PTT Vũ Đức Đam: Đổi mới thi đừng để HS hồi hộp chờ biết môn thi

13/02/2014 14:29
Xuân Trung
(GDVN) - Chia sẻ ý kiến cá nhân trong Hội nghị quán triệt NQ TƯ 8 sáng nay tại Bộ GD&ĐT, PTT Vũ Đức Đam khẳng định, làm gì không nên thay đổi liên tục.
Phát biểu  tại Hội nghị sáng nay, PTT Vũ Đức Đam chia sẻ, tuy giáo dục còn nhiều vấn đề, chính những người làm trong giáo dục còn chưa hài lòng. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là giáo dục  không có thành công, không có những thành tích tự hào và đáng trân trọng.

Chấn chỉnh hát quốc ca bằng máy

PTT Vũ Đức Đam cho biết, dân tộc Việt Nam có phát triển được hay không, có trở thành những con Rồng, con Hổ được hay không là nhờ căn bản vào nền giáo dục, thực tế chứng minh nước nào có nền giáo dục tốt thì nước đó hưng thịnh. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này là việc không thể làm một lúc, không thể nóng vội nhưng không thể nào làm cầm chừng. Chúng ta làm rất khẩn trương, quyết tâm, quyết liệt nhưng phải rất khoa học, thận trọng từng bước. Đổi mới căn bản, toàn diện tức là có những thứ rất căn bản phải đổi mới, ở tất cả các khâu nhưng không có nghĩa là thay đổi hết. Những gì từ trước đến nay là tốt thì chúng ta phải phát huy.".

Phó Thủ tướng cho rằng đổi mới căn bản nên phải tính căn cơ, đơn cử như nhiều ý kiến tại hội nghị hôm nay nói về miễn thi 20%, bớt môn thi nhưng nếu thực tế 98% tốt nghiệp thì tại sao phải miễn 20% nếu thi tốt nghiệp rất bình thường, nhẹ nhàng
Phó Thủ tướng cho rằng đổi mới căn bản nên phải tính căn cơ, đơn cử như nhiều ý kiến tại hội nghị hôm nay nói về miễn thi 20%, bớt môn thi nhưng nếu thực tế 98% tốt nghiệp thì tại sao phải miễn 20% nếu thi tốt nghiệp rất bình thường, nhẹ nhàng

Nhận định về Giáo dục Mầm non trong thời gian qua, PTT Vũ Đức Đam cho rằng, nhìn vào con số phổ cập có vẻ là thấp, nhưng với 75% số xã đã phổ cập, chỉ còn 25%, và con số này chúng ta cần quyết tâm.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với bậc Giáo dục phổ thông, mặc dù trong Đề án đổi mới đã nói nhiều, trong đó có nhiều khâu để đổi mới. Tuy nhiên, thay đổi toàn diện căn bản không có nghĩa là thay đổi hết, có những điều chúng ta phải giữ gìn, đó là những thứ tốt.

Xác định không chỉ học kiến thức mà còn dạy để làm người. Phó Thủ tướng nhớ lại, nếu xem kĩ lại khi đất nước mới giành được chính quyền, từ lần cải cách đầu tiên thì mục tiêu dạy người đã được đặt ra.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ cụ thể cho thực tế hiện nay khi phần lớn các trường cho học sinh chào cở và hát quốc ca đưa nhạc vào hát thay. Ngay ở môn Giáo dục công dân là giáo dục để làm người. Phó Thủ tướng Đam nhớ lại thời đi học của mình, ngày đó học sinh tập thể dục giữa giờ là một hình ảnh rất đẹp.. Tập xong thầy cô cho học sinh hô: Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể, thống nhất đất nước. Hô: Giải tán, học sinh đáp: Khỏe.

“Thời đi học của học sinh ngày trước là phân công nhau trực nhật, hàng tuần có tham gia hoạt động trồng cây. Nhưng hiện nay công việc đó các trường thuê dịch vụ, như vậy con cháu chúng ta không biết lao động là gì, không biết lao động thì không yêu lao động, không yêu lao động thì không yêu người lao động. Vấn đề này Ngành GD&ĐT có làm được không? “ Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Phó Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đổi mới chương trình thì nói rất nhiều đến việc phải theo chuẩn quốc tế, phải hiện đại, không nhồi nhét kiến thức, rồi đến đổi mới sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, thi cử... Nhưng có những thứ chúng ta không cần đợi Bộ, không cần đến nghiên cứu, không đợi kinh phí để làm chương trình. Mà cần phát huy sáng tạo, những gì chúng ta thấy có thể làm được thì phải làm.

Đổi mới chương trình Bộ đang làm rất tích cực, nhưng có một điều chúng ta không không thể làm tuần tự được nếu đúng như các ý kiến nêu: chúng ta học gì thi nấy, thi đi đôi với học, dạy xong chúng ta đổi mới thi.

Ý nghĩa của Bộ chọn đột phá thi cử cũng có ý nghĩa để tạo xung lực mạnh, lan tỏa ra để đổi mới các khâu khác, nhưng cần phải bàn kỹ, vì không chỉ đổi mới năm nay, vì thấy đang thi nặng rồi thì thi nhẹ đi.

"Đang thi 6 môn thành 4 môn thì có ý kiến nói có lợi cho học sinh, nhưng lợi ở chỗ đang gánh nặng 50kg thì cho phép bỏ đi 20kg thì lợi, song nếu không cẩn thận, không đồng bộ thì các cháu học lệch, ra đời kiến thức lệch lạc".

Đổi mới môn thi tránh tình trạng phân hạng giáo viên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đổi mới làm sao không liên tục quá, chúng ta phải bàn thật kĩ để giữ ổn định, đừng để học sinh còn mấy tháng nữa thi mà vẫn hồi hộp không biết môn thi là môn nào.

Nhấn mạnh về mối liên hệ giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, Phó Thủ tướng cho rằng    đổi mới giữa hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và  tuyển sinh ĐH, CĐ cần gắn liền với nhau, phải liên quan với nhau.

“Chúng ta phát huy quyền tự chủ nhưng cũng phải có công bằng đánh giá những học sinh tốt nghiệp THPT, hai kỳ thi này  phải có tương quan, đổi mới là ở đó. Chúng ta tiến tới như các nước phương tây, bất cứ ai muốn học đại học là có chỗ” Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong đổi mới thi cần lưu ý là không nên và không thể để dẫn đến tình trạng dù vô tình hay không thì phân loại giáo viên thành 2 hạng, dù vô tình sau một thời gian phân loại giáo viên thành hai hạng: Giáo viên dạy những môn được thi  tốt nghiệp và giáo viên dạy những môn không được thi, bởi dù nói gì, đối với giáo viên dạy những môn không có trong chương trình thi tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng tới động lực phấn đấu.

Thực tế chúng ta học nặng thì sẽ đổi mới cách học, mà chọn thi là đột phá, phải làm sao các kỳ thi không nặng nề trên mức cần thiết. Chúng ta đừng ngại làm kỳ thi là tốn kém, mệt nhọc nếu đó là cần thiết để thúc đẩy các cháu học, để lựa chọn những cháu xứng đáng học cao hơn, nhưng nếu không cần thiết thì nhất định phải bỏ.

Nhấn mạnh kinh nghiệm các nước, Phó Thủ tướng cho biết, thế giới đi trước ta nhiều, nhiều đúc kết thành kinh nghiệm có tính phổ quát thì chúng ta nên vận dụng học hỏi và khẩn trương có lộ trình phù hợp, nhưng phải hướng tới thang đo để đánh giá kiến thức toàn diện một cách nhanh nhất, toàn diện nhất.

Phó Thủ tướng nêu trước dự kiến của Bộ GD&ĐT, về việc sẽ miễn 20% tỉ lệ học sinh khá giỏi không phải thi tốt nghiệp. Phó Thủ tướng cho rằng đổi mới căn bản nên phải tính căn cơ, đơn cử như nhiều ý kiến tại hội nghị hôm nay nói về miễn thi 20%, bớt môn thi nhưng nếu thực tế 98% tốt nghiệp thì tại sao phải miễn 20% nếu thi tốt nghiệp rất bình thường, nhẹ nhàng.

Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, tất cả những ý kiến này sẽ được Bộ họp với các Vụ, Cục để đi đến thống nhất trong thời gian sớm nhất. 
Xuân Trung