Luật sư đại diện cho đảng Dân chủ đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu làm mất hiệu lực kết quả bỏ phiếu, giải tán đảng cầm quyền Puea Thai và cấm lãnh đạo đảng này hoạt động chính trị trong 5 năm.
Cơ sở pháp lý để hủy bỏ kết quả bầu cử của phe đối lập Thái Lan là sự thất bại của chính phủ trong việc tổ chức bầu cử toàn diện.
Các lãnh đạo của cuộc biểu tình chống chính phủ. |
"Lý do đầu tiên liên quan đến việc bầu cử trực tiếp. Chúng tôi sẽ lập luận rằng cuộc bầu cử đã vi phạm hiến pháp, đặc biệt là Điều 68, trong đó ngăn cấm giành quyền lực thông qua biện pháp vi hiến", Phát ngôn viên đảng Dân chủ Chavanond Intarakomalyasut cho biết.
"Trong một bản kiến nghị riêng biệt, chúng tôi sẽ nộp đơn xin giải thể đảng Puea Thai (của Thủ tướng Yingluck), người đã cho công bố tình trạng khẩn cấp có nghĩa là cuộc bầu cử không thể được tổ chức trong những hoàn cảnh bình thường", ông cho biết thêm.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử hôm 2.2 trong nỗ lực xoa dịu các cuộc biểu tình hàng loạt kéo dài 3 tháng qua gây ra bạo lực chết người ở Bangkok và đẩy đất nước vào tình trạng bất ổn chính trị kéo dài.
Nhưng các cuộc biểu tình do đảng Dân chủ dẫn đầu vẫn tiếp tục làm tăng nỗi ám ảnh về một cuộc đảo chính tư pháp hoặc đảo chính quân sự.
Chính phủ Thủ tướng Yingluck đang phải đối mặt với một loạt thách thức pháp lý, trong đó có một cáo buộc tham nhũng liên quan tới chương trình hỗ trợ gạo gây tranh cãi và nỗ lực thay đổi Thượng viện Thái Lan.
Trong khi đó, Trung Quốc rút khỏi một thỏa thuận mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan trong bối cảnh một cuộc điều tra tham nhũng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết hôm 4/2. Động thái này được cho là thêm một đòn tấn công chống lại Thủ tướng Thái Lan.
Nguyễn Hường