Toàn cảnh thị trường vàng 2014 dưới góc nhìn của chuyên gia

03/02/2014 11:13
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Năm 2013 được xem là năm “đại bại” của vàng, bước sang năm 2014, thì trường vàng sẽ ra sao dưới con mắt của các chuyên gia?

Đầu năm 2013, giá vàng giao dịch ở mức 46,40 - 46,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Đến phiên cuối năm chỉ còn giao dịch quanh mức 34,40 - 34,76 triệu đồng/lượng. Trong năm 2013, giá vàng tăng nhẹ trong tháng 7, 8 còn lại chủ yếu đi xuống. Như vậy, những ai mua vàng đầu năm, cuối năm đã bị lỗ đến 12 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng trong nước giảm sâu là điều dễ hiểu khi mà giá kim loại quý thế giới rơi mạnh từ mức 1.675 USD/ounce, xuống 1.205 USD/ounce, tức “bốc hơi” đến 470 USD/ounce, tương đương khoảng 28%, đặt dấu chấm dứt cho thời kỳ lên giá kéo dài 12 năm.

Bước sang năm 2014, triển vọng của vàng vẫn khá u ám. Theo đánh giá của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đưa ra mới đây, vàng sẽ tiếp tục giảm ở mức 2 con số trong năm 2014.

Đối với thị trường vàng trong nước, rủi ro còn cao hơn, không chỉ bởi biến động của giá thế giới, mà còn do giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng đang trở nên kém hấp dẫn

Chia sẻ trên Báo đầu tư, TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, sau nhiều năm đứng đầu về thanh khoản và lợi nhuận, vàng đang trở nên kém hấp dẫn. Trong trung và dài hạn, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm theo giá vàng thế giới.

“Nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ vàng. Theo tôi, đó là giải pháp khôn ngoan, bởi chưa có cơ sở nào cho giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2014”, ông Hiếu nhận định.

Trong khi đó, nhận định về thị trường vàng Việt Nam trên VnExpress, Tổng giám đốc Công ty Vàng Việt Nam Trần Thanh Hải nói: Năm 2014 không phải là thời gian để giới đầu tư lướt sóng vàng. 
Ông cho rằng trong năm 2014 Ngân hàng Nhà nước vẫn là cơ quan chủ đạo trong xuất nhập khẩu vàng nên chắc chắn sẽ không có nhiều biến động lớn. Diễn biến giá bên cạnh sự chi phối của tỉ giá sẽ chịu tác động từ thị trường thế giới.
Do đó, nếu giá quốc tế xuống quanh vùng 1.000 USD thì vàng trong nước sẽ vẫn dao động vùng 34 triệu đồng, còn khi thế giới vượt lên trên 1.200 USD, giá sẽ lại tăng mạnh lên nhưng không vượt quá 37 triệu đồng.
"Tôi đưa ra đánh giá trên là vì nhu cầu hiện vẫn luôn rình rập mà nguồn cung thì độc quyền từ Ngân hàng Nhà nước. Do đó, dù giá thế giới có giảm mạnh, trong nước vẫn ổn định quanh 34 triệu nhưng chỉ cần giá quốc tế tăng lên một tí thì trong nước sẽ tăng lên ngay", ông Hải nói.
Mặt khác, theo ông, thị trường vàng năm 2014 đối với nhà đầu tư lướt sóng có thể là không phù hợp. "Bởi để lướt được sóng giá vàng phải có một mô hình tam giác: USD - tiền đồng - vàng. Nhưng thời gian qua, ngoại tệ bị kiểm soát chặt, mạng lưới vàng cũng bị thu hẹp, nguồn cung có hạn. Do đó, mỗi kênh tiền đồng dùng để mua vàng thì không đủ lực để đầu cơ, tạo sóng. Vì vậy, việc lướt sóng của các nhà đầu tư trong năm 2014 sẽ rất khó.
Còn nếu mua với mục đích tích trữ chống lạm phát thì vẫn có thể được. Vì sau nhiều năm, chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn luôn ghi nhận những con số cao. Do đó, với những người có vốn nhàn rỗi, mua vàng tích trữ lâu dài vẫn là kênh an toàn lại có cơ hội kiếm lời", ông Hải cho biết thêm.

Vàng vẫn là kênh đầu tư không thể bỏ qua năm 2014

Tuy thế, không phải chuyên gia, nhà đầu tư nào cũng bi quan với vàng. Tờ Một thế giới dẫn lời ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho biết, giá vàng vẫn có triển vọng tăng trong năm 2014, không loại trừ trở lại ngưỡng 1.300 USD/ounce. Nói cách khác, vàng vẫn là kênh đầu tư không thể bỏ qua với nhà đầu tư.
Việc giá vàng liên tục bật tăng trong tháng đầu tiên của năm 2014 cho thấy, thị trường vàng năm nay sẽ rất kịch tính, mọi dự báo đều có thể xảy ra.
Báo đầu tư dẫn lời TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Không có gì đáng ngại”.
Không đáng ngại, bởi hơn một năm qua, chính sách quản lý vàng của NHNN đã biến vàng từ phương tiện thanh toán, công cụ đầu cơ thành một hàng hóa đơn thuần. Nhờ đó, những biến động của vàng không còn gây ảnh hưởng tới tỷ giá, không còn gây chao đảo cả nền kinh tế vĩ mô.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nhận định, tính đến hết năm 2013, NHNN đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng, không còn các cơn sốt về giá vàng và tỷ giá như trước. Bên cạnh, cơ quan này cũng đã chấm dứt hẳn tình trạng vàng hóa trong hệ thống ngân hàng, loại bỏ được một nguy cơ rủi ro lớn của hệ thống.
Nhìn lại thị trường vàng sau hai năm “chiến đấu”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng chia sẻ: “Nếu đống vàng kia vẫn chưa được đẩy ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại thì đến giờ chúng ta không vui được thế này đâu. Còn đến nay thì vàng lên, vàng xuống thế nào cũng không sao cả. Mọi rủi ro của vàng không làm ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống nữa”.
Tất nhiên, những nhiệm vụ trước mắt của NHNN còn rất nặng nề mà một trong những nhiệm vụ là quản lý vàng một cách thị trường hơn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thị trường trong nước và thế giới.
Hồng Anh (Tổng hợp)