TS. Lê Thẩm Dương: Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công

21/01/2014 07:17
Xuân Trung
(GDVN) - Chia sẻ với sinh viên Hà Nội về bước đầu của “khởi nghiệp”, TS. Lê Thẩm Dương cho hay, tái cấu trúc suy nghĩ hãy hỏi chính mình, đừng hỏi chuyên gia.
Những trăn trở suy nghĩ của sinh viên mới ra trường là làm thế nào để “khởi nghiệp” thành công? Làm thế nào để có một chỗ đứng trong công ty, doanh nghiệp, hay đơn giản là có một công việc phù hợp, có thu nhập? Chia sẻ thêm, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP. HCM cho rằng, rất nhiều bài học cần được áp dụng, nhưng trước hết là biết “kiềm chế để có sức mạnh”.

Lập “kế hoạch” vào đời

Nhiều sinh viên trẻ mới ra trường rất bỡ ngỡ trước lựa chọn công việc, xác định hướng đi đúng cơ hội thành công rất lớn. Đất nước đã ra “biển lớn” từ năm 2006 ( tham gia WTO), đó là điều kiện rất thuận lợi để đất nước bước vào cuộc đua mới về kinh tế, vị thế lớn về kinh tế sẽ đưa đất nước ta sánh với nhiều nước phát triển trên thế giới.

TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ bí quyết trở thành người năng động. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Thẩm Dương chia sẻ bí quyết trở thành người năng động. Ảnh Xuân Trung

TS. Lê Thẩm Dương cho biết, hiện nay chúng ta đang có một môi trường kinh doanh rất tốt, và quan trọng là giờ ta “bơi” như thế nào. Nhà nước đặc biệt coi trọng tính đột phá trong sáng tạo, có cơ chế chọn người tài và để giúp được điều đó ngay cả Bộ GD&ĐT cũng phải thay đổi tư duy. 

Đó chính là tạo tiền đề thêm về cơ sở vật chất, bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Vì bản chất của việc kinh doanh là giữ khách chứ không phải là bán hàng. Sinh viên cần chăm chỉ học và học không thể theo một cách bình quân được.

Trong phần chia sẻ về khởi nghiệp, TS. Lê Thẩm Dương cho hay, sinh viên muốn kinh doanh thì không thể dựa vào cảm xúc, cảm xúc là kẻ thù số một của thành công. Đặc biệt, trong kinh doanh không dùng tư duy kinh nghiệm, mà hãy suy nghĩ, vận động bộ não ngay cả “ngồi trên taxi”.

“Tái cấu trúc trong suy nghĩ hãy hỏi chính mình, đừng hỏi chuyên gia, vì chuyên gia chỉ đưa cho bạn những khuôn mẫu. Muốn phát triển phải tái tạo liên tục, nhưng trong một cuộc đời thì có nhiều cách tái khác nhau” TS. Lê Thẩm Dương cho biết.

Liên tục thay đổi, liên tục sáng tạo, sáng tạo trong sự khác biệt sẽ đem tới thành công. Ông cũng cho rằng, người quản trị tốt không phải là người ngồi “máy lạnh” để nghĩ ra chiến lược mà phải bắt nguồn từ chính những yêu cầu bức thiết của người lao động.

TS Dương cũng lấy dẫn chứng câu chuyện “bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng hai điểm khi thi đại học”, “mỗi đám cưới không được quá 300 mâm” để minh họa về tư duy thụ động, không có sự sáng tạo và xa rời cuộc sống.

Nhiều sinh viên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của các trường đại học Hà Nội chăm chú lắng nghe, ghi chép. Ảnh Xuân Trung
Nhiều sinh viên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của các trường đại học Hà Nội chăm chú lắng nghe, ghi chép. Ảnh Xuân Trung

Mượn hình ảnh về con người Nhật Bản, Hàn Quốc, TS. Lê Thẩm Dương nói về sức mạnh nội lực đáng gờm khiến nhiều sinh viên nể phục. Ông cho rằng, “cúi người càng thấp, càng cho thấy mình “đáng gờm” và dễ dàng lấy được hợp đồng giá trị từ khách hàng”. 

Bên cạnh đó, trong buổi nói chuyện với sinh viên Hà Nội, TS Lê Thẩm Dương liên tục có những hành động, lời nói động chạm đế lòng tự ái của nhiều bạn trẻ nhưng với chất giọng hài hước. Thông qua đó, ông muốn nhắn nhủ các bạn trẻ trong kinh doanh cần phải học tập được tinh thần nhẫn nhịn, chịu đựng. Bởi vì “Kiềm chế tạo sức mạnh”. 

Kế hoạch cho tương lai của mình theo TS. Lê Thẩm Dương cần phải rõ ràng, dù rằng  giải pháp tình thế có tốt nhưng cần phải xác định tư duy “hành động hôm nay là để cho ngày mai”. 

Đừng mơ ngủ trên chiếc giường hẹp

Ông Bùi Xuân Hải (thường gọi là Hải đồ cổ - người từng giàu nhất Việt Nam) cũng đã chia sẻ về những biến cố và thăng trầm trên con đường kinh doanh suốt cuộc đời mình và có những nhắn nhủ với các bạn trẻ trên con đường lập thân, lập nghiệp. Nhìn cách sinh viên lập nghiệp bây giờ ông Hải không khỏi lo lắng, lo vì nhiều bạn trẻ không biết định hướng đi cho mình như thế nào, và có rồi thì thực hiện ra sao.

“Làm giàu để lấy vợ, để có cái nhà, có xe máy, hồi xưa có câu: Lũ chúng ta ngủ trên giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nặng cuộc đời con. Nếu các bạn muốn làm giàu lớn thì đừng bao giờ ước mơ ngủ trên giường chiếu hẹp. Để làm giàu thì cần có sự  khác biệt” 

Ông Bùi Xuân Hải

Chia sẻ cách lập nghiệp của bản thân với nhiều sinh viên, ông cho biết, đã từng là giáo viên cấp 3, đã từng là người giàu nhất Việt Nam cách đây 30 năm, đã từng có hàng tấn vàng, nhưng cũng đã có thời kỳ vướng vào “lao lý” và mọi của cải đều tan biến. Vị “tỷ phú”một thời cũng cho biết làm thế nào từ khi không có một xu lại mơ về tỷ phú đô la? Và ông đã làm được điều mơ ước đó.

Ông “vua đồ cổ” cũng cho rằng, các bạn trẻ ngày nay ai cũng có thể làm giàu được, từ người có 10 tỷ cho tới người có 100 nghìn. Vậy yếu tố nào để giúp các bạn làm giàu? Sau nhiều năm bươn trải ông Hải đã nghiệm ra một điều, nó được gói gọn trong vài từ, đó là: Niềm tin ở chính mình. Phải tin vào mình trước rồi đề ra hướng đi đúng, mặc dù rất cao xa. 

“Tin vào những điều mình đang làm, nội dung mình làm, đang làm, sẽ làm. Tin vào con đường và phương tiện mình chọn. Cái niềm tin, đến không cùng nó, sẽ tạo ra cho các bạn sự say mê. Và người ta thường kết hợp 2 cái yếu tố đó là niềm tin và sự say mê. Tất cả các bạn sẽ làm giàu được hết” ông Hải khẳng định.

Ông Bùi Xuân Hải, người được mệnh danh là "vua đồ cổ" nói chuyện về cách làm giàu với sinh viên. Ảnh Xuân Trung
Ông Bùi Xuân Hải, người được mệnh danh là "vua đồ cổ" nói chuyện về cách làm giàu với sinh viên. Ảnh Xuân Trung

Liên hệ tới cuộc sống sinh viên hiện nay, vị “vua đồ cổ” Việt Nam lấy dẫn chứng. Bố mẹ có thể gửi cho con 2 triệu tiêu trong tháng, nhà trọ 2 người chung với nhau hết 1 triệu 2, điện nước là 1 triệu 4, tiền sách vở, đồ dùng cá nhân, ăn uống…

“Với những sinh viên có người yêu sẽ còn phải mất thêm “tình phí”. Các bạn buộc phải cân đối. Không có cách nào khác. Với 2 triệu, phải sống đúng với con người có 2 triệu. Nếu có 1,5 triệu cũng phải sống đúng với nó. Chúng ta không có cách nào cả nếu không muốn phải bán mình. Bán mình thì có nhiều kiểu lắm. Thời buổi này thì đều bán được hết. Và tất cả những kẻ như vậy thì không bao giờ giàu được trừ  một số ít tôi có biết, làm đủ mọi cách để có được nguồn vốn đầu tiên” ông Hải chia sẻ những điều chân thành tới các bạn sinh viên.

Hiện nay, để tăng thêm thu nhập, để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống sinh viên, nhiều bạn trẻ mở bán quần áo, bán hàng điện thoại nhưng đều không thành công. Theo ông Hải, vì các bạn thường rơi vào tình trạng “đếm cua trong lỗ”, thu hoạch thì áng chừng từng này, chi phí như thế này. Các bạn thường mắc phải 2 sai lầm: hoang tưởng và không tính toán. 

“Làm giàu để lấy vợ, để có cái nhà, có xe máy, hồi xưa có câu: Lũ chúng ta ngủ trên giường chiếu hẹp/Giấc mơ con đè nặng cuộc đời con. Nếu các bạn muốn làm giàu lớn thì đừng bao giờ ước mơ ngủ trên giường chiếu hẹp. Để làm giàu thì cần có sự  khác biệt” vị “vua” này nói.

Cũng chia sẻ về quan điểm khởi nghiệp, ông Hoàng Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho hay, có rất nhiều con đường để khởi nghiệp và mỗi người nên chọn cho mình một lối đi phù hợp với khả năng, đam mê của mình. Trước khi bắt đầu việc khởi nghiệp các bạn cần trả lời được 3 câu hỏi chính: Liệu có cần khởi nghiệp hay không? Ai khởi nghiệp cũng cần vốn không ít thì nhiều nhưng bao nhiêu là đủ? Có cần làm hoành tráng hay không? Và, cần làm việc gì đầu tiên khi khởi nghiệp?

Những chia sẻ của các diễn giả là sự kiện nằm trong dự án “Phát triển Tài năng Kinh doanh Trẻ” của Viện Quản trị Kinh doanh FSB (ĐH FPT) tổ chức nhằm kết nối thanh niên trẻ và các doanh nghiệp. 
Xuân Trung