Vì sao Tập đoàn VNPT "dứt ruột" bỏ đứa con MobiFone?

24/02/2014 07:43
Theo TTXVN
Vì sao VNPT phải tái cấu trúc và phải dứt ruột bỏ đi một “đứa con” đang góp doanh thu và lợi nhuận cao cho tập đoàn?

Đề án tái cơ cấu ngành viễn thông nói chung và VNPT nói riêng đã được đưa ra hơn 2 năm. Phương án nhập Vinaphone-MobiFone vào nhau, sau khi bị Chính phủ từ chối thẳng thừng thì việc tách đứa nào trong hai đứa con này của VNPT ra ở riêng lại “sốt sình xịch…”

Tuy nhiên, qua hết hơn một năm, mọi việc vẫn chẳng được ngã ngũ, và dùng dằng thì bỗng nhiên, vừa qua Tết Nguyên đán Giáp Ngọ chưa đầy nửa tháng bỗng được dấy lên bởi một cuộc tọa đàm do Câu lạc bộ nhà báo ICT tiến hành chiều 14/2.

Cuộc tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” với trọng tâm là tái cơ cấu VNPT được tổ chức vội vã đến ngỡ ngàng với cả các đơn vị liên quan: VNPT, MobiFone, VinaPhone và hầu như tất cả các nhà báo theo dõi ngành khi học chỉ nhận được tin báo trước có một ngày, thậm chí là buổi sáng hôm đó.

Sự bất ngờ này khiến người ta thấy nó có vẻ như nằm trong một kịch bản có ý đồ dựng trước để xáo xới lên vấn đề này và dọn đường dư luận cho đứa con sẽ “được tách…”. Nhưng trước hết thì cần phải nói lại câu chuyện, vì sao VNPT phải tái cấu trúc và phải dứt ruột bỏ đi một “đứa con” đang góp doanh thu và lợi nhuận cao cho tập đoàn?

Cổ phần hóa hay là tụt hậu …


Mặc dù vẫn có tốc độ tăng trưởng khá, tuy nhiên, VNPT vài năm gần đây đã đánh mất vị trí số một vào tay Viettel.

Nhìn vào con số tổng kết cuối 2013, có thể thấy, VNPT đã bị qua mặt tới cỡ nào, khi mà doanh thu của họ ước đạt 119.000 tỷ;đồng thì của Viettel là khoảng 162.886 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của VNPT ước đạt 9.265 tỷ đồng thì con số này của Viettel là 26.413 tỷ đồng. Ngay cả ở lĩnh vực nộp ngân sách, VNPT đóng góp nhà nước là 7.894 tỷ đồng, còn Viettelà 13.586 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là, VNPT không tái cấu trúc họ sẽ ngày càng tụt hậu đồng nghĩa với việc họ sẽ dần suy yếu và có thể là phá sản. “Tái cơ cấu VNPT không còn là việc riêng của tập đoàn bởi đây là một doanh nghiệp lớn, thuộc loại trụ cột của nền kinh tế,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh vấn đề này.

Từng là lãnh đạo của Bộ Thông tin Truyền thông, là người được đào tạo chuyên môn về ICT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định rằng: Việc tái cơ cấu giúp bản thân VNPT có động lực để phát triển, hoạt động hiệu quả hơn và nhằm phục vụ lợi ích cả thị trường, giúp thị trường phát triển mạnh hơn nữa…

Nếu hoàn thành tái cơ cấu VNPT thì thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có đột phá mới và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ sớm thực hiện. Nó sẽ góp phần làm cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển theo hướng bền vững trong bối cảnh mà  câu chuyện khai tử, hợp nhất, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp viễn thông tất yếu sẽ xảy ra thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Bắc Son khẳng định.

Nhưng, vấn đề của VNPT là tái cơ cấu thế nào?

Trong năm 2013, VNPT đã “đổi ngựa giữa dòng” khi  thay vị trí cao nhất của tập đoàn, song điều đó là chưa đủ. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp sẽ phải là mấu chốt khi các tồn tại yếu kém của VNPT là đơn vị phụ thuộc lớn, lực lượng lao động  dư dôi nhiều, mô hình sản xuất, kinh doanh và cơ chế hoạt động còn ảnh hưởng nặng của thời độc quyền kéo  hoạt động toàn tập đoàn trì trệ.
Trước đó, tại các cuộc họp Chính phủ thường kỳ và họp chuyên đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  cũng đã nhiều lần yêu cầu VNPT sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu tập đoàn. Trong đó, điểm nhấn là sở hữu đối với 2 mạng di động MobiFone và Vinaphone. Vì thế việc cho một mang thông tin di động ra ở riêng là không thể trì hoãn nữa và tách đơn vị nào ra, thì nhất thiết đơn vị đó phải thực hiện cổ phần hóa.

Tại lĩnh vực thông tin di động, hiện cả ba “đại gia” MobiFone, Viettel, VinaPhone đều là doanh nghiệp nhà nước, mà nếu không cổ phần hóa thì thị trường sẽ thiếu đi cạnh tranh toàn diện do không có đóng góp vốn cũng như trí tuệ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài.

Trong cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Trung Chính, TGĐ CMC phát biểu: họ đang chờ cơ hội từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thông tin di động, điều này cho thấy, nếu không cổ phần hóa nhanh, thì bất lợi sẽ rơi vào các nhà đầu tư trong nước bởi theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu 49% vốn trong các doanh nghiệp hạ tầng.

Kẻ đi, người ở: luống… tính toan

Tại tọa đàm nói trên, tất cả đểu đi về hướng để MobiFone tách khỏi VNPT và trả lời báo chí mới đây, chính Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ;cũng thừa nhận Đề án Tái cơ cấu VNPT đã được Bộ trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nội dung là tách mạng viễn thông di động Mobifone ra hoạt động độc lập với VNPT để hình thành Tổng công ty Mobifone.

(Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN)
(Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN)


Cùng đó là tách các đơn vị sự nghiệp trực thuộc VNPT về Bộ quản lý để VNPT tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, có thế mạnh và truyền thống

Câu hỏi đặt ra là, sao lại là MobiFone?

Theo ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông thì sau khi nghiên cứu nhiều phương án, phân tích các ưu-nhược điểm về kinh tế, về khách hàng, về quyền lợi của VNPT thì VNPT đã thảo luận với Bộ Thông tin và Truyền thông để chọn tách MobiFone.

Những lý do đưa ra cho việc chọn lựa này là MobiFone là đơn vị có thương hiệu mạnh, hoạt động độc lập hơn do khởi đầu là liên doanh (BCC) với đối tác nước ngoài. Vì thế nếu tách khỏi VNPT thì MobiFone sẽ giúp VNPT thực hiện chủ trương cổ phần hóa nhanh hơn.

Việc cổ phần hóa Vinaphone sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp, bởi đây vốn là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, tài sản vốn có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT các địa phương.

Thêm nữa, dù ra đời lâu nhưng Vinaphone chưa từng kinh doanh độc lập, chưa từng quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh với toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ mà phần lớn dựa vào lực lượng và cơ sở vật chất của các VNPT tỉnh, thành phố.

Về vấn đề chọn MobiFone ông Lê Ngọc Minh Phó TGĐ VNPT cho biết, trên thực tế, việc cổ phần hóa MobiFone đã được xúc tiến từ năm 2005, song đến nay việc này vì nhiều lý do vẫn giẫm chân tại chỗ. Theo ông Minh, việc cổ phần hóa MobiFone cùng với điều chuyển một số bộ phận kinh doanh chưa hiệu quả của VNPT sang sau khi tái cơ cấu cũng sẽ làm cho bức tranh tài chính của VNPT thêm rõ ràng và minh bạch.

Việc điều chuyển này có nghĩa là việc tách MobiFone cần kèm theo điều kiện là doanh nghiệp này sẽ phải ôm theo số nợ khoảng 1600 tỷ đồng mà VNPT đang đầu tư vào các doanh nghiệp trái ngành nghề buộc phải thoái vốn.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp, Nhà nước yêu cầu phải nhanh, những người trong ngành cũng thấy cần phải nhanh. Nếu để quá độ tái cơ cấu quá lâu sẽ làm nao núng tâm tư, suy nghĩ của đội ngũ những người liên quan dẫn đến khi cổ phẩn hóa sẽ thiếu đi thuận lợi. Cục trưởng Cục Viễn thông Phạm Hồng Hải cũng cho biết, trong nhiều cuộc họp đặt vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp trong 3 năm được coi là chậm và vì thế, nếu sớm được phê duyệt “ra ở riêng” thì chậm nhất đến đầu 2016 thì việc cổ phần hóa MobiFone sẽ được hoàn tất.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cũng đồng tình rằng, MobiFone tách ra cần cổ phần hóa để tìm được các nhà đầu tư chiến lược tốt, gây áp lực cạnh tranh đến các doanh nghiệp viễn thông còn lại và thúc đẩy thị trường. Ông Thành cũng đưa ra kỳ vọng là quá trình cổ phần hóa MobiFone nếu được tách khỏi VNPT sẽ không quá 2 năm.

Theo ông Lê Ngọc Minh, nếu đề án được Thủ tướng phê duyệt, MobiFone sẽ là một doanh nghiệp độc lập và sẽ triển khai đa dịch vụ hơn ở lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin chứ không chỉ dừng lại mảng thông tin di động như hiện tại. Ông Lê Ngọc Minh cũng cho là đây chính cơ hội của MobiFone. Và với tiềm năng doanh thu, lợi nhuận đang có - năm 2013, lợi nhuận của MobiFone ước tính 6000 tỷ đồng – thì món nợ 1600 tỷ đồng của VNPT chuyển sang không quá nặng nề!

Dĩ nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, ngoài tư cách phó TGĐ VNPT thì ông Lê Ngọc Minh còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch MobiFone và ông cũng chính là người đã gắn bó gần như cả cuộc đời với doanh nghiệp này từ một nhân viên bình thường đến giữ chức vụ cao nhất là TGĐ MobiFone (5 năm, từ 2005 đến 2010), bởi vậy ông Minh nghiêng về phương án cho MobiFone “ra ở riêng” là lẽ đương nhiên.

Tuy vậy, nhìn về cục diện chung của VNPT thì rõ ràng MobiFone là con gà đẻ trứng vàng cho Tập đoàn. Có lẽ vì vậy, dù có mặt trong buổi tọa đàm, nhưng Tân Tổng giám đốc của VNPT Trần Mạnh Hùng gần như không đưa ra ý kiến gì.

Đại diện Vinaphone, như thường lệ ở các hội nghị, tọa đàm về viễn thông, không có cấp cao đến dự và cũng không đưa ra ý kiến nào. Và nếu nhìn từ phía họ, thì Vinaphone chẳng có lợi gì, cũng không hề muốn tách khỏi VNPT. Nhất là, trong bối cảnh, thị trường thông tin di động cạnh tranh khốc liệt và GTel đang nhòm ngó mạng này với mục tiêu thâu tóm để vươn lên ngang với MobiFone, Viettel một cách nhanh nhất.
Về phía MobiFone, có lẽ hơn ai hết họ mong muốn “dứt áo ra đi” nhất là khi quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách MobiFone để cổ phần hóa hóa chứ không phải lại để Nhà nước sở hữu 100% vốn như trước, vì thế nếu tách ra, MobiFone sẽ không trực thuộc bộ, ngành nào.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông thì cho rằng, nếu tách Mobifone ra khỏi VNPT thì trong một vài năm trước mắt, VNPT sẽ có nhiều khó khăn về mặt tài chính hơn là tách Vinaphone.

Tuy nhiên, về lâu dài thì nếu tổ chức tốt, những khó khăn này sẽ được giải quyết. Do vậy, VNPT không cần quá “hốt hoảng” khi tách Mobifone ra mà cần tập trung vào vấn đề cơ chế quản trị doanh nghiệp.

Việc tách doanh nghiệp nhà nước nào ra để cổ phần hóa phải để thúc đẩy thị trường, để VNPT lớn mạnh chứ không phải để lợi ích Nhà nước bị tư nhân hóa vào những nhóm lợi ích.

Chính vì vậy, thị trường viễn thông đang “nín thở” chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ với Đề án đã đệ trình- một quyết định sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện của thị trường viễn thông Việt Nam trong nhiều năm tới./

Theo TTXVN