Cụ thể, chia sẻ trên trang cá nhân, ca sĩ Cẩm Vân viết: "Vẫn còn thở, vẫn còn làm việc và đang yêu đời lắm! Cảm ơn ai đó đã loan tin "Cẩm Vân đã chết" nhờ vậy mới biết được tâm trong con người. Giờ thì vẫn hát vang đấy bạn ạ!
Khi nào trời gọi thì mình sẽ "dạ". Bạn nghĩ, bạn nói điều đó thì bạn sẽ sống được lâu hơn và bạn sẽ hạnh phúc cười vui thì cứ tiếp tục nhé! Chúc bạn năm mới thật nhiều phúc đức!".
Ca sĩ Cẩm Vân |
Sáng nay (23/1), dòng chia sẻ của nữ ca sĩ được nhiều trang mạng đăng tải.
Sau khi thông tin này phủ kín nhiều mặt báo, rất nhiều người hâm mộ đã bày tỏ sự bức xúc. Trên trang cá nhân của nữ ca sĩ, qua email tòa soạn của nhiều tờ báo, độc giả đã chia sẻ sự cảm thông và động viên tới nữ ca sĩ.
Tuy nhiên, sau khi PV tìm hiểu, sự thật là sáng ngày 21/1, NSƯT La Cẩm Vân, nguyên Giám đốc nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế) đã qua đời vào sáng cùng ngày ở tuổi 62, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng.
Thông tin này được đạo diễn Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát chia sẻ và được một số tờ báo đưa tin.
NSƯT La Cẩm Vân qua đời sáng 21/1, hưởng thọ 62 tuổi. |
Rất có thể, tin đồn ca sĩ Cẩm Vân qua đời xuất phát từ việc từ trần của NSƯT La Cẩm Vân.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện sự việc, nhiều độc giả đã 'đổ tội' tin đồn ác ý xuất hiện là do báo chí lá cải giật tít "Cẩm Vân qua đời" nhằm lập lờ đánh lận con đen, tạo chiêu trò câu view.
Nhưng theo tìm hiểu của PV Báo Giáo dục Việt Nam, thông tin NSƯT La Cẩm Vân qua đời được đưa rõ ràng, đầy đủ, không có chuyện lập lờ đánh lận con đen. Như tờ Thanh Niên đưa tin về việc này: Vĩnh biệt cánh chim đầu đàn của nghệ thuật múa, tuồng cung đình Huế.
Tờ này nêu rõ, NSƯT Cẩm Vân là con gái của cố NSƯT La Cháu - nghệ nhân tuồng và múa hát cung đình cuối cùng của triều Nguyễn. Sinh ra trong một gia đình truyền thống có 5 đời hoạt động nghệ thuật, lâu nay NSƯT Cẩm Vân được giới nghệ sĩ ở Huế đánh giá là người “giữ bóng thời gian” cho loại hình nghệ thuật tuồng và múa hát cung đình truyền thống Huế.
Chị cũng chính là cánh chim đầu đàn, nghệ nhân sau cùng nắm được các bí truyền, ngón nghề, kỹ năng - kỹ thuật của múa cung đình và tuồng cung đình để rồi truyền dạy cho lớp lớp đàn em sau này. Chính chị là người khôi phục bài bản nhã nhạc Trống Thái bình, phục dựng thành công hai điệu múa cung đình Múa kiếm và Lục cúng hoa đăng.