Nhiều người biết tướng Phạm Quý Ngọ mang trọng bệnh từ lâu. Những chuyến xuất ngoại điều trị, những nỗ lực hết mình của bác sĩ trong nước cuối cùng cũng không cứu được ông. Đôi mắt vị tướng sinh năm 1954 của ngành Công an nhắm lại giữa một buổi tối Hà Nội tê tái, ẩm mưa phùn và ào ào gió.
Chuyến đi của ông tới miền vô cực cũng là lẽ thường tình của sinh-lão-bệnh-tử. Nhưng, chỉ vài phút sau khoảnh khắc tiễn biệt ở A11 Bệnh viện 108, các diễn đàn mạng, báo điện tử tràn ngập thông tin về ông. Dường như có một sự bất thường về cái chết không đường đột ấy.
Tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an (khi còn mang hàm trung tướng) khen thưởng các lực lượng phá án trong vụ triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam (chuyên án 006N) năm 2012. |
Ông có uy tín lớn trong ngành, là lãnh đạo của một bộ quan trọng, là ủy viên Trung ương Đảng… nhưng chắc chắn không đủ khiến dư luận xôn xao bởi một chuyến rời xa cõi tạm.
Cái chết bình thường của tướng Ngọ bỗng trở nên bất thường với hàng tá những câu hỏi. Vụ Dương Chí Dũng rồi sẽ sao đây? Sao ông ấy lại ra đi vào thời điểm này? Đình chỉ vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước” không?... Những câu hỏi ấy không phải tự dưng xuất hiện.
Vụ Vinalines – nơi ông làm trưởng ban chuyên án – như là một định mệnh, bước ngoặt lớn cuối đời vị tướng Công an. Lời khai của Dương Chí Dũng cuốn ông và cả xã hội vào một cuộc khủng hoảng niềm tin. Người tin vào tố cáo của cựu chủ tịch Vinalines thì mất niềm tin trầm trọng ở tướng Ngọ nói riêng và công cuộc chống tham nhũng nói chung. Người tin vào sự trong sạch của ông lại nhìn thấy một âm mưu ẩn nấp đằng sau lời khai chấn động từ Dương Chí Dũng.
Còn mỗi người dân, họ không biết ai đúng ai sai, không biết tin vào đâu giữa ngồn ngộn những ý kiến, quan điểm, giữa cả núi thông tin chính thức và cực đoan. Ông ra đi trong bối cảnh ấy, khi những ngờ vực về lời khai của Dương Chí Dũng còn bỏ ngỏ. Tất cả đã tạo nên một sự bất thường ở một cái chết rất bình thường.
Ai đã có lỗi, ai đã gây nên bất thường ấy? Dĩ nhiên, không phải những công nhân đang nhễ nhại dầu mỡ trong xưởng máy, không phải nông dân đang cứng ngắc đôi chân dưới ruộng sâu lạnh buốt, không phải những chiếc lưng còng miệt mài bên bàn phím công sở…
Oan khuất của ông đã không kịp minh chứng. Ông chẳng còn cơ hội tự làm điều đó cho mình. Tội của ông, nếu có, cũng chẳng kịp trả cho sòng phẳng với đời, trước lúc xuôi tay nhắm mắt.