Yên Bái:

Tiêm phòng 881 trẻ, cơ bản khống chế dịch sởi

03/02/2014 08:10
Nguyễn Hồ
(GDVN) - Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết: Dịch sởi trên địa bàn huyện Văn Chấn đã dần ổn định và cơ bản được khống chế.

Trưa ngày 1.2 (mùng 2 Tết) trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tuyến cho biết: Nhận được sự chỉ đạo, nắm bắt được tình hình dịch bệnh và dự báo khả năng có thể bùng phát dịch, ngay trong sáng ngày mùng 1 Tết, ngành Y tế Yên Bái đã thành lập 7 tổ công tác đến 7 thôn, bản thuộc xã Cát Thịnh - nơi được xác định là vùng ổ dịch để tiêm phòng bổ sung vắc-xin cho các cháu chưa được tiêm phòng dịch.

Theo đó, trong sáng 31/1, đã có 881 trẻ của 7 thôn, bản thuộc xã Cát Thịnh được tiêm bổ sung, các trường hợp khác sẽ được tiêm bổ sung trong ngày 1/2 (mùng 2 Tết Nguyên đán).

Người mắc bệnh sởi có các triệu trứng chính như: sốt, phát ban toàn thân, ho, viêm họng...
Người mắc bệnh sởi có các triệu trứng chính như: sốt, phát ban toàn thân, ho, viêm họng...

Cũng theo bác sĩ Tuyến, đến thời điểm này, tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã ghi nhận 94 trường hợp nghi mắc bệnh sởi.

Bác sỹ Tuyến thông tin thêm: Ngày hôm qua chỉ có thêm 4 người vào viện khám và điều trị. Ngoài trường hợp cháu Tráng A Chai tử vong, hiện còn 3 cháu bị mắc bệnh sởi nặng đã chuyển sang Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ và đang được điều trị tích cực. Các trường hợp bị bệnh sởi còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn. Trong đó, có 3 cháu đã ổn định sức khỏe và đã được xuất viện chiều 31/1.

Ngoài ra, bác sĩ Tuyến còn nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch sởi tại Văn Chấn là do khu vực mắc sởi là các thôn, bản có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Tỉ lệ trẻ tiêm chủng không được cao, bệnh nhân mắc sởi là do không tiêm phòng dịch. Ngoài ra, do thời điểm mắc dịch là lúc các cháu nghỉ Tết nên dịch bị tỏa ra các thôn bản có các cháu sinh sống.

Hiện sở Y tế tỉnh đang tích cực chỉ đạo và tăng cường tiêm phòng dịch cho trẻ để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trước đó, Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, tính đến chiều 30.1, bệnh viện Đa khoa huyện Văn Chấn đã tiếp nhận hơn 50 trường hợp bệnh nhân có các biểu hiện sốt cao, đau bụng đi ngoài, da nổi mẩn đỏ, huyết áp tăng... là triệu chứng rõ nét của dịch bệnh sởi.

Từ ngày 26 đến ngày 28.1, các ca mắc sởi tiếp tục tăng lên từ 10 trường hợp lên đến 25 trường hợp. Đến ngày 30.1, tiếp tục có thêm gần 60 trường hợp.

Trong số gần 60 cháu bé người dân tộc H Mông ở Làng Lao, Làng Ca và Khe Chất, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, bị lây dịch sởi, đến sáng 30.1 (tức ngày 30 Tết), có một bé đã tử vong. Đó là em Tráng A Chai (3 tuổi, học lớp 3-4 tuổi khu lẻ (Khe Rịa), trường mầm non Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn).

 Theo lời kể của gia đình thì thấy bé Chai có các triệu chứng trên nhưng do nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm như nhiều lần khác nên chủ quan không đưa đi viện. Chính vì thế khi đưa đến viện cấp cứu kịp đã bị di căn vào phổi nặng và tử vong ngay sau đó.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về tình hình dịch sởi tại Yên Bái.

Nguyễn Hồ