Mới đây Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2013, Việt Nam thu hút gần 22 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo với hơn 600 dự án, tiếp đó là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa, bất động sản...
Liệu con số 22 tỉ USD thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng trong năm 2013 có phải tín hiệu đáng mừng trong lúc nền kinh tế còn khó khăn? Và năm 2013 có phải năm thành công trong việc thu hút đầu tư từ nước ngoài của Việt Nam?
Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Việt Nam năm 2013 đạt gần 22 tỉ USD (ảnh minh họa) |
Đánh giá về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, thực ra đây chỉ là số vốn nhà đầu tư nước ngoài đăng ký, chưa nói lên nhiều điều nếu nhìn vào thực tế.
“So với năm 2012, thu hút đầu tư Việt Nam năm qua tăng lên 54%, mức tăng trưởng tương đối khá nhưng đây chỉ là tín hiệu để thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến Việt Nam. Bởi vì trong con số đầu tư thực tiễn chỉ là 11.5 tỉ USD, đây mới là con số đáng nói, so với năm 2012 chỉ tăng 10%”, GS Nguyễn Mại nhận xét.
GS-TSKH Nguyễn Mại không nên nhìn vào con số 22 tỉ USD mà coi nhẹ việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam |
Đánh giá tổng quan về thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2013, GS Nguyễn Mại cho rằng có sự thay đổi rất rõ thể hiện qua việc thu hút được những dự án lớn. Trước đây chúng ta cũng có những dự án lớn tuy nhiên năm 2013 là năm đầu tiên chúng ta có được một dự án chỉ đầu tư vào một mặt hàng đó là điện thoại di động, dự án của SamSung.
“Đây là dự án lớn đóng góp vào sản lượng xuất khẩu rất lớn chỉ riêng mặt hàng điện thoại di động đã lên tới 4.5 tỉ USD, năm nay SamSung đóng góp vào xuất khẩu 23 tỉ USD đứng đầu các ngành hàng. Được biết sau khi hoàn thành nhà máy tại Thái Nguyên, SamSung sẽ sản xuất 240 triệu điện thoại di động trên tổng số 400 triệu điện thoại trên toàn cầu (tức chiếm 60% tổng số điện thoại của hãng này)”, GS Nguyễn Mại nêu ví dụ.
Bộ TTTT: Tái cơ cấu VNTP lợi nhiều bề
Thủ tướng lên tiếng việc Hoàng Anh Gia Lai tạm nhập đường
Năm 2013, dấu ấn dự án lớn còn thể hiện qua dự án lọc dầu Nghi Sơn trị giá 9 tỉ USD, lợi ích lớn nhất của dự án là mang lại nguồn cung cho nguyên vật liệu cho sản xuất, từ đó làm giảm nhập siêu của Việt Nam
Tuy nhiên nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, không nên nhìn vào con số mà chủ quan trong cải thiện môi trường kinh doanh bởi điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam còn thấp hơn so với rất nhiều nước, điều mà nhà đầu tư khi vào Việt Nam đầu tư là thương quyền.
“Vấn đề nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam là việc giải quyết tranh chấp trong đầu tư, chúng ta đã có hệ thống sử lý qua trọng tài, ra tòa án nhưng rõ ràng người ta không tin lắm hệ thống trọng tài của Việt Nam, dẫn đến nhiều vụ việc tranh chấp không xử lý được”, GS Nguyễn Mại nêu bất cập.
Trong khi đó đánh giá, so sánh giữa ưu đãi của Việt Nam như miễn thuế, tạo điều kiện về đất… cho nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích của doanh nghiệp FDI mang lại GS Nguyễn Mại cho rằng đây là việc rất khó và không thể đưa ra so sánh.
“Vừa rồi Chính phủ cũng đã có chỉ đạo rõ ràng, chúng ta không thể ưu đãi theo kiểu đại trà, ví dụ không phải cứ có dự án may mặc tạo nhiều việc làm cho lao động là anh được ưu tiên, hay vì dự án đóng góp nhiều cho xuất khẩu mà tạo điều kiện”, GS Nguyễn Mại nói.
Hiện nay việc ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài phải tùy theo ngành và địa phương. Hà Nội, TP.HCM không thể ưu đãi như Điện Biên hay Lai Châu được, ví dụ nhà đầu tư nào dệt may lên Điện Biên thì ưu đãi còn ở Hà Nội, TP.HCM không có ưu đãi, ưu đãi đầu tư tại Hà Nội phải là dự án công nghệ cao.
Cũng theo GS Nguyễn Mại vừa qua Chính phủ ban hàng Nghị Quyết 103 nêu rất rõ các định hướng. Thứ nhất phải thu hút dự án tạo ra việc làm nhưng trú trọng vào công nghệ cao, y tế, giáo dục, công nghệ hỗ trợ…
Thứ hai đồng thời coi trọng doanh nghiệp châu Á, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, tập chung vào đối tác tạo ra thế mạnh trong đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp và đặc biệt là Mỹ.
“Muốn làm được điều đó phải thay đổi cách tiếp cận xúc tiến đầu tư, thay đổi cơ bản cách tiếp cận thông qua dự án bởi vì những nhà đầu tư lớn. Minh bạch hóa, công khai hóa chính sách, đảm bảo luật pháp nghiêm. Hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp bộ ngành sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đây là điều kiện tốt thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2014” GS Nguyễn Mại kết luận.