"Liên kết với khu vực sẽ hóa giải được những áp lực từ Trung Quốc"

21/01/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Vai trò vị trí địa chính trị hiện nay của Myanmar và liên minh với các nước khác trong khu vực chắc chắn sẽ đối trọng được với bất cứ áp lực nào từ Trung Quốc.
Tổng thống Myanmar Thein Sein và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, hình minh họa.
Tổng thống Myanmar Thein Sein và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, hình minh họa.

Hãng thông tấn Burma ngày 20/1 đưa tin nhận định, xử lý sự khác biệt trong khối ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông với Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức chính đối với Myanmar trong vai trò là Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Giáo sư Robert Taylor từ viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét, đây là vấn đề lớn và sẽ đánh giá khả năng của Myanmar trong việc đưa ra một dự thảo nghị quyết mà các bên đều đồng ý.

Wahyu Dhyatmika, quản lý tuần san Tempo của Indonesia nói với Burma, Myanmar có thể làm trung gian cho một thỏa thuận giữa các bên xung đột và hướng con tàu ASEAN vượt qua những vấn đề gai góc và nguy cơ bùng nổ.

Quan điểm cơ bản của ASEAN về Biển Đông đã được xác định, Dhyatmika nhấn mạnh, đó là việc xây dựng bộ quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC). Nói cách khác, Trung Quốc phải đối mặt với toàn khối ASEAN chứ không phải từng bên tranh chấp, phương thức Trung Quốc vẫn tìm mọi cách theo đuổi và cản trở mọi nỗ lực xây dựng COC.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nhiều lần nói Trung Quốc "thiện chí" tham vấn COC với ASEAN, nhưng tất cả chỉ là chiêu bài hoãn binh để Bắc Kinh kéo dài thời gian tự tung tự tác ngoài Biển Đông.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nhiều lần nói Trung Quốc "thiện chí" tham vấn COC với ASEAN, nhưng tất cả chỉ là chiêu bài hoãn binh để Bắc Kinh kéo dài thời gian tự tung tự tác ngoài Biển Đông.

Dhyatmika cho biết, những bên liên quan trên Biển Đông không hài lòng với quỹ đạo hiện nay rõ ràng sẽ cố gắng để bẻ cong những gì có lợi cho họ và Myanmar phải giải quyết được vấn đề này. ASEAN không muốn một sự cố tương tự như đã xảy ra tại Phnom Penh năm 2012.

Theo Wahyu Dhyatmika, Trung Quốc có khả năng sử dụng các sức mạnh của mình về kinh tế và chính trị vốn vượt xa Myanmar để "bảo vệ (cái gọi là) lợi ích của họ". Nhưng quan trọng hơn, vai trò vị trí địa chính trị hiện nay của Myanmar và liên minh với các nước khác trong khu vực chắc chắn sẽ đối trọng được với bất cứ áp lực nào từ Trung Quốc.

Học giả Marvin Ott từ trường Nghiên cứu Quốc tế đại học John Hopkins từ Washington cũng khẳng định, vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN là thử nghiệm và cơ hội với Myanmar. Trong đó, vấn đề Myanmar có chịu nổi áp lực không thể tránh khỏi từ Bắc Kinh hay không sẽ trở thành bài kiểm tra với quốc gia này.

Cùng một nhận định này, nhà phân tích chính trị độc lập Richard Horsey nói, Trung Quốc có thể hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với Myanmar để gây ảnh hưởng lên các cuộc thảo luận, nhưng thực tế Myanmar đang trong quá trình tái cân bằng quan hệ đối ngoại và Bắc Kinh đã không còn ảnh hưởng lớn đến Myanmar như họ đã từng có.

Hồng Thủy