Trung Quốc, Đài Loan bắt đầu chính thức đàm phán sau 65 năm

11/02/2014 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Cuộc họp hôm này sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu nó có khả năng mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu hay không
Vương Úc Kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục thuộc Viện Hành chính - bộ máy chính quyền Đài Loan.
Vương Úc Kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục thuộc Viện Hành chính - bộ máy chính quyền Đài Loan.

Channel News Asia ngày 11/2 đưa tin, Trung Quốc và Đài Loan hôm nay sẽ tổ chức một cuộc hội đàm chính thức cấp cao nhất giữa 2 bờ eo biển sau 65 năm, động thái mang tính biểu tượng nhưng có ý nghĩa lịch sử đánh dấu sự tiếp xúc đầu tiên giữa chính quyền 2 bờ eo biển vốn từng là đối thủ của nhau.


Vương Úc Kỳ, Chủ nhiệm Ủy ban Đại lục thuộc Viện Hành chính Đài Loan dẫn đầu phái đoàn sang Nam Kinh làm việc với người đồng cấp Trung Quốc Trương Chí Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc. Hội đàm 2 bờ eo biển sẽ kéo dài đến ngày 14/2.

Hội đàm chính thức 2 bờ eo biển diễn ra tại Nam Kinh là kết quả nhiều năm nỗ lực bình thường hóa quan hệ và những tương tác cấp cao nhất của lãnh đạo 2 bờ kể từ sau năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy từ đại lục sang Đài Loan sau khi thua Mao Trạch Đông.

Kể từ năm 1949, đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục duy trì 2 chính quyền riêng biệt, cả hai đều tự xưng là chính quyền thực sự của Trung Quốc với tên gọi Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 2 bờ eo biển Đài Loan tái lập liên lạc từ những năm 1990, nhưng chỉ thông qua các tổ chức "nửa chính thức".
Liên Chiến, Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng Đài Loan thực hiện chuyến thăm phá băng sang Bắc Kinh gặp Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2006.
Liên Chiến, Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng Đài Loan thực hiện chuyến thăm phá băng sang Bắc Kinh gặp Hồ Cẩm Đào, Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2006.

Trong khi chương trình nghị sự hội đàm 2 bờ eo biển Đài Loan lần này không được công bố, nhưng động thái được xem như là xây dựng lòng tin sẽ có tác động quan trọng đối với thể chế của cả 2 bên.


Đài Loan có khả năng tập trung vào việc gặt hái kết quả thực tế từ các cuộc đàm phán như đảm bảo lợi ích kinh tế, an ninh trong khi Trung Quốc sẽ tập trung vào vấn đề hội nhập lâu dài của hòn đảo này.
Bắc Kinh xem Đài Loan là một "khu vực nổi dậy đang chờ thống nhất" và nhiều lần bác bỏ khả năng sử dụng vũ lực để thu hồi hòn đảo.

Sự tan băng chính trị hiện tại sau 1 thập kỷ bế tắc đã đến sau khi 2 bên đã có những bước thận trọng hướng tới hợp tác kinh tế những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Mã Anh Cửu và Quốc dân đảng lên nắm quyền ở Đài Loan từ 2008.

Từ 2008 đến nay, mặc dù quan hệ 2 bờ cải thiện rất nhiều nhưng mọi hoạt động đàm phán vẫn thông qua các tổ chức "nửa chính thức" là Quỹ Hai bờ đại diện cho Đài Loan và Hiệp hội quan hệ eo biển Đài Loan đại diện cho Trung Quốc.

Cuộc họp hôm này sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem liệu nó có khả năng mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu hay không, mặc dù khả năng này không nhiều.

Hồng Thủy