Bày tỏ trước Dự thảo Đề án đổi mới SGK phổ thông sau 2015 của Bộ GD&ĐT, PGS. TS. Lương Ngọc Toản – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, TN&NĐ của Quốc hội của Quốc hội cho biết, Đề án này trước hết phải đào tạo nguồn nhân lực cho nền văn minh trí tuệ ở thế kỷ này.
Như vậy đã xác định được nguồn lực là trẻ em ở lứa tuổi mầm non được vào học từ năm 2016 - 2017 học ba năm ở các lớp mầm, “chồi lá” rồi học hết 12 năm phổ thông và với 2-6 năm học nghề, hay vào đại học và cao đẳng, quy trình này khoảng 18-20 năm.
GS. TS. Nguyễn Viết Thịnh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Ảnh Xuân Trung |
Đây được xem là nguồn nhân lực của những năm sau năm 2030, do vậy làm chương trình và sách giáo khoa (CT và SGK) phải có tầm nhìn để thực hiện xây dựng nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực này phải được tạo ra từ những con người tự do, thông minh, sáng tạo, có năng lực và dũng khí cải tạo xã hội, đồng thời giúp cho bản thân phát triển, giúp xã hội tiến kịp thời đại. Theo PGS. TS. Lương Ngọc Toản, lứa con người này không phải chỉ biết nghe lời mà còn phải có tư duy phản biện.
PGS. TS. Lương Ngọc Toản hoàn toàn nhất trí với mục tiêu của Đề án. Tuy nhiên, ông còn cho rằng làm SGK hiện chúng ta chưa tìm được tổng chủ biên đủ tầm để quán xuyến xuyên suốt toàn bộ CT và SGK của cả ba cấp (tiểu học, THCS và THPT).
Chia sẻ thêm về quan điểm riêng của mình về Đề án đổi mới SGK này, PGS. Toản nghĩ rằng, giáo dục là vấn đề đại sự quốc gia, các cơ quan lập pháp và hành pháp đều phải chung tay, bởi lẽ không có việc gì quan trọng hơn của một xã hội là xã hội đó lo cho tương lai của mình bằng việc chăm lo giáo dục thế hệ trẻ như thế nào.
Thấy rõ được tầm quan trọng của việc thay đổi sách, PGS. Văn Như Cương kiên quyết đề nghị, cần phải thay sách đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Ông Cương đưa ra lí do để làm việc này vì hiện có khá nhiều môn học chương trình mới nhẹ hơn chương trình cũ như Toán,Lí, Hóa, Sinh, Sử, Địa lí (nhất là các môn tự chọn).
Do đó không xảy ra các trường hợp: Chủ đề này ở lớp “10 mới” thì có nhưng ở lớp “10 cũ” không có, bởi vậy học sinh lớp “10 cũ” lên học lớp “11 mới” phải học bổ sung chủ đề đó.
GS. TS. Nguyễn Viết Thịnh - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Hà Nội cho biết, trong Đề án đề cập tới chuyện “giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành” nghe thì thấy nhất trí, nhưng suy nghĩ kỹ ông Thịnh thấy không ổn, vì khi đặt “hàn lâm” và “thực hành” như là hai vế đối lập hay là hai đối trọng, dường như tính hàn lâm làm tổn hại tới tính thực hành.
Cũng theo GS. Thịnh, khi viết lại SGK vấn đề ngôn ngữ cần chính xác, vừa dễ hiểu, dễ nhớ, để lại ấn tượng với học sinh. Vì ngôn ngữ dùng trong SGK hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí còn có ý kiến là ngôn ngữ đó làm nghèo vốn tiếng Việt, nhất là các từ Hán Việt…
Điều kiện xây dựng chuẩn chương trình SGK phổ thông sau năm 2015 cần lường trước khi đưa vào thực tiễn sẽ như thế nào, có làm sai lệch không. Với thực tiễn giáo dục hiện nay GS. Thịnh cho biết, tổng thể các chuẩn chương trình môn học không cao.
Nhưng điều này lại xảy ra một thắc mắc, tại sao chương trình không cao nhưng mà xã hội luôn kêu học sinh học phải học nặng? GS. Thịnh nhận định, có thể có khả năng lãnh đạo không thỏa mãn với chương trình của Bộ nên tùy tiện dạy những kiến thức, kỹ năng cao hơn chuẩn…
GS. TS. Hoàng Văn Vân – Chủ nhiệm khoa Sau đại học (ĐHQG HN) lại đề cao quá trình thực hiện Đề án: “Đề án đổi mới SGK phổ thông sau năm 2015 mới chỉ dừng lại trong văn bản. Sự thành bại của Đề án chủ yếu lại nằm ở quá trình thực hiện, một quá trình thu hút nhiều khâu, nhiều nguồn nhân lực”.
“Hãy xem những tranh luận và những thay đổi của Bộ GD&ĐT về thi tốt nghiệp THPT và phương án tuyển sinh trong những ngày gần đây, để thấy sẽ không bao giờ có phương án cố định được nhìn thấy trước, và các phương án sẽ luôn thay đổi” GS. Châu bảo vệ quan điểm khi xây dựng chương trình cũ trước kia.
Đại diện cơ sở đào tạo giáo viên, PGS. TS. Phạm Hồng Quang-Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đề nghị, song song với hoàn thiện Đề án này thì cần nhanh chóng triển khai các nội dung điều kiện để các trường sư phạm nhanh chóng nắm bắt những nội dung cơ bản của Đề án. Từ đó chủ động đào tạo, bồi dưỡng lại giảng viên và xây dựng lại chương trình đào tạo giáo viên.
Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015 được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2014 - 06/2016, giai đoạn hai từ tháng 07/2016 – 2022. Nhiệm vụ của Đề án này là tổng kết kinh nghiệm xây dựng CT, SGK, đánh giá chương trình, SGK hiện hành, tham khảo, học tập xu thế và kinh nghiệm quốc tế…
Xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Biên soạn SGK, thử nghiệm CT, SGK và đánh giá chương trình, SGK thử nghiệm, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và ban hành CT, SGK mới. Biên soạn hướng dẫn dạy học theo chương trình, SGK thử nghiệm và CT, SGK mới.