Ngày xuân nói chuyện dạy trẻ và tiền bạc

10/02/2014 10:10
Phạm Thị Thu Phương
(GDVN) - Nhưng với những bậc phụ huynh thông thái, chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành cơ hội dùng tiền lì xì của con để giáo dục trẻ về tiền bạc, tài chính.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với tiếng trống lân rộn rã, Tết đến xuân về là niềm vui của người lớn lẫn trẻ nhỏ, trong đó có có sự háo hức của con trẻ được đón nhận những phong bao lì xì mừng tuổi đầu năm. Rồi cái Tết qua đi, những bao lì xì ấy lại trở lại nơi góc tủ hay được trẻ vội vã đem đi mua sắm hết…? Nhưng với những bậc phụ huynh thông thái, chúng ta hoàn toàn có thể biến chúng thành cơ hội để giáo dục trẻ về tiền bạc, tài chính.

Đề tài giáo dục trẻ về quản lý sử dụng tài chính, tiền bạc hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Kiến thức này gần như chưa được dạy trong trường học, các bậc phụ huynh thường có ý né tránh vấn đề này khi nói chuyện với trẻ. Tuy nhiên  thế giới này nay là một thế giới phẳng với thông tin đa chiều, nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều cám dỗ đối với trẻ, trong khi đó trẻ con chúng ta đang lớn lên hầu như không biết gì về tiền bạc, mặc dù đây là một kiến thức mọi người đều cần phải dùng đến trong cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, biết cách kiếm tiền và sử dụng tiền một cách thông minh xem ra là mục tiêu tối hậu của con người, còn những thứ khác như giáo dục, học tập, thăng tiến, địa vị… đều là quá trình hay công cụ để đạt được mục tiêu đó mà thôi.

Vì vậy không bao giờ là quá sớm hay quá trễ để các bậc cha mẹ bắt đầu giáo dục con về tiền bạc, về quản lý tài chính. Chúng ta sẽ cùng nhau dạy trẻ kiếm tiền, tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư…Và còn chờ gì nữa, bạn và tôi hay cùng bắt đầu với những điều đơn giản nhất, với những bao lì xì đầu xuân, với các cô nhóc, cậu nhóc trong độ tuổi mẫu giáo hay tiểu học.

Đối với những em bé từ 3 đến 5 tuổi, chúng ta cần giải thích cho trẻ về tiền, để chúng hiểu rằng tờ tiền trong bao lì xì đỏ thắm kia không phải là thứ ăn được, nhưng lại có thể đem đi đổi (mua) lấy những thứ con có thể ăn được như kẹo hay bim bim. Với những bé đi mẫu giáo, chúng ta đã có thể dạy các con cách phân biệt các loại tiền dựa vào màu sắc, kích cỡ và các chữ số được in trên tờ tiền. Hãy làm cho bài học về tiền trở nên đơn giản và vui nhộn. Với các bao lì xì, bạn hãy cùng trẻ đọc to mệnh giá từng tờ tiền khi rút khỏi bao và cùng nhau chơi trò “phân loại kho báu” bạn nhé.

Đối với những trẻ từ 5 tuổi trở lên, khi đứa trẻ đã hiểu được rằng bố hay mẹ tới siêu thị, tạp hóa để mua mọi thứ bằng tiền thì chúng đã sẵn sàng cho các hiểu biết “cao” hơn về tiền cũng như những kỹ năng quản lý tiền bạc một cách đơn giản nhất.

Hãy cho trẻ trải nghiệm một cách thú vị khi cùng bố mẹ phân loại, kiểm đếm tổng số tiền con có được lì xì trong dịp tết, rồi cùng con phân chia chúng thành các phần khác nhau tùy theo mục đích mà mỗi gia đình muốn hướng tới. Chẳng hạn, chúng ta có thể hướng dẫn con phân chia số tiền đó thành 3 phần chính bao gồm phần Tiết kiệm, Từ thiện và Tiêu dùng.

Phần Tiết kiệm: Cha mẹ hãy giải thích cho con rằng đây là phần tiền con để dành cho những mục tiêu dài hạn của trẻ hay những mục đích đặc biệt, như là mua một món đồ chơi rất đặc biệt mà bấy lâu trẻ vẫn ao ước, hoặc để dành để mua một chiếc xe đạp khi con vào lớp 1, hay để dành tiền cho việc lớn lên con sẽ đi tìm hoàng tử hay công chúa của mình…

Phần từ thiện: Đây nên là một phần nhỏ trong tổng số tiền có được, mặc dù vậy nhưng lại rất quan trọng. Bố mẹ nên hướng dẫn, phân tích để con cái tự nguyện xây dựng phần tiền này, bởi đó là cách để bố mẹ dạy con cái phát triển các giá trị bản thân và sự chia sẻ trong tương lai.

Sau cùng là phần chi tiêu , hãy nói với trẻ rằng đây là phần tiền mà con có thể tự mình mua sắm những thứ con thích, một thanh kẹo, một món quà tặng bạn ngày sinh nhật hay là quần áo…Với phần tiền này,bố mẹ hãy cùng con cái đến siêu thị hay nhà sách để  giúp con hiểu được quá trình mua sắm, về giá cả, về hàng hóa…thậm chí cha mẹ có thể biến căn nhà của mình thành trò chơi mua bán, định giá trong cửa hàng.

Cuối cùng, các bậc cha mẹ hiện đại chúng ta nên nói với trẻ về tiền bạc từ rất sớm, và hãy để việc này trở thành một thói quen tốt. Hãy giáo dục trẻ về tiền bạc, tài chính mọi lúc, mọi nơi và với các bao lì xì nhỏ cũng là một cơ hội để thực hiện điều này.

Năm mới, kính chúc các bậc cha mẹ nhiều sức khỏe, tự chủ hơn về tài chính và thành công hơn trong cuộc sống và hẹn gặp lại trong các bài viết nói với Teens về tiền bạc hay Dạy trẻ kiếm tiền, dạy con làm giàu…/

Phạm Thị Thu Phương