Từ Quý 3 năm 2013, giá lương thực thực phẩm trong đó có nguyên vật liệu sữa trên thị trường thế giới biến động tăng liên tục và rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng so với nhiều năm trước đây. Đến đầu năm 2014, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu sữa trên Thế giới vẫn tiếp tục tăng giá nguyên vật liệu và họ chỉ đồng ý cung cấp nguyên liệu trong ngắn hạn cho các nhà nhập khẩu nguyên liệu sữa.
Cả năm 2013 Vinamilk không tăng giá sữa và thực hiện chương trình bình ổn giá cho người tiêu dùng cả nước. Ảnh minh họa. |
Ngay cả với Vinamilk, ưu thế của những năm trước là ký được hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu cho cả năm, thì năm nay Vinamilk cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không ký được hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất cả năm.
Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Bột sữa gầy tăng khoảng 1.250 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn), tương đương tăng 34%; Bột sữa béo tăng khoảng 1.555 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ khoảng 3.600 USD/tấn lên 5.155 USD/tấn), tương đương tăng 43%; Dầu bơ tăng khoảng 2.096 USD/tấn (hàng nhập về đến TP.HCM) so với cùng kỳ năm 2013 (từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn), tương đương tăng 57%.
Trong nước, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân cũng tăng, Vinamilk tính đến đầu năm 2014 đã tăng giá thu mua cho nông dân bình quân khoảng 22,6% so với đầu năm 2013 (từ 11.175đ/kg lên 13.700đ/kg).
Do tình hình nguyên liệu sữa trên thế giới biến động như trên, khó tránh khỏi việc ảnh hưởng tất yếu đến các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước vì nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu vẫn là nhập khẩu. Thời gian tới nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ là vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa. Vì vậy việc điều chỉnh giá bán sữa trong nước là vấn đề tất yếu không tránh khỏi do Việt Nam còn lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.