Ngày 18/2, "Ngày tưởng niệm Holocaust" với chủ đề "Hành trình" đã bắt đầu tại Hà Nội với sự tham dự của Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar, Giám đốc Chương trình Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao của Học viện Ngoại giao Hoàng Anh Tuấn và Tiến sỹ Joel Zisenwise - chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Viện nghiên cứu Holocaust quốc tế.
|
Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar |
Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức vào ngày 27/1 hàng năm nhằm tưởng niệm các nạn nhân của cuộc diệt chủng Do Thái-Holocaust theo chỉ định của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2005. Ngày này được chọn vì nó đánh dấu việc kỷ niệm sự giải phóng trại Auschwitz-Birkenau, trại giết người lớn nhất của quân Phát xít.
Phát biểu tại buổi lễ được tổ chức ở Học viện Ngoại giao hôm 18/2/2014, Đại sứ Israel Shahar cho biết, 6 triệu người Do Thái đã bị tàn sát trong Thế chiến II trong một sự kiện ghi dấu những trang đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.
"Người Do Thái đã hành hạ, bị lưu đày và bị đàn áp không giống bất cứ dân tộc nào trong lịch sử", bà Shahar cho biết trong bài phát biểu của mình.
Tại buổi lễ, Tiến sĩ Joel Zisenwise đã một lần nữa làm sống lại những trang lịch sử đẫm máu và những đau khổ của hàng triệu người Do Thái vô tội đã trải qua.
|
Tiến sĩ Joel Zisenwise |
"Chúng ta nhớ lại sự đau khổ của hàng triệu người vô tội và đề cao mối hiểm họa của chủ nghĩa bài trừ Do Thái và lòng hận thù theo bất cứ cách nào... Liên Hợp Quốc được thành lập để ngăn chặn không cho bất kỳ hành động man rợ nào giống như thế xảy ra một lần nữa. Tuy nhiên, thảm kịch từ Campuchia cho đến Rwanda, Srebrenica cho thấy nọc độc của sự diệt chủng vẫn còn", bà Pratibha Mehta phát biểu tại buổi lễ.
Bà Mehta cũng kêu gọi mọi người cùng tham gia vào cuộc hành trình vì một thế giới bình đẳng và bảo vệ nhân phẩm cho tất cả mọi người.
Đây là lần thứ hai "Ngày tưởng niệm Holocaust" được tổ chức tại Việt Nam. Việt Nam vinh dự là một trong các nước châu Á được chọn để tổ chức sự kiện này nhằm để nâng cao hiểu biết về thảm họa diệt chủng Holocaust, tăng cường nhận thức của người Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung về các mối hiểm họa từ nạn phân biệt đối xử giữa các nhóm người khác nhau trên thế giới, Tiến sĩ Zisenwise nói với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
"Holocaust là dấu mốc cho lịch sử Do Thái hiện đại. Ảnh hưởng và hậu quả của nó vẫn còn đến ngày nay... Bài học về Holocaust là của toàn nhân loại... Holocaust không chỉ là bi kịch của người Do Thái mà là của cả nhân loại. Trách nhiệm của chúng ta là làm thế nào để đảm bảo rằng bài học về Holocaust được dạy và được truyền lại cho các thế hệ mai sau", Đại sứ Israel nhấn mạnh thêm./.
Nguyễn Hường