Quốc Trung: Các sao thành danh ngày càng ít phụ thuộc vào tài năng

01/02/2014 21:11
Theo Quỳnh Trang/Vietnam+
Tôi đồng ý với nhận định các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam đang đẩy khán giả vào tình trạng bội thực.

Bước sang năm mới 2014 Giáp Ngọ, Vietnam+ đã có dịp gặp gỡ nhạc sỹ Quốc Trung - một nghệ sỹ tuổi Ngựa đa tài, đạo diễn, nhà sản xuất, giám khảo, cố vấn của nhiều chương trình âm nhạc đình đám năm 2013 vừa qua.

Được mệnh danh là "phù thủy," mỗi sản phẩm anh làm đều không giống ai và không giống với bất kỳ sản phẩm nào trước đó. Có lẽ, triết lý "sống là không ngừng sáng tạo" của anh là điều kiện tiên quyết để chỉ cần nhắc đến tên anh là khán giả đủ hiểu.

Cũng trong dịp này, PV được nghe anh chia sẻ về góc nhìn của mình đối với thị trường nhạc Việt năm 2013 và xu hướng 2014.

'Tôi chỉ có duy nhất một đêm 30 Tết bên gia đình và một ngày ngủ đầy đủ vào mùng 1 Tết.' (Ảnh: NVCC)
'Tôi chỉ có duy nhất một đêm 30 Tết bên gia đình và một ngày ngủ đầy đủ vào mùng 1 Tết.' (Ảnh: NVCC)

Cần có chiến lược lâu dài

Anh Trung thân mến, năm vừa qua, khán giả được thấy anh xuất hiện trên nhiều cương vị khác nhau như: nhà sản xuất âm nhạc, đạo diễn, giám khảo và cố vấn cho các chương trình âm nhạc. Anh đánh giá thế nào về các vai trò mà mình đã đảm nhiệm?

- Nhìn lại năm 2013, trên cương vị đạo diễn, tôi đã xây dựng được những chương trình có ý tưởng độc đáo, chất lượng nghệ thuật được đánh giá cáo. Tuy nhiên, nếu xét mình trên cương vị nhà sản xuất thì lại chưa thực sự thành công bởi làm mà chưa có lãi và may cũng chưa lỗ.

Xét về cương vị làm giám khảo thì tôi thấy mình có thể theo đuổi để kiếm tiền. Bên cạnh đó, tôi có cơ hội những chương trình yêu thích và gần gũi, tìm kiếm những nghệ sỹ mới. Tiếc là năm vừa qua, những nghệ sỹ tôi thích và kỳ vọng thì lại toàn về nhì.

Thành công nhất năm qua của tôi là đã xây dựng được uy tín tốt về chuyên môn và đã dần dần xây dựng được khán giả cho những sản phẩm âm nhạc của mình và ekip. Chủ đích của tôi là lôi kéo khán giả theo mình chứ không chạy theo khán giả bởi vậy những gì đạt hay chưa đạt được đều không quá bất ngờ.

Có nhiều nhận định cho rằng, hiện nay, có quá nhiều chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, khán giả đang bị bội thực bởi những chương trình này. Anh nghĩ thế nào về nhận định trên? Theo anh, hướng đi nào có thể giúp cho các chương trình đó vừa mang tính giải trí lại vừa có tính chuyên môn cao?

- Tôi đồng ý với nhận định các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam đang đẩy khán giả vào tình trạng bội thực. Tôi cho rằng lý do ở đây là không có ai muốn và có khả năng xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Cũng chẳng có ai chịu ngồi lại với nhau để quy hoạch về sự phát triển nên cứ mạnh ai người đó làm, chộp giật và kiếm tiền sao cho thật nhiều và thật nhanh thôi.

Cứ đặt những tiêu chuẩn chuyên môn, chất lượng cho những chương trình giải trí thôi đã là khó bởi muôn vàn những khó khăn như chi phí không tên, thói quen dễ dãi xưa cũ... cùng những lý do vừa nêu trên. Còn nếu nói đến những tính chuyên môn cao như thể nghiệm, hàn lâm thì nó chẳng còn yếu tố giải trí nữa rồi.

Chúng ta lạc hậu, yếu kém nhưng lại thiếu cái quan trọng nhất là kế hoạch và thời gian thì khó mà nâng cao được chất lượng bất kể ở lĩnh vực nào.

Thực tế cho thấy, các ca sỹ trẻ chiến thắng trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc mấy năm gần đây khá chật vật để có được chỗ đứng cho mình trong làng âm nhạc Việt Nam. Có thể, tài năng thôi vẫn chưa đủ. Anh nhận định thế nào về điều này?

- Tôi thấy càng ngày các ngôi sao ca nhạc hay giải trí của chúng ta thành danh càng nhanh và đa số lại ít phụ thuộc vào chuyên môn và tài năng. Họ cũng chưa được chuẩn bị về chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm và cả tâm thế để bước vào hoạt động trong lĩnh vực đầy cạnh tranh và đào thải nhanh như showbiz.

Chúng ta chưa tìm thấy nhiều tài năng thật sự trong các cuộc thi như vậy và đa số những cuộc thi đó lại chưa tìm được đúng những người thực sự có tài năng. Chính vì thế, sau khi chương trình khép lại, các em đều loay hoay và khó khăn trong việc tìm ra hướng đi đúng đắn cho sự khát triển của mình khi hành trang thì ít mà gánh nặng về sự nổi tiếng lại nhiều.

Bảo vệ bản quyền mới khá được

Là nhạc sỹ, nhà sản xuất, đạo diễn, cố vấn, giám khảo về lĩnh vực âm nhạc, nhìn lại sự phát triển của âm nhạc Việt Nam trong năm 2013, anh có suy nghĩ gì?

- Tôi thấy rằng, sự bủng nổ các chương trình truyền hình thực tế giúp ta nhìn thấy được những mặt trái, hạn chế về sự khan hiếm tài năng âm nhạc thật sự.

Chưa nhiều các ca khúc và giọng ca mới đủ cả về chất và lượng. Khán giả đã dần dần biết đi tìm những cá tính âm nhạc nổi trội nhưng đa phần đại chúng vẫn lựa chọn sự quen thuộc, xưa cũ. Các liveshow thực hiện trong năm vừa qua của các nghệ sỹ đã được đầu tư kỹ hơn về ý tưởng, dàn dựng nhưng đa phần đều lỗ.

Năm 2013 vẫn là một năm gần như phủ sóng tất cả những chương trình âm nhạc đình đám của những diva nổi tiếng làng nhạc Việt như: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam.... Theo anh, đến bao giờ những ca sỹ trẻ mới có thể thay thế các diva tên tuổi trên?

- Đầu tiên phải nói đến sức hút của họ vẫn chưa mấy suy giảm và lớp ca sỹ trẻ vẫn chưa có những bứt phá nổi bật để khán giả có thể quên được diva.

Thói quen của khán giả và sự lựa chọn an toàn và cũng có thể nói đây là yếu tố thiếu sáng tạo của các nhà sản xuất. Tuy nhiên trong điều kiện đầu tư ít thời gian, một phần của kế hoạch PR và sản xuất gấp gáp thì làm việc với các diva vẫn luôn có sự an toàn đảm bảo về chất lượng bởi tài năng và kinh nghiệm của họ.

Theo anh, thị trường âm nhạc Việt Nam sẽ có những bước tiến đột phá nào mới trong năm 2014?

- Tôi cho rằng thị trường âm nhạc sẽ ít có gì mới. Nếu chưa có những bước tiến dài về tôn trọng và bảo về bản quyền âm nhạc thì nền công nghiệp âm nhạc vẫn chưa thể phát triển, đời sống âm nhạc Việt vẫn sẽ nghèo nàn và tách rời với thế giới bên ngoài.

'Tôi chỉ có duy nhất một đêm 30 Tết bên gia đình và một ngày ngủ đầy đủ vào mùng 1 Tết.' (Ảnh: NVCC)

"Tôi ít làm theo cảm hứng"

Hiện nay, khán giả ít thấy những sáng tác của anh trên làng âm nhạc. Phải chăng anh đang dần chuyển nguồn cảm hứng của mình sang sản xuất, đạo diễn, cố vấn?

- Tôi không có ca khúc nào mới trong năm 2013 vì chưa có những dự án làm album với các ca sĩ. Tác phẩm mới của tôi là nhạc của hai bộ phim truyện. Tuy nhiên chắc chắn tôi sẽ có sáng tác và cả album mới trong năm 2014 tới.

Xin anh bật mí những chương trình âm nhạc, những sản phẩm âm nhạc anh sẽ thực hiện trong năm 2014.

- Tôi có hai chương trình quan trọng là "Cầm tay mùa hè" vào tháng 6 và "Festival Âm nhạc Quốc tế" lần đầu tiên do tôi tổ chức vào đầu tháng 10. Đó là dự án mà tôi ấp ủ từ nhiều năm nay và đòi hỏi sự tập trung cao độ của tôi và cả ekip.

Được biết, anh vừa tìm được nửa kia của mình. "Người ấy" lại là người ngoại đạo về âm nhạc, có phải đó là lý do anh đã chọn "người ấy" và vì "người ấy" đã tạo được nguồn cảm hứng cho anh?

- Đã gọi là "một nửa" thì khi kết hợp với tôi sẽ trở thành một phần đầy đủ. Mà đã là một phần đầy đủ thì không có khái niệm chọn lựa vì đó là sự hòa hợp. Tôi là người chuyên nghiệp nên ít làm việc theo cảm hứng.

Bước sang năm Giáp Ngọ-năm tuổi của anh, anh có quan niệm chút nào về "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" không?

- Tôi bắt đầu để ý giữ gìn sức khỏe hơn nhưng không biết "kiêng" thì phải như thế nào. Mong muốn có sức khỏe tốt thì cần phải bắt đầu bằng ý thức.

Với công việc bận rộn, lịch trình dày đặc là thế, anh dự định có kỳ nghỉ Tết như thế nào?

- Tôi sẽ có duy nhất một đêm 30 Tết bên gia đình và một ngày ngủ đầy đủ vào mùng 1 Tết. Sau đó tôi lại phải làm việc ngay vì rất nhiều việc cần phải hoàn thành trong tháng 2/2014.

Cảm ơn anh và chúc anh năm mới sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường âm nhạc./.

Theo Quỳnh Trang/Vietnam+