PV: Với vai trò là lãnh đạo ngành, trong năm 2013 Bộ trưởng tâm đắc nhất điều gì với sự nghiệp GD&ĐT, có điều gì còn băn khoăn, trăn trở?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tâm đắc nhất đối với tôi trong năm 2013 là Ban chấp hành TƯ Đảng đã thảo luận, ban hành Nghị quyết số 29 NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đề án này kết tinh trí tuệ và tình cảm của toàn Đảng và cả xã hội, trong đó có sự đóng góp của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với phóng viên. Ảnh Trần Kháng |
Còn về những điều băn khoăn, trăn trở… Tôi không có gì băn khoăn. Chúng tôi đã cố gắng hết sức mình và đã nhận được sự đánh giá công bằng của nhân dân, phụ huynh và cả bạn bè quốc tế. Nhưng trăn trở thì còn nhiều. Khi Trung ương chưa ra nghị quyết thì chúng tôi trăn trở, nỗ lực cùng các cơ quan có trách nhiệm hoàn thiện Đề án trình Trung ương thảo luận, xem xét. Khi Trung ương ban hành nghị quyết, chúng tôi ngay lập tức phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lo việc tổ chức, phối hợp triển khai Nghị quyết một cách có hiệu quả. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW, sớm đưa nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Khi ra một quyết định, Bộ trưởng cân nhắc đến lợi ích của ai đầu tiên?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chủ thể và khách thể của giáo dục đều là con người. Các quyết định trong giáo dục đều liên quan trực tiếp đến con người, đến học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo và sau đó là đông đảo phụ huynh học sinh. Khi ra quyết định, tôi luôn phải cân nhắc đến lợi ích của con người, trước hết là học sinh sinh viên, kế đến là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cân nhắc cả lợi ích trước mắt và nhất là lợi ích lâu dài.
Nếu được chọn 3 việc cần làm ngay với ngành giáo dục, Bộ trưởng sẽ nói điều gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trong thời gian qua, chúng tôi đã thực nghiệm nhiều việc để có cơ sở vững chắc đề xuất với Trung ương. Ví dụ, chuyển đổi phương pháp dạy và học từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phương pháp hình thành năng lực, kỹ năng và phẩm chất người học; chuyển từ cách truyền đạt chủ yếu là đọc chép sang lấy người học làm trung tâm.
Việc thực nghiệm không chỉ diễn ra ở một tỉnh, thành phố hoặc ở những địa phương có điều kiện thuận lợi, mà đã triển khai cả ở các tỉnh rất khó khăn, như Lào Cai, Kon Tum, Bắc Kạn, Cà Mau, Kiên Giang... Các mẫu triển khai đã khắc phục được hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan và tình trạng quá tải; bước đầu đã thay đổi được phương pháp dạy và học, nâng cao được tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Những việc này sẽ được tiếp tục trong năm 2014.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Những năm qua, tôi đã đến nhiều vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa để kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình. Có nhiều chuyến đi với tư cách đoàn công tác của Bộ, và cũng có những chuyến đi “riêng” với trách nhiệm của người đứng đầu ngành để nắm thông tin thực tế trực tiếp từ cơ sở.
Bộ trưởng Luận khẳngđịnh:"Khi ra quyết định, tôi luôn phải cân nhắc đến lợi ích của con người, trước hết là học sinh sinh viên, kế đến là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cân nhắc cả lợi ích trước mắt và nhất là lợi ích lâu dài.". Ảnh Trần Kháng |
Trong chuyến công tác tại Bản Khoang, chúng tôi có đến bệnh viện thăm hỏi các giáo viên bị nạn, trong đó có một cô giáo đang mang thai 7 tháng tuổi, tưởng như đã mất mạng vì bị đá đè nước cuốn. Nhưng cô giáo được bình an, dù chân tay bầm dập nhưng thai nhi vẫn an toàn. Và mới đây cô giáo đã sinh được một bé trai nặng 2,7 kg. Điều này để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc: Sự sống rất mãnh liệt; trong cái chết cận kề luôn có mầm sống vươn lên.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi có dùng hình ảnh “một trận đánh lớn” để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều nhiệm vụ, và tất cả đều hướng về mục tiêu chính là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, “đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” như Nghị quyết TW8 đã nêu.
Để thực hiện thành công đổi mới giáo dục lần này, chúng tôi cho rằng đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức là khâu khởi đầu và theo tôi, có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí là yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Bởi vì, nếu không có nhận thức mới, không có tư duy phù hợp thì không thể có chương trình, kế hoạch chuẩn xác để triển khai được.
Chúng tôi xác định đổi mới quản lý là giải pháp then chốt. Bởi vì đổi mới giáo dục và đào tạo không phải là việc của riêng Bộ GD&ĐT hay Bộ trưởng, mà là của gần 2 triệu thầy cô giáo, của 20 triệu học sinh, sinh viên. Mà cũng không phải chỉ có 22 triệu thầy cô giáo, học sinh, sinh viên ngành giáo dục triển khai đổi mới. Trên thực tế, tất cả các ngành, các cấp, cả xã hội sẽ cùng với chúng tôi thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo, phối hợp rất ăn khớp và đồng bộ.