Ma phương – Khoa học huyền bí phương đông

30/01/2014 08:48
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Con người sử dụng hệ đếm với 10 chữ số cơ bản 0,1…9 gọi là hệ đếm thập phân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Máy tính không biết đếm như con người, nếu không có trục trặc kỹ thuật, máy tính chỉ có 02 trạng thái là “Thông mạch” (làm việc) và “Ngắt mạch” (không làm việc). Để máy tính có thể “đếm” các nhà khoa học đã nghĩ ra hệ đếm chỉ có hai chữ số 0 và 1 (hệ đếm nhị phân) ứng với trạng thái thông mạch hoặc ngắt mạch.

Từ 10 chữ số cơ sở, theo nguyên lý “ghép lần lượt” từng chữ số với chính 10 số cơ sở đó con người tạo ra các số tiếp theo, với loạt ghép đầu tiên sẽ được 100 chữ số mới là:

00, 01, …09; 10, 11, …19; 20,21 …29; ….;   90,91,…99 (tức là các số từ 0 đến 99). Mười chữ số đầu 00 … 09 chính là số cơ sở, còn lại từ 10 đến 99 là 90 số mới được tạo ra trong loạt ghép đầu tiên. Lại lấy các  số vừa mới tạo ra (bắt đầu từ số 10) ghép lần lượt với 10 số cơ sở ta được:

100, 101, … 109;  200, 201, … 209;   900, 901, … 999.

Bằng cách này con người tạo ra vô số chữ số mới và đây là nguyên lý cơ bản áp dụng cho tất cả cá hệ đếm hiện đại, ví dụ với hệ đếm nhị phân, các số cơ sở là 0, 1. Loạt ghép đầu tiên nhận được: 00, 01, 10, 11. Hai số 00 và 01 chính là số cơ sở do vậy ta tạo ra được 2 số mới là 10 và 11.

Loạt ghép tiếp theo nhận được:  100, 101, 110, 111;

Tiếp tục sẽ là: 1000, 1001, 1010, 1011, 1100, 1101, 1110, 1111

Tạo một bảng các chữ số mới hình thành, xem các số trên cùng 1 cột là bằng nhau  chúng ta thấy số 15 (hệ thập phân) bằng  số 1111 (hệ nhị phân)…

Hệ 10

0

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

Hệ 2

0

1

10

11

100

101

110

111

1000

1001

1010

1011

1100

1101

1110

1111

Đơn vị đo cơ bản cơ bản của Công nghệ Thông tin là Bit, hình dung đơn sơ 1 bít như cái hộp có thể chứa số 0 hoặc số 1 của hệ nhị phân, nếu hộp to gấp đôi (2 bit) ta có thể bỏ vào đó 1 trong 4 số 00, 01, 10, 11, với 3 bít có thể chứa 1 trong 8 số (0-111), còn với 4 bít có thể chứa một trong 16 số nhị phân đầu tiên (0-1111).

Nếu xem 1 bit tương ứng với điểm khởi thủy (vô cực) bạn sẽ thấy sự trùng hợp thú vị giữa kiến thức Công nghệ Thông tin với triết học cổ đại (vô cực 1 à 2 à 4 à 8à16…). Nếu bát quái (số 8) sinh ra ngũ hành là những “nguyên tố” sơ đẳng cấu tạo nên vật chất mà con người có thể nhận biết thì trong máy tính, dung lượng 8 Bit được xem là đơn vị cơ bản (Byte) để lưu trữ một chữ cái, một chữ số hoặc một biểu tượng đồ họa (gọi chung là “ký tự”). Từ các ký tự cơ bản này  con người có thể xây dựng nên các cấu trúc cụ thể như các bài văn, thơ, các mô hình, các bài toán…

Luận thuyết về sự phát triển của vũ trụ theo triết học phương Đông gói gọn lại trong câu: “Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh ngũ hành” (có sách viết: “bát quái biến hóa vô cùng” hoặc “bát quái sinh vạn vật”).

Thái cực có thể coi là thời điểm khởi thủy của vũ trụ, nó giống thời điểm xảy ra vụ nổ BigBang trong triết học phương tây. Lưỡng nghi ở đây là “Âm và Dương”, đó không phải là vật chất, đó là hai trạng thái đối nghịch nhưng gắn bó với nhau mà triết học phương Tây gọi là “các mặt đối lập”. Tứ tượng là bốn biểu tượng bao trùm, chi phối cả vũ trụ và đời sống gồm Thái dương, Thiếu dương, Thái âm và Thiếu âm (một số sách cho rằng tứ tượng là Thanh long, Bạch hổ, Huyền vũ và Chu tước tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông). Bát quái (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài)  tượng trưng cho 8 bản thể khác nhau của tứ tượng trong quá trình hình thành vũ trụ. Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) là những nguyên tố sơ khai cấu tạo nên vật chất, là sự biểu hiện của bát quái mà con người có thể nhận biết bằng trực giác (kim loại, gỗ, nước, lửa, đất).

Khái niệm “Tứ tượng” có một cách giải thích vắn tắt như sau: Thái dương là không gian, Thiếu dương là đặc tính gắn liền với không gian tức là thời gian. Thái âm là sự sống và Thiếu âm là đặc tính gắn liền với sự sống tức là tinh thần.

Mỗi “Tượng” nêu trên lại gồm bốn đặc trưng mà chúng ta tạm gọi là bốn “bậc”. Không gian có “đông, tây, nam, bắc”. Thời gian có “xuân, hạ, thu, đông”. Đời sống có “sinh, lão, bệnh, tử” và Tinh thần có “ái, ố, hỷ, nộ”.

Kinh dịch gọi các số lẻ 1, 3, 5,… là số “sinh” còn số chẵn 2, 4, 6,… là số “tử”.

Trong Thái âm, “tử” là bậc thứ tư và đây chính là lý do vì sao khi người ta xây cầu thang, số bậc không bao giờ chia hết cho bốn. Đơn giản chỉ vì nếu số bậc mỗi tầng chia hết cho bốn thì bước chân vào tầng trên sẽ trùng với bước “tử”.

Nếu bố trí chín chữ số cơ sở của hệ thập phân (1,2,…,9 ) thành một ma trận vuông theo hình 1a, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy tổng các chữ số theo hai đường chéo (1+5+9; 7+5+3) và theo hai đường vuông góc (2+5+8; 4+5+6) đều bằng 15. Vậy là chúng ta có bốn cặp số với tổng là 15. Hình chữ nhật gồm  chín ô chứa chín chữ số nêu trên được gọi là “Ma phương”.

Trong Ma phương số 5 nằm ở trung cung và tham gia vào bốn tổ hợp số có tổng là 15, số 15 đổi sang hệ đếm nhị phân là 1111 (bốn số 1) nghĩa là số 5 gắn liền với bậc “tử”, vì lẽ đó người ta xem ngày mồng 5 là ngày không đẹp, ngày Nguyệt kỵ (Nguyệt nghĩa là Trăng, vì bốn tổ hợp số mà số 5 tham gia đều có tổng bằng 15,  tương ứng với ngày trăng tròn), cũng vì ngày mồng 5 được xem là ngày xấu nên nên các ngày có tổng các chữ số bằng 5 (14, 23) đều bị “xấu” lây. Điều này thể hiện qua câu thành ngữ phổ biến ở nước ta:

Mồng năm, mười bốn, hai ba

đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”.

Tứ tượng sinh bát quái đã được minh họa bằng câu “bốn phương  tám hướng”, bốn hướng cơ bản đông, tây, nam, bắc và bốn hướng phát sinh là “đông bắc, đông nam, tây bắc và tây nam”. Theo quy luật âm dương, hết ngày là đến đêm, hết đêm lại đến ngày, ngày đêm thay thế lần lượt cho nhau trong khi mặt trời vẫn chuyển động từ đông sang tây.  Vận dụng vào Ma phương trục đông - tây , nam - bắc giữ nguyên, nghĩa là giữ nguyên vị trí của năm số 2,4,5,6,8, đổi vị trí của các số còn lại (1-9, 3-7) cho nhau bạn sẽ được một ma phương mới gọi là ma phương đảo (hình 1b). Lấy số 5 làm trung tâm, xoay các số theo hình chữ Vạn của nhà Phật chúng ta có hình 1c.

Bắc

Bắc

Bắc

Tây

1

2

3

Tây

9

2

7

Tây

4

9

2

Đông

4

5

6

Đông

4

5

6

Đông

3

5

7

7

8

9

3

8

1

8

1

6

Nam

Hình 1a

Nam

Hình 1b

Nam

Hình 1c

Trên hình 1c bạn sẽ có 8 tổ hợp số mà tổng các chữ số đều là 15, bạn có thể xoay theo chiều ngược lại số tổ hợp vẫn không thay đổi vẫn chỉ là tám cũng giống như chẳng ai nói có chín, mười hướng mà chỉ co tám hướng mà thôi.

Phương Tây người ta kiêng con số 13 vì tông đồ thứ 13 của Chúa Jesus là kẻ phản Chúa, sự kiêng kỵ phổ biến đến mức phòng số 13 hoặc tầng thứ 13 thường dùng làm nơi công cộng, không mấy người muốn ở. Phi thuyền con thoi thứ 13 của Mỹ gặp tai nạn sau khi phóng làm chết toàn bộ phi hành đoàn. Theo cách lập luận của người phương đông  hai số 1+3 = 4 là rơi vào bước tử nên số 13 cũng không đẹp. Một vài người liên hệ số 4 và số 13 với các sự kiện chính trị trong nước và thế giới, không biết đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là chủ ý của tạo hóa? Điều này phải có thời gian dài mới kiểm chứng được.

Tiện đây cũng xin nêu một nhận xét nho nhỏ với các bạn trẻ: “sinh” trong sinh lão bệnh tử  của Thái âm là bậc đầu tiên, là sự sinh sôi, sự khởi đầu một quá trình mới, còn “ái” (yêu) cũng là bậc đầu tiên trong Thiếu âm, vì vậy tặng hoa cho người thân, đặc biệt là người yêu chỉ nên tặng một bông thật đẹp để nó rơi và bậc “sinh” và “ái”. Không được tặng số bông hoa chẵn vì số chẵn là số “tử”, cũng cần chú ý khi tặng một bó hoặc nhiều bông hoa mà tổng số bông chia hết cho 4 rất có thể rơi vào bậc “tử” đấy. Nếu chót mua một chục bông hoa thì chỉ nên cắm trong bình 9 bông, còn một bông cắm sang bình khác. Cũng vì vậy các bạn trẻ cần chú ý khi cắm nến vào bánh sinh nhật nếu số nến chia hết cho bốn. Hãy bớt một vài ngọn nến trên bánh và cắm vào bên cạnh sao cho số nến trên bánh không chia hết cho bốn. Một số người có tiền sắm biển số xe gồm bốn số giống nhau gọi là biển “tứ quý”. Họ không biết rằng tổng của bốn số giống nhau bao giờ cũng chia hết cho 4 nghĩa là rơi vào bước “tử”. Sự giàu sang về tiền bạc không đồng nghĩa với việc am hiểu văn hóa phương đông, biển tứ quý chắc chắn không mang lại may mắn như người ta lầm tưởng.

Lịch sử hiện đại đất nước ta cũng gắn liền với con số 15. Quãng thời gian từ lúc cụ Hồ đi tìm đường cứu nước (1911) đến khi trở về Pác Bó, Cao Bằng (1941) là hai lần 15 năm. Năm 1930 thành lập Đảng,  năm 1945 cách mạng thành công. Năm 1960 thành lập mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1975 thống nhất đất nước. Năm 1990 được xem là dấu mốc của công cuộc đổi mới với việc hoàn toàn xóa bỏ chế độ tem phiếu,  Đại hội Đảng lần thứ 10 khai mạc vào đầu năm 2006 (nhưng  đã được chuẩn bị từ 2005) cho phép đảng viên làm kinh tế không hạn chế quy mô… 

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương khóa 11 Đảng Cộng sản Việt Nam (ngẫu nhiên cộng lại cũng bằng 15) nhận định: “ Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” cho thấy Đảng đã nhận rõ nguy cơ làm mất quyền lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước và đề ra các biện pháp khắc phục.

Chúng ta hy vọng theo quy luật, kể từ Đại hội 10 năm 2005, 15 năm sau, tức là vào khoảng năm 2020-2025, đất nước sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, dân tộc Việt sẽ thực sự cất cánh bay lên. Trong khoa học ai cũng biết nguyên lý: ”Sự chuyển biến về lượng diễn ra từ từ, sự chuyển biến về chất diễn ra nhảy vọt”. “Dục tốc bất đạt”, mọi sự vội vã đều không mang lại thành công, lời dạy của tiền nhân là phải kiên nhẫn. Nếu bài viết này đến được với bạn đọc nhân dịp năm con Ngựa, người viết rất mong các bạn hãy sưu tầm thêm những điều lý thú liên quan đến con số 15 và công bố cho mọi người cùng biết.

TS. Dương Xuân Thành