Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCSEIF) vừa tiến hành tổ chức Hội thảo Báo cáo kết quả các dự án điều tra năm 2013 về việc thực hiện 2 dự án: “Điều tra khảo sát niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam” và “Điều tra khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam”.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Thuật (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) người chủ nhiệm dự án cho biết: Để xây dựng báo cáo này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại Hà Nội với số mẫu khảo sát là 1.500 người tại Hà Nội.
Bộ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng là một bộ chỉ số kinh tế - xã hội quan trọng được xây dựng trên cơ sở của một cuộc khảo sát chọn mẫu và được đại đa số các nền kinh tế coi trọng.
Bộ chỉ số này được coi như là một bộ thước đo về sức khỏe của nền kinh thông qua phán xét của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và tiến hành khảo sát xây dựng bộ chỉ số quan trọng này còn là vấn đề mới ở nước ta và chưa có cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học nhà nước nào thực hiện nghiên cứu...
Sức khỏe kinh tế của Hà Nội qua bộ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Thủ đô. |
Khi sự lạc quan của người tiêu dùng Hà Nội vào hiện tại và tương lai kinh tế của Thủ đô thì xu hướng tăng chi tiêu của họ và gia đình họ sẽ trở lên phổ biến, bởi sự lạc quan này phản ánh tình hình kinh tế của Thủ đô và tình trạng việc làm, thu nhập gia đình của họ khá ổn định.
Ngược lại, khi người tiêu dùng thiếu sự lạc quan vào bối cảnh hiện tại và tương lai kinh tế của Thủ đô thì xu hướng giảm chi tiêu sẽ xuất hiện, thay vào đó là ý định hạn chế các khoản chi tiêu của họ sẽ tăng lên, bởi sự thiếu lạc quan này phản ánh tình hình kinh tế của Hà Nội và tình trạng việc làm, thu nhập gia đình của người tiêu dùng ở trạng thái bấp bênh.
Bộ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Hà Nội nói riêng không chỉ phản ánh mức độ lạc quan hay bi quan của người tiêu dùng Hà Nội vào thực tại và tương lai kinh tế của Thủ đô, mà nó còn phản ánh mức độ hài lòng hay lo âu về việc làm, cũng như về thu nhập gia đình của họ.
Mức độ lạc quan hay bi quan, hoặc mức độ hài lòng hay lo âu về các vấn đề nêu trên có mối quan hệ hữu cơ và cùng chiều với nhau trong cùng một thời điểm xác định. Dưới đây là bộ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Hà Nội
Bộ chỉ số trên cho thấy:
Chỉ số hiện tại ở mức 85 điểm: Chỉ số này phản ảnh tâm trạng bi quan khá rõ nét về tình hình kinh tế của Hà Nội và việc làm của người tiêu dùng ở 6 tháng đầu năm 2013.
Chỉ số kỳ vọng đạt 108 điểm: So sánh chỉ số này với chỉ số hiện tại cho thấy, mặc dù 6 tháng đầu năm người tiêu dùng Hà Nội khá bi quan về tình hình kinh tế của Thủ đô và việc làm của họ thì 6 tháng cuối năm 2013 đã có bước chuyển biến tích cực rõ ràng. Đó là sự thay đổi từ tâm trạng bi quan sang tâm trạng lạc quan không chỉ về kinh tế của thành phố, mà còn về việc làm và thu nhập gia đình của họ.
Chỉ số tổng hợp đạt 99 điểm: Nó cho thấy người tiêu dùng vẫn còn biểu hiện tâm trạng bi quan về các lĩnh vực kinh tế của Thành phố, việc làm và thu nhập gia đình của họ. Tuy nhiên, xét theo mức độ, với 99 điểm thì mức độ bi quan này rất thấp, bởi nó tiến sát 100 điểm - biểu hiện ở trạng thái trung bình (không xấu, không tốt).
Như vậy, có thể thấy trước bối cảnh kinh tế khó khăn của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013 như chỉ số hiện tại phản ánh thì chỉ số tổng hợp 6 tháng cuối năm đã cho thấy tình hình kinh tế của Thủ đô nói chung, việc làm và thu nhập gia đình của người tiêu dùng nói riêng đang được cải thiện. Điều này cho thấy, sức khỏe kinh tế của Hà Nội năm 2013 nói chung còn yếu, nhưng nó đang trong xu hướng phục hồi.
Bộ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng bao gồm 3 chỉ số (Chỉ số hiện tại, chỉ số kỳ vọng và chỉ số tổng hợp). Tuy nhiên, xét ở góc độ vĩ mô thì chỉ số tổng hợp là chỉ số quan trọng nhất và có độ tin cậy nhất so với 2 chỉ số còn lại. Thông thường, các cơ quan có chức năng hoạch định chính sách và quản lí nhà nước, cũng như các định chế tài chính nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng ở các nền kinh tế phát triển rất coi trọng chỉ số này.