Theo thông tin từ Sony Việt Nam thì phiên bản NEX-5N sẽ được bán vào khoảng cuối tháng 9 này với giá tối đa là 15 triệu đồng khi đi kèm ống kính 18-55mm, tức là mắc hơn tối đa 1 triệu đồng so với NEX-5. Ngoài ra, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của ống ngắm điện tử EVF dành riêng cho NEX-5N với giá khoảng 350$ ở thị trường Mỹ.
Nếu như NEX C3 có rất nhiều thay đổi về thiết kế bên ngoài so với NEX3 thì 5N lại gần như không có bất cứ khác biệt nào, ngoại trừ phần báng tay được trang trí theo kiểu vân carbon. Sự khác biệt chỉ đến từ các thành phần quan trọng bên trong như cảm biến ảnh, màn hình và giao diện người dùng. Chúng ta hãy lần lượt điểm qua các chi tiết này, cuối cùng là ống ngắm điện tử EVF dành riêng cho NEX-5N.
Về cảm biến, Sony NEX-5N được trang bị cảm biến 16MP, cao hơn 2MP so với độ phân giải của chiếc máy cũ, đồng thời Sony cũng đã nâng cấp cảm biến này, mở rộng dải nhạy sáng ISO lên tối đa 25600 và cho phép chụp ở ISO tối thiểu thấp hơn lúc trước, đạt 100. Với cảm biến APS-C thế hệ mới, ảnh từ NEX-5N hứa hẹn sẽ bớt nhiễu hơn phiên bản cũ khá nhiều. Hầu hết hình mình chụp thử từ NEX-5N ở phía dưới đều được thực hiện ở những ISO cao như 2500 và 3200 nhưng ảnh vẫn ít nhiễu và chi tiết cao. Có một điều khá thú vị là NEX-5N có ISO tối đa 25600 trong khi NEX-7 chỉ là 16000.
Cảm biến mới cũng đi kèm hệ thống điều khiển màn trập mới mà Sony gọi là First Curtain Shutter. Nếu như trước đây, khi chụp với các hệ thống NEX bạn luôn nghe thấy màn trập đập 2 lần thì giờ đây, nó chỉ kêu 1 lần, yên tĩnh hơn và cũng giúp chống rung tốt hơn. Tính năng này chỉ xuất hiện trên 2 mẫu cao cấp là NEX-5N và NEX-7 trong khi NEX-C3 không có. Có lẽ nhờ màn trập mới mà NEX-5N chụp tối đa 10 tấm/giây so với 7 tấm của NEX-5.
Sony NEX-5N còn mang tới sự khác biệt trong phương thức điều khiển, bạn hoàn toàn không phụ thuộc vào các phím bấm như trước kia mà đã có thể sử dụng màn hình cảm ứng để chạm vào các biểu tượng, giảm thời gian thao tác trong 1 vài trường hợp. Màn hình NEX-5N vẫn là loại 3 inch độ phân giải cao 921k điểm ảnh, chất lượng hiển thị không khác biệt ngoại trừ tích hợp thêm lớp cảm ứng bên ngoài. Mình thử zoom hình bằng 2 ngón tay nhưng không thành công, có vẻ như màn hình này không hỗ trợ cảm ứng đa điểm.
Giao diện người dùng của NEX-5N không có nhiều khác biệt so với NEX-5, vẫn là menu do Sony Ericsson thiết kế. 1 vài chi tiết đã được tinh chỉnh để điều khiển bằng tay dễ dàng hơn nhưng nếu bạn muốn Sony thay đổi tư tưởng, biến NEX dễ điều khiển như DSLR thì phải chờ NEX-7 thôi. Có một điều đáng khen trên NEX-5N là Sony đã hỗ trợ kinetic scrolling, tính năng trượt lên xuống (giống menu trong điện thoại Android) chứ không đòi hỏi phải bấm các phím lên xuống, trái phải như máy quay phim HandyCam cảm ứng.
Các tính năng mới trên NEX-5N có thể kể để nữa là sữa lỗi ống kính (lens compensation). Sony sẽ lưu trữ sẵn thông tin về các ống kính (sẽ bổ sung thêm trong các bản firmware) để bù trừ các thông số sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, các tính năng Photo Creativity hay hiệu ứng ảnh trên NEX-C3 cũng xuất hiện ở NEX-5N. Sự thay đổi cuối cùng ở NEX-5N là nó quay được phim AVCHD 1080 60i/p trong khi máy cũ chỉ quay được 60i mà thôi.
Viewfinder 350$, đắt nhưng xắt ra miếng:
Có lẽ bạn sẽ rất hào hứng khi tìm hiểu về ống ngắm điện tử bán rời với giá 350$ của NEX-5N. Phụ kiện này chỉ dành riêng cho NEX-5N và không tương thích với C3 hay NEX-5. Lý do cũng dễ hiểu, tiết diện chấu cắm dành cho phụ kiện của NEX-5N không khác gì các máy cũ nhưng chân giao tiếp bị thay đổi nhằm phù hợp hơn với kính ngắm này. Do vậy, bạn có thể gắn bất cứ phụ kiện nào của máy NEX cũ lên NEX-5N nhưng không bao giờ dùng kính ngắm này với máy khác được. Cố gắng gắn vào C3 thì mình cũng không thành công, gắn vào được nhưng không thể vặn khóa.
Sony cho biết ống ngắm điện tử có độ phân giải 2,4MP, tức là một độ phân giải siêu cao cho 1 ống ngắm màn hình 0,5 inch nhỏ như vậy. Thật ra thì chúng ta có 1 chút thuật ngữ mang hơi hướng marketing ở đây, theo những gì mình tìm hiểu thì độ phân giải thật của ống ngắm điện tử (EVF) này là 1024x768 mà thôi. Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ OLED RGB mà ta sẽ nhân 3 lên thành 2,4MP. Nếu bạn đang sử dụng máy ảnh Foveon X3 thì sẽ hiểu cái này rõ hơn. Được biết ống ngắm điện tử của Sony cũng không phải loại thường mà là loại kết hợp 1 số thành phần OLED trắng (WOLED) với 3 màu RGB truyền thống đồng thời thực hiện hàng loạt các thay đổi so với công nghệ truyền thống.
Vậy với những thay đổi như trên thì ống ngắm này cho chất lượng ra sao? Theo Sony thì EVF mới của họ có tỷ lệ tương phản cao gấp 10 lần so với kính ngắm điện tử dùng LCD trên A55. Thực tế cho thấy ống ngắm này đã làm mình mê mẩn không thể rời mắt, bỏ mặc màn hình LCD vốn cũng rất đẹp của máy. Độ phân giải cao, hình ảnh cực kỳ chi tiết, màu sắc sống động và sáng rõ là những đặc điểm không thể không kể tới. Đặc biệt hơn, khi nhìn vào ống ngắm này bạn sẽ thấyhiệu ứng nổi y như màn hình 3D dù cho Sony không trang bị công nghệ này trên kính ngắm EVF. Bí mật tạo nên hiện tượng trên nằm ở một hiệu ứng mà ta tạm gọi là hiệu ứng hộp tối. Cứ tưởng tượng chỉ riêng phần đầu bạn bị khóa trong 1 rạp chiếu phim gia đình tối hoàn toàn, nguồn sáng duy nhất là từ màn hình và ánh sáng từ màn hình cũng không tán xạ nhiều ra môi trường xung quanh do bản chất tự phát sáng của OLED, tường xung quanh làm từ vật liệu đặc biệt không phản xạ lại ánh sáng thì có lẽ bạn sẽ hình dung ra điều này. Rất khó dễ diễn tả, nếu có thể bạn nên đi đến các showroom khi máy được bán ra thì sẽ dễ hình dung hơn. Dù vậy, EVF 350$ của NEX-5N cũng có điểm yếu là nó hơi nhỏ và chật mắt so với A65.
Một vài hình chụp từ NEX-5 với ISO cao và ống 18-55 kit, hình ảnh độ phân giải cao với EXIF chi tiết có thể xem ở link này, tất cả đều là hình nguyên gốc, không chỉnh sửa và ảnh chụp ở chế độ JPEG.
Cận cảnh Sony NEX-5N và viewfinder tại đây.