Trung Quốc hạ giọng trước chỉ trích "bành trướng" của lãnh đạo Ấn Độ

26/02/2014 13:30
Hồng Thủy
(GDVN) - "Lịch sử đã chứng minh Trung Quốc chưa từng chủ động phát động chiến tranh xâm lược để chiếm một tấc đất nào"?!
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

The Wall Street Journal ngày 25/2 phân tích, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/2 đã tìm cách giảm nhẹ căng thẳng vấn đề tranh chấp biên giới với Ấn Độ, né tránh phản bác gay gắt chỉ trích của ứng viên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.


Cuối tuần trước, ông Narendra Modi đã tới thăm và vận động tranh cử tại khu vực biên giới Trung - Ấn, gần nơi tranh chấp giữa 2 nước, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh cần bỏ ngay tư duy bành trướng lãnh thổ, bởi sẽ không có ai chấp nhận điều đó.

Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng khá "nhẹ nhàng" trước chỉ trích này bằng câu nói: "Lịch sử đã chứng minh Trung Quốc chưa từng chủ động phát động chiến tranh xâm lược để chiếm một tấc đất nào"?! 

Bà Oánh nói thêm, tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn và vấn đề "phức tạp, nhạy cảm do lịch sử để lại."

Tuy nhiên, khi phản ứng trước chỉ trích của Philippines về việc tàu Trung Quốc phụt vòi rồng xua đuổi 14 tàu cá Philippines ngoài bãi cạn Scarborough hôm 27/1 thì bà Oánh tỏ thái độ hoàn toàn khác.
Ứng viên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Ứng viên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Hoa Xuân Oánh cho rằng tàu Cảnh sát biển (đã phụt vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines đến ngư trường truyền thống của họ - PV) là "duy trì trật tự, bảo vệ chủ quyền" của Trung Quốc?!

The Wall Street Journal bình luận, so sánh phản ứng của Trung Quốc với Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines có thể thấy rằng thái độ của Bắc Kinh với New Delhi nhún nhường hơn cả. 
Chuyên gia quan hệ Trung - Ấn Harsh V. Pant từ học viện King vương quốc Anh cho rằng, do Ấn Độ không bao lâu nữa sẽ có chính phủ mới nên phản ứng của Trung Quốc với Ấn Độ cũng hòa nhã hơn.

Sở dĩ có sự khác biệt này theo Harsh V. Pant là vì Bắc Kinh lo ngại Ấn Độ phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và các nước láng giềng mà Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ. 
Có khả năng Bắc Kinh cho là, nếu đẩy Ấn Độ về phía những nước "đối địch" với (tham vọng, ý đồ bành trướng của) Trung Quốc thì sẽ bất lợi, ít nhất trong thời gian ngắn Bắc Kinh nên phản ứng hòa hoãn với New Delhi.

Mặc dù lo ngại các nước nhỏ ở châu Á liên kết lại với nhau vì thấy mối uy hiếp từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã kam kết cải thiện quan hệ với ASEAN, nhưng hải quân Trung Quốc vẫn không ngừng biểu hiện sự hung hăng của họ trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Hồng Thủy