Crimea trưng cầu sáp nhập lãnh thổ Nga, EU họp thượng đỉnh khẩn cấp

06/03/2014 20:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Sự thay đổi đột ngột tại Crimea đã khiến nguyên thủ của 28 nước Liên minh châu Âu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp
Các nguyên thủ EU và lãnh đạo chính quyền mới tại Ukraine họp khẩn cấp sau quyết đinh trưng cầu dân ý về sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.
Các nguyên thủ EU và lãnh đạo chính quyền mới tại Ukraine họp khẩn cấp sau quyết đinh trưng cầu dân ý về sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga.

Telegraph ngày 6/3 đưa tin, hôm nay các nhà lãnh đạo mới của Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16 tháng này về việc có sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga hay không.


Sự thay đổi đột ngột tại Crimea đã khiến nguyên thủ của 28 nước Liên minh châu Âu tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để tìm cách gây áp lực buộc Nga lùi bước và chấp nhận hòa giải.

Quốc hội nước Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đã bỏ phiếu nhất trí sáp nhập vào Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể thuộc quốc gia này. Phó Thủ tướng Crimea đang ở căn cứ hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea cho biết cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập sẽ diễn ra vào ngày 16/3.

Ông cho biết tất cả các tài sản nhà nước sẽ được quốc hữu hóa và đồng rúp của Nga có thể được sử dụng tại nước cộng hòa tự trị này.
Diễn biến mới nhất được các nhà ngoại giao cho rằng không thể không có sự đồng ý của Putin khiến căng thẳng đối đầu giữa Moscow với phương Tây leo thang nghiêm trọng nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Các nhà lãnh đạo EU đã ra cảnh báo nhưng chưa có hành động trừng phạt Nga về sự can thiệp quân sự của Moscow và từ chối rút quân  khỏi Crimea. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói trước hội nghị rằng sẽ có áp lực mạnh nhất đối với Nga để giảm căng thẳng, tất nhiên giải pháp cuối cùng là trừng phạt.

Một quan chức quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea cho biết người dân bán đảo này sẽ được cung cấp 2 lựa chọn: Trở thành 1 phần của Liên bang Nga hay trở lại hiến pháp 1992 để tự chủ hơn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từ chối gặp đối tác Ukraine trong khi tham gia một cuộc đàm phán tại Paris ngày hôm nay, mặc dù John Kerry và các Ngoại trưởng châu Âu ra sưc thúc đẩy cuộc gặp này.

Hồng Thủy