Vụ chi tiền tỷ "chống trượt": TTGDTX sai phạm có “truyền thống”(?!)

20/02/2014 07:23
CÁT DỰ
(GDVN) - Tài liệu PV có được cho thấy, việc cán bộ TTGDTX Thanh Hóa đấu mối, dùng tiền tỷ “bôi trơn” đầu vào cao học đã trở thành thông lệ, có "truyền thống" từ trước.
Cán bộ Sở, huyện…cũng nộp tiền “bôi trơn”
Liên quan đến vụ chi tiền tỷ để “bôi trơn” đầu vào cao học, phía cơ quan chức năng đã xác nhận, trong số học viên thi đầu vào cao học lớp Quản lý kinh tế (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều học viên hiện là cán bộ đang công tác tại các Sở, huyện…ở tỉnh Thanh Hóa. 
Theo đó trong biên bản họp ban cán sự lớp học chuyển đổi môn học và ôn thi cao học thạc sỹ QLKT thuộc Đại học kinh tế - ĐHQG Hà Nội lập ngày 10/11/2013 ghi rõ danh tính cán bộ hiện đang công tác tại sở Công thương Thanh Hóa, huyện ủy Quảng Xương...: Bà Hoàng Thị Hằng - Ban cán sự lớp (Công tác tại huyện ủy Quảng Xương, Thanh Hóa); Bà Lưu Thị Nga - Ban cán sự lớp (Công tác tại Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa), là người trực tiếp thu và trả tiền cho từng học viên trong lớp;

Tiếp đó là danh tính 3 cán bộ hiện đang công tác tại TTGDTX Thanh Hóa là ông Bùi Sỹ Hồng (Trưởng phòng QLĐT); Ông Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng QLĐT) và bà Lê Thị Liên (cán bộ phòng QLĐT).

3 cán bộ này nhận trách nhiệm đấu mối, giao dịch với Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội để mời giảng viên vào ôn thi cao học sau khi các học viên đã hoàn thành học phần chuyển đổi kiến thức…

Trung tâm giáo dục thường xuyên Tỉnh Thanh Hóa
Trung tâm giáo dục thường xuyên Tỉnh Thanh Hóa

Để "chống trượt" đầu vào cao học, 40 học viên đã nộp tiền cho cán bộ TTGDTX tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để lo lót. Tuy nhiên sự việc chỉ bị bại lộ khi trong tổng số 40 học viên tham gia dự thi lớp cao học QLKT  thi thì có 3 học viên bị đuổi khỏi phòng thi do vi phạm quy chế thi.

Kết quả thi tuyển cao học cho thấy, trong số các học viên thi tuyển chỉ có có 7/40 học viên trúng tuyển vào lớp Cao học Quản lý kinh tế của Đại học Kinh tế…(?).

Uất ức vì "tiền mất tật mang", các học viên đã đòi lại số tiền đã nộp (28 triệu đồng/học viên). Cũng chính những sai phạm trong việc "chạy chọt" không thành, 3 cán bộ phòng QLĐT của TTGDTX đã phải nhận các hình thức kỷ luật.

Nguồn tin riêng của PV báo GDVN cho hay, trước đó, vào tháng 3/2013, TTGDTX tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức học tương tự như trên nhằm chuyển đổi kiến thức cho 47 học viên ôn thi cao học để thi vào trường ĐH Hành chính khu vực 1. Kết quả của kỳ thi cho thấy, Đa số học viên trong lớp học này đều trúng tuyển (hơn 40 học viên trúng tuyển). 

Nguồn tin cũng cho hay, để “bôi trơn” đầu vào, mỗi học viên lúc đó phải đóng số tiền là 15 triệu/học viên. Song, khi đã có kết quả thi, chỉ có hơn 30 học viên tham gia học lớp cao học. Còn lại gần chục học viên vì nhiều lý do khác nhau nên đã "tạm hoãn" đi học. Tuy nhiên, khi học viên có nhu cầu nhận lại tín chỉ đã học chuyển đổi để chờ cơ hội học vào dịp khác thì vẫn chưa được cấp(?!)

Qua sự việc trên có thể thấy rằng, việc cán bộ QLĐT tại TTGDTX Thanh Hóa tiếp tay cho những vi phạm liên quan đến vụ việc dùng tiền “bôi trơn” đầu vào cao học cho các học viên tham gia lớp chuyển đổi kiến thức đã trở thành thông lệ và có “truyền thống”.

Sự việc chỉ bại lộ khi phía điểm trường tổ chức kỳ thi cao học làm chặt chẽ công tác tuyển sinh đầu vào hoặc có người cố tình phát giác, tố cáo sự  việc nhằm phanh phui hiện tượng tiêu cực trong thi cử thì lúc đó, năng lực của các học viên mới được đánh giá một cách chuẩn mực.

Cán bộ vi phạm xử lý ra sao?

Liên quan đến những sai phạm của tập thể, cá nhân trong vụ việc chi tiền tỷ để “bôi trơn” đầu vào cao học, Hội đồng kỷ luật TTGDTX đã tổ chức họp kiểm điểm cán bộ, giáo viên và đưa ra hình thức kỷ luật. Theo đó, ông Bùi Sỹ Hồng, bà Lê Thị Liên bị kỷ luật cảnh cáo, ông Lê Trọng Sơn bị khiển trách.

Dư luận cho rằng, việc xử lý cán bộ TTGDTX với hành vi “chạy chọt” như trên là quá nhẹ với mức độ vi phạm (?!). Nhiều người đưa ra giả thiết,  liệu có hay không việc cán bộ TTGDTX lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản? có thể khởi tố hình sự vụ án? Trả lời cho câu hỏi trên luật sư Trần Đại Xuân (công tác tại đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nhận định trên là chưa có cơ sở.
“Chỉ khởi tố được vụ án khi thỏa mãn 4 điều kiện, khách thể, khách quan, chủ quan, chủ thể. Nếu không thỏa mãn 1 trong những điều kiện trên mà quan trọng nhất là điều kiện khách quan (bắt quả tang, lập biên bản, lời khai) thì không thể khởi tố được” luật sư Xuân đưa ra căn cứ.
“Trong trường hợp trên, việc cán bộ TTGDTX có hành vi nhận tiền vi nhận tiền “bôi trơn” đầu vào cao học của học viên đơn thuần chỉ là sự thỏa thuận dân sự giữa các bên. Tuy nhiên hành vi đó là hoàn toàn sai trái. Nếu xem xét ở góc độ khởi tố hình sự vụ án thì chưa có căn cứ. Bởi lẽ mọi hành vi có dấu hiệu phạm tội mà được giải quyết trước thời điểm điều tra, khởi tố thì không thể mang tính chất tội phạm vật chất  được", luật sư Xuân cho biết. 
"Mặt khác, sau khi sự việc bị bại lộ, cán bộ đã trả lại số tiền trên cho học viên. Như vậy tài sản vẫn còn nguyên và đã được chuyển trả lại thì thể nói là tội chiếm đoạt tài sản được mà chỉ xử lý về mặt hành chính.

Luật sư Xuân đưa ra giả thiết: “Nếu như số tiền đó được cán bộ TTGDTX nhận của học viên mà không trả lại (hoặc làm mất) thì khi đó mới có thể xem xét ở góc độ lừa đảo chiếm đoạt tài sản...”

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc này

CÁT DỰ