những trường kém tự giác, tuy nhiên nói thế nào để người nghe tiếp nhận mà không phật ý thì lại là nghệ thuật không dễ vận dụng, đặc biệt là không thể “vơ đũa cả nắm” theo kiểu “các trường”.  

Người viết cứ muốn tác giả Hiếu Nguyễn, báo Giáo dục và Thời đại ghi chép không chính xác các câu nói của GS Thi, bởi lẽ với trình độ và vị thế của ông mỗi phát ngôn với báo chí đều có sức nặng nhất định. Đặc biệt trong thời đại kỹ thuật số, khi một bài báo đã đăng tải thì chỉ vài phút sau đã được truyền thông trong nước và quốc tế cập nhật. Người nước ngoài sẽ nghĩ gì khi đọc được nhận xét nêu trên của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đối với các trường CĐ-ĐH Việt Nam. 

Nếu những gì báo chí đăng tải là đúng, người viết rất hy vọng sẽ đọc được lời đính chính của ông Chủ nhiệm.
 

 
 Tài liệu tham khảo:

[1] http://gdtd.vn/giao-duc/de-nghi-bo-thi-dai-hoc-la-trai-luat-73016-v.html
[2] http://gdtd.vn/giao-duc/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dai-hoc-theo-nghi-quyet-tu-8-khoa-xi-72402-t.html

Tài liệu tham khảo:
[1] http://gdtd.vn/giao-duc/de-nghi-bo-thi-dai-hoc-la-trai-luat-73016-v.html
[2] http://gdtd.vn/giao-duc/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dai-hoc-theo-nghi-quyet-tu-8-khoa-xi-72402-t.html
Tài liệu tham khảo:
[1] http://gdtd.vn/giao-duc/de-nghi-bo-thi-dai-hoc-la-trai-luat-73016-v.html
[2] http://gdtd.vn/giao-duc/doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dai-hoc-theo-nghi-quyet-tu-8-khoa-xi-72402-t.html
Tác giả: Xuân Dương