Sập cầu ở Lai Châu: 9 người chết, Sở GTVT nhận trách nhiệm

26/02/2014 06:22
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về GTVT của tỉnh, ông Long nhận trách nhiệm và cho rằng, cần có hướng dẫn giao thông cụ thể và dễ hiểu hơn...

Ngày 25/2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nhằm sớm khắc phục hậu quả và phòng ngừa tai nạn tương tự xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn cầu treo ở bản Chu Va 6. (Ảnh: Báo Lai Châu)
Hiện trường vụ tai nạn cầu treo ở bản Chu Va 6. (Ảnh: Báo Lai Châu)

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo khẩn trương cứu chữa người bị thương, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Đồng thời điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn sập cầu treo nêu trên, chỉ đạo cho cơ quan chức năng của Lai Châu bắc cầu tạm để nhân dân đi lại, ổn định đời sống và trật tự xã hội khu vực xảy ra sự cố.

Trong công điện Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương trên cả nước kiểm tra và tăng cường độ an toàn của các cầu cáp treo, cầu tạm trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tránh để xảy ra tai nạn tương tự.

Một diễn biến khác cũng liên quan đến vụ việc, sáng 25/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng sau khi kiểm tra hiện trường vụ tai nạn đã có cuộc làm việc với tỉnh Lai Châu, nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Tam Đường kiểm tra hiện trường vụ tai nạn sập cầu treo. (Ảnh: Báo Lai Châu)
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Tam Đường kiểm tra hiện trường vụ tai nạn sập cầu treo.  (Ảnh: Báo Lai Châu)

Theo đại diện lãnh đạo huyện Tam Đường và tỉnh Lai Châu, cầu treo Chu Va 6 có chiều dài 54m, cao 9m, được đưa vào sử dụng hơn một năm, đã hết thời gian bảo hành.

Cầu treo ghi rõ trọng tải: 1,5 tấn (chỉ đảm bảo cho khoảng 20 người cùng lưu thông một lúc) nhưng khi xảy ra tai nạn có khoảng 50 người trên cầu.

Cầu sập do đứt tăng đơ len (đoạn ốc neo) vì quá tải khiến nhiều người rơi xuống lòng suối cạn nhiều đá tảng lởm chởm...

Cũng tại buổi làm việc, ông Đoàn Đức Long - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lai Châu cho hay, cây cầu này do huyện Tam Đường làm chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cũng do các cơ quan chuyên môn của huyện đảm nhiệm. Với cầu treo thì nguyên tắc không được diễu hành đông người qua cầu nhất là khi số người quá đông, quá tải trọng cho phép của cầu. 

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về GTVT của tỉnh, ông Long cũng nhận trách nhiệm và cho rằng, cần có hướng dẫn giao thông cụ thể và dễ hiểu hơn cho người dân.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Lai Châu báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GTVT đánh giá sơ bộ nguyên nhân tai nạn. Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lí xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CL CTGT) cho biết, kiểm tra thực tế cho thấy cáp cầu treo là loại chịu được trọng tải tới 79 tấn, tự trọng của cầu cũng có tải trọng lớn nhưng kết cấu neo lại không đồng bộ với cáp.

Theo ông Sanh, kết cấu neo này đáng ra phải sử dụng bu lông cường độ cao mới đảm bảo chất lượng. Nên ở đây, tai nạn đã xảy ra do đứt óc neo - chính là vị trí chịu tải yếu nhất.

"Để đảm bảo việc vận hành và sử dụng cầu treo dân sinh dạng này thì cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình vận hành và sử dụng đồng thời nên áp dụng công nghệ cảnh báo khi có quá tải", ông Sanh đề xuất và kiến nghị  tới đây phải kiểm tra toàn bộ óc neo với cầu treo dân sinh.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Toản - Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng, cho rằng nguyên nhân đứt óc neo là do tăng đơ và cáp không đồng bộ. Qua khảo sát tại hiện trường không có bảo vệ tăng đơ nên bộ phận này rất dễ bị gỉ sét, qua thời gian dễ bị bào mòn, ảnh hưởng đến chất lượng.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, đến trưa 25/2 đã có thêm 1 người  chết, nâng số nạn nhân tử vong lên 9 người. Theo cơ quan chức năng, số người bị thương thống kê được là 41 người.

Cầu treo ở xã Sơn Bình, Lai Châu được biết trọng tải 1,5 tấn. Trong thời điểm cầu bị đứt ốc neo có đoàn 40 người đưa tang, đi được 15m thì gặp nạn.

Theo một giảng viên hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, trọng tải 1,5 tấn ở đây phải hiểu là tải trọng cầu chịu được đoàn xe nặng 1,5 tấn. Đoàn người đưa tang đi rất chậm và nhẹ, không giống như đi diễu hành, chưa đến giữa cầu nên cũng khó xảy ra hiện tượng cộng hưởng.

Theo một kỹ sư chuyên về cầu đường, đang giảng dạy tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khi xây dựng cầu, theo tiêu chuẩn thì 1,2m sàn sẽ tương đương với 4 người (khoảng 300kg). Để xảy ra hiện tượng cộng hưởng phụ thuộc vào tần số dao động riêng của cầu và của đoàn người đi qua.

“Nhưng đây là cầu nhỏ được địa phương xây dựng nên khả năng không theo tiêu chuẩn này và mặt kỹ thuật cũng không được tính đến như những cầu lớn”, kỹ sư này cho biết.

                                          Theo M.Quyên (Thanh niên)

VIẾT CƯỜNG