Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gần đây liên tục lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được có hành động đơn phương, cưỡng chế để khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. |
Reuters ngày 25/2 đưa tin, bất chấp nỗ lực của Mỹ thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN sớm tiến hành đàm phán, ký kết bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, Bắc Kinh vẫn đang lập lờ khả năng trì hoãn vô thời hạn.
Trong tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo, quá trình đàm phán COC càng dài, những căng thẳng trên Biển Đông càng có nguy cơ bùng phát thành xung đột do tính toán sai lầm của bên nào đó.
Các quan chức ASEAN nói với Reuters, một nhóm các nhà đàm phán của ASEAN và trung Quốc sẽ họp tại Singapore ngày 18/3 tới bàn về COC trong bối cảnh các cuộc họp về COC năm ngoái đã có rất ít tiến triển.
Trong chuyến công du Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ cũng đưa vấn đề Biển Đông ra bàn nghị sự, trong đó ông khẳng định việc các bên ở Biển Đông không có hành động đơn phương, cưỡng chế để khẳng định yêu sách chủ quyền, ám chỉ những động thái gần đây của Trung Quốc.
Bắc Kinh vẫn cho rằng họ đã "rất chân thành thúc đẩy COC", nhưng "một cuộc đàm phán về COC vẫn còn là gánh nặng trên chặng đường dài"?! Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một văn bản gửi cho Reuters.
Tàu chiến Trung Quốc liên tục tập trận làm căng thẳng tình hình Biển Đông, xâm nhập bất hợp pháp khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Đã có rất nhiều quan chức và học giả trong khu vực từ lâu lo ngại Trung Quốc chơi trò "câu giờ" nhằm tránh bị COC ràng buộc, thay vào đó tiếp tục củng cố tuyên bố (bất hợp pháp) gây tranh cãi của mình, trong khi gây sức ép với các nước láng giềng yếu hơn ngồi vào "đàm phán tay đôi" với Bắc Kinh.
Một dự thảo không chính thức được Indonesia soạn thảo trước đó đã phác họa một mối quan hệ khu vực để kiềm chế các hoạt động quân sự thường xuyên trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và các nguyên tắc xử lý tranh chấp theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNLCOS).
Dự thảo của Indonesia cũng đưa ra các quy tắc ngăn ngừa tai nạn trên biển, tự do hàng hải và tự do hàng không. Bất kỳ sự chiếm đóng các "vùng trống" trên biển trước đây đều là phạm pháp.
Tài liệu này vẫn chưa được chính thức đưa ra trong các cuộc họp (với Trung Quốc), nhưng đã lưu hành trong nội bộ ASEAN hơn 1 năm qua như cơ sở cho các cuộc thảo luận.
Trung Quốc không muốn bàn về dự thảo này, Termsak Chalermpalanupap, một nhà phân tích chính trị tại viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cựu thành viên ban Thư ký ASEAN cho biết.
Theo ông, còn nhiều mơ hồ về quan điểm của Bắc Kinh: "Chúng tôi vẫn phải tìm hiểu xem liệu Trung Quốc có thực sự muốn có COC hay không."