Facebook mới đây đã chi 19 tỷ USD để mua lại WhatsApp trong một vụ mua bán sát nhập được cho là lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thời gian gần đây.
WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, cho phép bạn nhắn tin mà không cần phải trả phí tin nhắn SMS. WhatsApp đã có trên iPhone, BlackBerry, Android, Windows Phone và Nokia.
Ảnh minh họa. |
Thương vụ này được cho là sẽ tăng cường sức lan tỏa cho mạng xã hội lớn nhất thế giới có 1,2 tỷ người dùng nhờ vào 450 triệu người sử dụng WhatsApp, trong bối cảnh ông chủ của Facebook đang tìm cách tăng thêm người sử dụng trên điện thoại di động.
Tiết lộ sau khi công bố thương vụ mua bán này, Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook nói rằng WhatsApp có thể sẽ đạt 1 tỷ người sử dụng trong vài năm tới nhờ sự hỗ trợ của Facebook.
Như ghi nhận của Zuckerberg, WhatsApp đã trở thành một sự thay thế rẻ tiền cho các tin nhắn văn bản đối với nhiều người và đóng góp vào sáng kiến Internet.org của Zuckerberg nhằm kết nối thế giới trên điện thoại di động.
WhatsApp không được chú ý nhiều ở Mỹ, dù nó có trụ sở tại California. WhatsApp hiện đang phổ biến hơn tại châu Âu, Ấn Độ, Mỹ Latinh. WhatsApp là ứng dụng nhắn tin miễn phí trên di động đang được nhiều người châu Âu sử dụng nhất.
Nhưng để có thể đạt được tham vọng kết nối toàn cầu, WhatsApp sẽ phải hướng tới thị trường châu Á giàu tiềm năng, đông dân số.
Mark Zuckerberg. |
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt nhất với nhiều "ông lớn" như KakaoTalk của Hàn Quốc được cài đặt trên 93% điện thoại thông minh trong nước, WeChat của Trung Quốc đang sở hữu 230 triệu người dùng, Line của Nhật Bản có 300 triệu người sử dụng, Viber có 280 triệu người dùng khắp thế giới vừa được một công ty Nhật Bản mua lại.
Facebook không thể mua tất cả các ứng dụng OTT này để thống trị thế giới. Nhưng, tham vọng này của Facebook không phải là khó có thể thành hiện thực.
"Cuối cùng, sức mạnh của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu sẽ vượt qua tỷ lệ khu vực của các mạng xã hội địa phương", Nate Elliott - một nhà phân tích của Forrester Research, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Chúng tôi thấy điều tương tự với các mạng xã hội trực tuyến. Ban đầu, Facebook cũng chủ yếu phổ biến ở Bắc Mỹ và một phần của châu Âu."
Theo nguồn tin của Bloomberg, Mark Zuckerberg đã manh nha ý định hợp tác với WhatsApp từ đầu năm 2012 khi anh tìm tới Giám đốc điều hành của nó là Jan Koum để làm quen và trò chuyện.
Nhưng Zuckerberg chỉ ký được hợp đồng mua lại WhatsApp vào ngày 14/2/2014, sau 5 ngày Koum suy nghĩ về đề xuất mua lại WhatsApp của anh cho dự án Internet.org mà cả hai cùng quan tâm.
Song thỏa thuận này sẽ không dẫn tới sự đóng cửa WhatsApp mà thay vào đó dịch vụ này vẫn hoạt động như một bộ phận độc lập và tách biệt với Facebook Messenger./.