Báo chí Nga đưa tin cho biết ngày 3/3/2014 theo giờ Mỹ, Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) đã ra tuyên bố tạm thời đóng băng quan hệ quân sự với Nga do mẫu thuẫn về quan điểm và hành động liên quan đến tình hình ở Ucraine.
Tuyên bố được phát đi dưới dạng văn bản cho biết, trong bối cảnh các sự kiện gần đây ở Ukraina, chúng tôi (Mỹ) đình chỉ tất cả các quan hệ quân sự giữa Mỹ và Nga.
"Mặc dù Bộ Quốc phòng đánh giá cao sự hợp tác với quân đội Nga mà chúng tôi đã phát triển trong những năm gần đây để cải thiện tính minh bạch, sự hiểu biết lẫn nhau và làm giảm nguy cơ xung đột, trong bối cảnh các sự kiện gần đây ở Ukraina, chúng tôi đình chỉ hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nga. Kể cả các hoạt động tập trận, các cuộc đàm phán song phương, ghé thăm cảng, lập kế hoạch hội nghị," - tuyên bố được đăng trên báo Đài Tiếng nói nước Nga cho biết.
Lầu Năm Góc đã bác bỏ thông tin của loạt phương tiện truyền thông rằng Mỹ quyết định cử tàu chiến tới khu vực.
Trong một diễn biến khác, Quốc hội Mỹ đã soạn thảo dự định trừng phạt kinh tế chống Nga liên quan đến hành động đưa quân của Moscow đến Crimea, Ucraine.
Quốc hội Mỹ đang soạn thảo một dự luật về trừng phạt chính trị và kinh tế Nga do các hoạt động của Nga ở Ukraine. Biện pháp có thể bao gồm cấm cấp thị thực Mỹ cho các quan chức Nga, giảm giao dịch với các ngân hàng nhà nước Nga và đóng băng tài sản doanh nhân Nga tại Mỹ.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ có hiệu lực trong trường hợp Liên minh châu Âu cũng làm như vậy.
Theo dự đoán, ý tưởng áp dụng biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ được cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ.
Trước đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đã đề cập tới các biện pháp như vậy. Chính quyền ông Obama cũng tuyên bố, họ đang xem xét khả năng áp dụng trừng phạt chống lại chính phủ Nga và các doanh nghiệp có liên quan với chính phủ, nhưng chưa thấy có quyết định cụ thể nào về vấn đề này.