Nhật Bản cấp bách tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ đoạt đảo

22/02/2014 08:13
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản tăng cường tập trận đổ bộ với Mỹ, quy mô ngày càng lớn, tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ, đồng thời lo ngại mối đe dọa TQ dùng tàu cá để ngụy trang
Mỹ-Nhật tổ chức tập trận đoạt đảo (ảnh tư liệu)
Mỹ-Nhật tổ chức tập trận đoạt đảo (ảnh tư liệu)

Mỹ-Nhật tổ chức tập trận đoạt đảo, Nhật cử 8 tàu chiến tham gia

Tờ "Yomiuri Shimbun" Nhật Bản ngày 20 tháng 2 đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ ngày 19 tháng 2 đã tiến hành tập trận chung ở căn cứ Pendleton - lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại miền bắc San Diego, bang California, Mỹ.

Theo bài báo, cuộc tập trận chung lần này lấy đảo không người bị chiếm đóng làm bối cảnh giả tưởng để triển khai. Trong diễn tập, quân Mỹ trước tiên điều xe chiến đấu đổ bộ tiến hành tác chiến đổ bộ đánh chiếm bờ biển, 8 tàu chiến theo sau của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được lực lượng Thủy quân lục chiến yểm trợ, tấn công trực diện đối với kẻ địch.

Được biết, đây là cuộc tập trận chung lần thứ 9 của Mỹ-Nhật kể từ khi bước vào năm 2014 đến nay. Lần này Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã điều đơn vị tinh nhuệ phụ trách tác chiến đảo nhỏ WAiR với khoảng 270 quân tham gia diễn tập. Số lượng tàu chiến tham gia cuộc tập trận lần này cũng nhiều hơn năm trước, quy mô chưa từng có.

Nhật lộ điểm yếu về tác chiến đổ bộ?

Tân Hoa xã ngày 19 tháng 2 đưa tin, Mỹ-Nhật đang tiến hành cuộc tập trận chung ở căn cứ hải quân San Diego, Mỹ, thời gian kéo dài đến ngày 24 tháng 2.

Theo chỉ huy của đơn vị WAiR, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này nhằm kiểm tra khả năng tác chiến và tính năng vũ khí trang bị, đồng thời học tập kinh nghiệm chiến đấu thực tế của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Trung Quốc có số lượng tàu cá khổng lồ, được dư luận Nhật Bản coi là mối đe dọa
Trung Quốc có số lượng tàu cá khổng lồ, được dư luận Nhật Bản coi là mối đe dọa

Bài báo cho rằng, mặc dù Mỹ-Nhật không tuyên bố công khai, nhưng cuộc tập trận này rõ ràng có mục đích ứng phó với khả năng nhóm đảo Senkaku bị Trung Quốc đánh chiếm.

Hiện nay, Trung Quốc đã gia tăng đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Senkaku, cấp bách đòi hỏi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải có khả năng ứng phó tương ứng. Rõ ràng, hiện nay, Nhật Bản vừa mới thành lập Quân đoàn đổ bộ cơ động, khả năng đoạt lại đảo nhỏ còn gặp nhiều khó khăn.

Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 21 tháng 2 cũng có bài viết cho rằng, Mỹ-Nhật tiến hành tập trận đổ bộ nhằm tập trung vào kiểm tra khả năng tác chiến đoạt lại đảo nhỏ của Nhật Bản. Báo Nhật đồng thời còn nhấn mạnh đến khả năng Trung Quốc có thể sử dụng tàu cá để làm vật che chắn, kết hợp với dân binh và xe bọc thép đánh chiếm nhóm đảo Senkaku trong tương lai.

Theo bài báo, từ năm 2010 đến nay, Nhật Bản không ngừng tăng cường khả năng theo dõi, phòng thủ, đoạt lại đảo nhỏ. Năm 2012, Nhật Bản mạnh mẽ công bố 5 bước hành động "tuyệt mật" tác chiến đoạt lại đảo Senkaku của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất/Biển/Trên không Nhật Bản.

Những điều này cùng với việc Mỹ-Nhật tập trung tiến hành tập trận đoạt đảo, cho thấy, Nhật Bản còn hạn chế về khả năng đoạt đảo.

Theo bài báo, do không có Thủy quân Lục chiến như Mỹ, tác chiến đoạt đảo của Nhật Bản chỉ có thể dựa vào Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, đó là đơn vị WAiR và lữ đoàn nhảy dù 1.

Tuy nhiên, bài báo tung lời mỉa mai, chê bai cho rằng những đơn vị này “chân ngắn”, “lên trời, xuống biển đều phản ứng chậm”.

Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)
Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)

Theo tư tưởng tác chiến đảo Senkaku của Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất trước tiên đáp tàu đổ bộ của Lực lượng Phòng vệ Biển và xuất phát từ Sasebo, sau khi tàu chiến và máy bay của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không đoạt lấy quyền kiểm soát trên biển và trên không, thì mới có thể phát động tấn công.

Do Nhật Bản còn chưa thành lập Bộ Tư lệnh thống nhất, không thể trực tiếp chỉ huy hiệu quả tác chiến liên hợp 3 “quân chủng”, cộng với việc mua sắm và huấn luyện của 3 quân chủng này tiến hành độc lập với nhau, nên hiệu suất hiệp đồng trong thời chiến giảm mạnh. Khả năng phản ứng chậm chạp của Lực lượng Phòng vệ đã bộc lộ khi tiến hành chi viện cho Philippines vào tháng 11 năm 2013.

Theo bài báo, Nhật Bản một mặt tìm mọi cách tăng cường lực lượng mang tính tấn công, mặt khác thường xuyên nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là, Nhật Bản hoàn toàn không để ý lắm đến sự tăng cường về thực lực của Hải quân Trung Quốc (?), trái lại luôn nhấn mạnh đến “mối đe dọa nghiêm trọng” của tàu cá Trung Quốc (có thể do dân binh và hải quân đánh bộ ngụy trang).

Từ sau khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa đảo Senkaku, Trung Quốc đã gia tăng mức độ tuần tra đối với đảo Senkaku. Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng Cảnh sát nước này đã phá vỡ sự kiểm soát có hiệu quả của Nhật Bản.

Trung Quốc ngày tăng số lượng tàu tuần tra, tải trọng tàu tuần tra ngày càng lớn; trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản phải “giật gấu vá vai”.

Việc Nhật Bản nhấn mạnh đến tàu cá Trung Quốc là tỏ ra lo ngại khả năng Trung Quốc tiến hành tập kích bất ngờ đối với đảo Senkaku vào một lúc nào đó trong tương lai.

Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo, Trung Quốc đã mua loại tàu này. Hơn nữa, Trung Quốc trang bị cả 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 đã chế được cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo, Trung Quốc đã mua loại tàu này. Hơn nữa, Trung Quốc trang bị cả 3 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 đã chế được cho Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Theo bài báo, Trung Quốc biên chế lượng lớn các trang bị như tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, tàu đệm khí cỡ lớn Zubr cũng cải thiện rõ rệt khả năng đổ bộ đánh chiếm đảo, đá theo phương thức lập thể.

Hải quân Trung Quốc đã có khả năng tác chiến tổng hợp trong các bối cảnh khác nhau như tiến hành tác chiến tầm xa, phòng thủ biển gần, đổ bộ đoạt đảo.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tuy hiện nay vẫn có một số ưu thế công nghệ trước Trung Quốc, nhưng do Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản luôn lấy nhu cầu của quân Mỹ để định vị trước tiên, tập trung phát triển khả năng phòng thủ tên lửa, săn ngầm và phòng không.

Nhật Bản đầu tư ít cho xây dựng khả năng đổ bộ đoạt đảo, trang bị thiếu, điều quan trọng hơn là bị hạn chế về thể chế và phương hướng phát triển.

Đông Bình