Thí sinh dự thi tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2013 (Nguồn: internet) |
Trong số này có cả các trường lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên…
Các trường văn hóa nghệ thuật đề xuất xét tuyển môn văn hóa theo học bạ, thi tuyển môn năng khiếu.
Các trường đại học công lập đều thi theo kỳ thi chung ở đa số các ngành, chỉ thí điểm tuyển sinh riêng ở các ngành năng khiếu, ngành chất lượng cao và các ngành khó tuyển.
Theo đó, ngành năng khiếu đề xét tuyển môn văn hóa theo học bạ và thi tuyển môn năng khiếu. Ngành chất lượng cao thi theo kỳ thi chung, tổ chức thi bổ sung tại trường. Các ngành khó tuyển sẽ xét kết quả trung học phổ thông với ngưỡng tối thiểu của điểm trung bình là 5,5 hoặc 6 điểm.
Một số trường như đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội đều dựa vào kỳ thi chung nhưng có các điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn tuyển (Đại học Bách khoa Hà Nội bổ sung sơ tuyển, Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh nội dung thi năng khiếu.)
Các trường ngoài công lập chủ yếu thực hiện hình thức xét tuyển với các tiêu chí kết hợp như kết quả thi tốt nghiệp, học bạ, kết quả thi đại học ba chung…
Trong số 50 trường này đã có 20 trường có đề án bám sát yêu cầu của Bộ, các phương án tuyển sinh đưa ra đều kèm theo ngưỡng chất lượng tối thiểu và được Bộ đưa lên mạng internet lấy ý kiến góp ý.
Có 10 trường khối văn hóa nghệ thuật đã tuyển sinh riêng năm 2013 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn đề nghị tiếp tục được thi riêng với một số điều chỉnh. Còn lại 18 đề án của 18 trường đang được Bộ xem xét.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, chậm nhất đến ngày 10/3/2014, thời điểm các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, Bộ sẽ công bố các đề án đáp ứng được yêu cầu và có thể áp dụng trong năm 2014.