Tàu tuần tra lớp Kedah Malaysia (ảnh minh họa) |
Tư lệnh Hải quân Malaysia, thượng tướng Aziz Jaafar tháng 1 cho biết, năm 2014 nước này sẽ không thực hiện bất cứ chương trình mua sắm quan trọng nào, tình hình tài chính khiến cho tất cả các chương trình quan trọng không thể tiến hành.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, sẽ xây dựng căn cứ hải quân mới tại Biển Đông. Báo chí nước ngoài cho biết, căn cứ này cách bãi ngầm James chỉ 60 dặm Anh, tương đương 96 km.
Sau bài phát biểu năm mới gửi tới Hải quân Hoàng Gia Malaysia tại Bộ Quốc phòng ở Kuala Lumpur, ông Aziz Jaafar cho biết, nếu có bất cứ cơ hội mua sắm tàu chiến cũ phù hợp tiêu chuẩn nhiệm vụ của Hải quân Malaysia nào, Hải quân Malaysia sẽ đề nghị Chính phủ cung cấp vốn cho chương trình mua sắm này.
Ông Aziz Jaafar nói: Nếu tình hình này xuất hiện, chúng tôi rất cởi mở với khả năng này, nhưng điều này tùy thuộc vào tình hình tài chính của Chính phủ".
Ông dẫn chứng thất bại trong việc mua sắm tàu tuần tra biển gần lớp Nakhoda Ragam của Brunei do không được hỗ trợ vốn trước kia.
Máy bay vận tải C-130 của Không quân Hoàng gia Malaysia |
Đổi mới, nâng cấp phi đội C-130 của Malaysia là một trong những chương trình có triển vọng hoàn thành trong năm 2014. Đổi mới, nâng cấp C-130 sẽ tiến hành theo từng lô, theo truyền thông địa phương, kinh phí nâng cấp lô 4 - 8 máy bay đầu tiên sắp được cấp, công việc này do đối tác hợp tác nước ngoài được Công ty Airod Malaysia và Không quân Hoàng gia Malaysia lựa chọn tiến hành.
Một chương trình khác là hợp đồng bảo dưỡng "suốt đời" 15 máy bay trực thăng S-61 Sea King của công ty Sikorsky.
Trong đó, 14 máy bay sẽ tiến hành đổi mới, nâng cấp hệ thống dẫn đường và thiết bị điện tử hàng không, những đổi mới, nâng cấp này sẽ làm cho những máy bay này phù hợp với yêu cầu hàng không quốc tế, ngoài ra, khoang điều khiển thủy tinh của những máy bay này cũng sẽ tiến hành nâng cấp.
Đồng thời, theo một thông cáo báo chí của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein, Hải quân Malaysia cũng đang xây dựng một đơn vị Thủy quân lục chiến, đồng thời đang xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Biển Đông.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết thêm, căn cứ hải quân mới sẽ xây dựng ở cảng Bintulu thuộc Biển Đông để thực hiện mục đích bảo vệ mỏ dầu và vùng biển xung quanh.
Nhưng, theo tờ “Jane's Defense Weekly” Anh, căn cứ này sẽ xây dựng ở khu vực cách bãi ngầm James chỉ có 60 dặm Anh (khoảng 96 km).
Giàn khoan dầu mỏ của Malaysia trên Biển Đông (ảnh tư liệu) |
Bài báo còn bổ sung cho biết, căn cứ Thủy quân lục chiến này còn đảm đương nhiệm vụ đối phó với các phần tử vũ trang của Sulu, Philippines - thế lực này đã gây ra tình hình bất ổn cho khu vực Sabah của Malaysia.
Được biết, bãi ngầm James nằm ở cực nam Biển Đông, tuy nhiên Trung Quốc đã tự vẽ ra bản đồ và chủ trương bất hợp pháp chủ quyền biển đảo trong "đường lười bò"; đồng thời đã, đang và sẽ tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để thực hiện tham vọng này, điều này hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính thức của Trung Quốc khi ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Một động thái đáng chú ý gần đây là, Trung Quốc liên tục cho biên đội tàu chiến đến Biển Đông tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo, đá ngầm, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời phô diễn sức mạnh khẳng định chủ quyền, trong đó, họ đã vài lần đưa tàu chiến và binh sĩ đến bãi ngầm James "tuyên thệ bảo vệ chủ quyền" một cách bất hợp pháp, cụ thể là ngày 26 tháng 3 năm 2013 và ngày 26 tháng 1 năm 2014.
Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, những hoạt động “tuyên thệ” này là bằng chứng mới khẳng định Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền (bất hợp pháp) đối với hầu hết Biển Đông. Tham lam vô độ như vậy rõ ràng có tính bành trướng và cường quyền. Có lẽ khi mạnh lên, người ta thích làm gì thì làm.
Trung Quốc cho quân đội "tuyên thệ chủ quyền" bất hợp pháp ở bãi ngầm James - nam Biển Đông. |