Lịch sử lâu nay vẫn được xem là môn nền tảng, hình thành nhân cách con người Việt Nam yêu nước, nếu không muốn nói môn này đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay và cả tương lai.
Năm nay, kì thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc là Toán và Văn, 2 môn tự chọn trong các môn, ở đó có môn lịch sử. Nhưng điều buồn thay, theo công bố sơ bộ của các trường THPT thì môn lịch sử sẽ chiếm tỉ lệ học sinh đăng kí rất ít, thậm chí có trường là 0%.
Đăng kí ít vì có nhiều lí do, môn này học khó vào, khó nhớ vì nhiều dữ kiện, con số, hơn nữa tính rủi ro cao khi lựa chọn là môn thi tốt nghiệp. Nhưng đối với 3 học sinh duy nhất của lớp 12D4, trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), việc chọn lịch sử là môn tự chọn là niềm vui và niềm tự hào.
Từ khi nhận được thông tin về các môn thi tốt nghiệp năm nay, tập thể lớp 12D4 xôn xao hẳn lên, hầu hết các em đều vui hơn khi được 4 môn chứ không như 6 môn thường lệ.
Nhưng vấn đề ở chỗ, trong số các môn thi tốt nghiệp ngoài hai môn Văn và Toán bắt buộc thì các em được quyền lựa chọn môn thi. Và hầu hết các em đều “loại” môn lịch sử ra đầu tiên, cho rằng nếu chọn lịch sử là may rủi, không sáng suốt, khó thi và như vậy điểm sẽ thấp.
Hai em Trần Mỹ Linh (trái) và Phạm Phương Thảo luôn tự hào khi lựa chọn học lịch sử và lựa chọn môn này là môn tự chọn ở kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ảnh Xuân Trung |
Trong tổng số 48 học sinh của lớp 12D4 chỉ có ba em theo đến cùng với môn lịch sử. Đó là các em Lê Thị Thùy Dương, Trần Mỹ Linh và Phạm Phương Thảo.
Ba em này đều có điểm chung là yêu quý môn lịch sử từ nhỏ, thấm nhuần những câu chuyện lịch sử do bác, bố mẹ và anh chị kể lại. Cho tới khi thi đỗ vào trường THPT Nguyễn Tất Thành, được các thầy cô chia sẻ thêm về lịch sử dân tộc các em lại càng yên quý môn học này hơn bao giờ hết.
Nói như Phạm Phương Thảo thì lịch sử đã “ngấm vào máu” lúc nào không hay. Lí do chọn học sử của Thảo vì em có điều kiện và được thừa hưởng từ gia đình khi có nhiều người đi theo môn học này.
Thảo cũng cho biết, phương pháp học sử bây giờ không còn khô khan như trước, không còn chỉ biết cầm quyển sách lên và đọc mà có thể nghe đài, báo cũng có thể nhớ sự kiện dễ dàng hơn.
Lịch sử học khó nhớ, khó học vậy lí do gì khiến ba nữ sinh này lại “liều” lựa chọn là môn thi tự chọn? Trần Mỹ Linh cho biết, đã chọn ban C nên môn sử kiến thức sẽ vững hơn các môn khác trong kì thi tốt nghiệp.
Lí do nữa là yêu thích môn học này, việc yêu thích và đam mê điều gì đó sẽ giúp em học đơn giản hơn. Bản thân Linh rất thích nghe các câu chuyện về lịch sử, chính người bác là nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại hay kể các câu chuyện lịch sử cho anh em trong gia đình nghe, qua đó mà Linh càng thấy thích sử hơn.
Việc học sử của Linh cũng được mẹ rất ủng hộ, chính mẹ Linh cũng là dân khối C nên học sử càng trở nên đơn giản, do đơn giản nên tự tin lựa chọn môn sử là môn thi tốt nghiệp và môn thi đại học cho mình.
Theo Dương, lịch sử là của cả một dân tộc và đó là vốn hiểu biết của con người, nếu không có lịch sử thì các môn khác sẽ không có. Bản thân Dương cảm nhận, giữa lịch sử và văn học có một mối liên hệ rất mật thiết, đặc biệt ở lớp 12, những sự kiện lịch sử sẽ giúp Dương hiểu hơn về sự ra đời cũng như những địa danh của rất nhiều các tác phẩm văn học.
“Các bạn hãy chú trọng tới việc học sử, vì khi ra nước ngoài mình có kiến thức lịch sử của nước mình là rất quan trọng. Lịch sử nước nào cũng quan trọng, tại sao nước ngoài họ chuyên tâm nghiên cứu lịch sử của nước họ, bởi họ thực sự yêu quý lịch sử, yêu quý đất nước. Đất nước ta có hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước thì tại sao không học lịch sử để hiểu hơn về quá trình dựng nước để càng yêu quý nước mình hơn” Linh nhắn nhủ tới các bạn.
Quan điểm của Phạm Phương Thảo về tình yêu đất nước là không cần phải nói miệng rằng tôi rất yêu nước tôi hay tôi tự hào là người Việt Nam, mà chỉ cần người đó hiểu được dân tộc mình, đất nước mình, hiểu mình đang sinh sống ở một nơi như thế nào.
TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, khi nghe thông tin nhiều học sinh không lựa chọn môn sử trong kì thi tốt nghiệp THPT, bản thân TS. Hưởng thấy phải suy nghĩ và chạnh lòng với môn mình đang dạy.
Em Lê Thị Thùy Dương: Lịch sử là của cả một dân tộc và đó là vốn hiểu biết của con người, nếu không có lịch sử thì các môn khác sẽ không có. Ảnh Xuân Trung |
Dưới góc độ là người thầy, TS. Hưởng nhận định có thể môn lịch sử ít người lựa chọn vì thực tế môn này là môn khó học, khó nhớ vì có nhiều sự kiện liên quan tới thời gian, nhân vật, không gian lịch sử và nhiều yếu tố liên quan. Môn này đòi hỏi học sinh phải có sự đam mê, hứng thú thì mới có thể học tốt, nếu học theo lối truyền thống cũ, học thuộc lòng, học vẹt, máy móc thì sẽ trở nên sợ.
Một lí do nữa khiến học sinh không chọn môn lịch sử theo TS. Hưởng, vì hiện đầu vào của các trường đại học khối C rất hạn chế, và tâm lí chung học sinh chọn môn thi tốt nghiệp làm sao để hỗ trợ mình ôn thi cả đại học.
“Tôi không có bất cứ ý kiến nào nói là phải thế nọ thế kia về môn sử, nhưng từ thời dựng nức đến nay, không thời nào không coi trọng lịch sử, tất cả các thời phong kiến Việt Nam, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp, Mĩ càng nhấn mạnh điều đó.
Trong thời đại ngày nay, dưới tác động của cơ chế thị trường khiến người ta nghĩ nhiều đến làm sao để mình lựa chọn môn mình học khối mình thi sau này để ra trường dễ kiếm việc làm” TS. Hưởng bày tỏ.
Hiện nay nhiều người còn có suy nghĩ, có điên mới thi vào sư phạm, chỉ có học dốt mới thi vào sư phạm, nếu nhiều người đồng tình với quan điểm này theo TS. Hưởng đó là vấn đề cần đặt câu hỏi: “Giả sử chỉ có ngu, có dốt mới thi vào sư phạm thì thử hỏi thế hệ các thầy cô ở các trường sư phạm, giáo viên các trường phổ thông có trình độ cao về hưu hết thì sau này lấy ai sẽ dạy?
Không có người trò giỏi khi không có thầy giỏi. Cho nên nói theo quan điểm đó tôi cho rằng hoàn toàn sai lầm, từ thực tiễn này tôi cho rằng những người làm hoạch định chính sánh giáo dục cần hoàn thiện việc đào tạo thế hệ trẻ, đặc biệt là môn lịch sử, nó là môn góp phần quan trọng giáo con người” TS. Nguyễn Mạnh Hưởng nhấn mạnh.
“Chúng tôi không cho rằng môn này tốt hơn môn kia, nhưng chúng tôi luôn nhấn mạnh cho học sinh biết rằng mình là người Việt Nam thì mình phải hiểu hơn ai hết về lịch sử Việt Nam, chứ đừng để sinh viên Mỹ, Hàn Quốc, các nước khác hiểu hơn chúng ta thì đó là nỗi đau của lịch sử. Cá nhân tôi thì không thay đổi được gì, nhưng rất mong các nhà hoạch định chính sách giáo dục đưa ra những chính sách giải quyết hợp lí nhất”
TS. Nguyễn Mạnh Hưởng đề nghị.