Buôn Ma Thuột được xem là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam với sản lượng chiếm gần 1 nửa tổng sản lượng cà phê của cả nước.
Năm 2005, cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý và đây được xem là tài sản quốc gia. Các doanh nghiệp sử dụng chỉ dẫn này phải đáp ứng những quy định nghiêm ngặt.
Tuy nhiên mới đây, một công ty luật quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam đã phát hiện ra một doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký sử dụng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với kiện cáo nếu có mặt tại thị trường này.
Điều đáng nói là, Trung Quốc nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Và vụ việc có khả năng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu DN Trung Quốc này lợi dụng quyền sở hữu của mình để đăng ký sở hữu nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn thế giới.
Logo nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng kí bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc. Ảnh: CAND |
Nhãn hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" được công ty TNHH cà phê Quảng Châu - Buôn Ma Thuột, có trụ sở tại Trung Quốc đăng ký sở hữu tại nước này vào ngày 14/11/2010.
Còn nhãn hiệu "Buôn Ma Thuột cà phê 1896", cũng bị doanh nghiệp này đăng ký vào ngày 14/6/2011.
Cả 2 nhãn hiệu này đều được Trung Quốc bảo hộ trong thời hạn 10 năm. Nghĩa là, trong 10 năm tới, các DN cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột của Việt Nam có thể sẽ bị ngăn chặn nếu xuất khẩu vào Trung Quốc. Mất thương hiệu đồng nghĩa với việc mất thị trường.
Luật sư Lê Quang Vinh, GĐ Bộ phận sở hữu trí tuệ Công ty Luật Bross & Partners nhận định: “Điều gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta không xuất được hàng? Điều gì sẽ xảy ra nếu thương hiệu của chúng ta trong bao nhiêu năm, chỉ dẫn địa lý chúng ta phát triển như thế, gắn với hàng hóa như thế, mà chúng ta lại bị kiện ở nước ngoài? Chúng ta lại bị vướng vào những câu chuyện pháp lý của chính mình. Đấy là một điều phi lý. Nhưng, nghe thì phi lý, nhưng về câu chuyện pháp lý thì chúng ta phải chấp nhận vì rõ ràng họ đã đăng ký và theo Luật của họ thì họ có thể hưởng quyền độc quyền kể từ thời điểm đăng ký”.
Cũng theo Luật sư Lê Quang Vinh, vào năm 1997, nhãn hiệu cà phê Đăk Lăk đã bị một doanh nghiệp tại Pháp đăng ký sở hữu toàn cầu và đã có 24 quốc gia công nhận cà phê Đăk Lăk là của Pháp chứ không phải của Việt Nam. Nếu chúng ta không hành động kịp thời, thì nguy cơ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột rất dễ xảy ra.
Còn theo Cục Sở hữu trí tuệ, đây là lần đầu tiên một chỉ dẫn địa lý - một tài sản quốc gia bị mất. Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý để đòi lại nhãn hiệu từ doanh nghiệp Trung Quốc nếu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc.
Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN): “UBND tỉnh với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, chắc chắn là phải tiến hành khiếu kiện đối với công ty đăng ký nhãn hiệu đó tại Trung Quốc. Cái khiếu kiện đó phải thông qua một đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu của Trung Quốc để mình đòi lại nhãn hiệu. Và vụ khiếu kiện này sẽ phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc”.
Cà phê Buôn Ma Thuột hiện chiếm khoảng 50% sản lượng cà phê cả nước và được xuất khẩu ra 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một doanh nghiệp nào đăng ký sở hữu thương hiệu này ở nước ngoài.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam cho rằng: “Một mặt chúng ta phải nói lên cho quốc tế biết là chúng ta bị mất (cái đó là cần thiết). Phải nói cho thế giới biết là chúng ta bị mất cắp. Còn việc đăng ký thì rất tốn kém, nên chúng ta phải tính toán. Theo tôi, chúng ta phải đăng ký ở một số địa bàn, một số thị trường mà chúng ta xuất khẩu chủ yếu vào đó như Mỹ, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ…”
Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng đứng số 1, số 2 trên thế giới, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ mới có khoảng 20% các sản phẩm này được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam.
Theo An ninh thủ đô