Sáng nay, Cục hàng không Việt Nam có thông báo kế hoạch tìm kiếm máy bay Beoing 777-200 của Malaysia, với hai máy bay AN26 và 1 trực thăng, 1 thủy phi cơ (DHC6).
Cùng thời điểm, Tổng công ty Trực thăng Bộ Quốc phòng cũng sẽ điều một báy bay Mi và 1 máy bay SUPER sẵn sàng tham gia khi có lệnh.
Vị trí và thời gian máy bay dự kiến cất cánh là Vũng Tàu; Tân Sơn Nhất; Cần Thơ; Cà Mau; Năm Căn. Sẵn sàng cất cánh khi có lệnh.
Tàu trực thăng và thủy phi cơ ra hiện trường đã hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng chưa thấy quay về. Mọi thông tin từ Trung tâm kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc vẫn chưa có tín hiệu lạc quan.
Sơ đồ mở rộng tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia. Ảnh VNN. |
Trước tình hình này, Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm máy bay mất tích bằng cả trái tim. Ngoài việc truy tìm trên biển, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo tìm kiếm trên đất liền”.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thì khẳng định, loại trừ khả năng máy bay bị nổ, vì sau 3 ngày tìm kiếm không hề phát hiện một vết tích nào từ suy đoán trên.
Trong khi đó, ông Phạm Quý Tiêu – Thứ trưởng Bộ GTVT nói: “Cho đến giờ tất cả mọi đánh giá, tiên liệu chúng ta còn rất ít hi vọng những gì tốt đẹp đối với chuyến bay này. Vì vậy quyết tâm tìm kiếm càng nhanh càng tốt, để tìm được, giải đáp được câu hỏi của chúng ta, của các nhà báo, đặc biệt là thân nhân của những người trên chuyến bay.
Trước hết, với vùng FIR Việt Nam, trách nhiệm của ta là phải làm hết mình hỗ trợ bạn tìm kiếm, đối với các vùng FIR lân cận thì phối hợp các nước xung quanh tổ chức tìm kiếm. Chúng ta không mong muốn, có thể tình huống xấu đã xảy ra nên tôi thay mặt Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia thống nhất với UBND tỉnh Kiên Giang một số việc.
Đó là yêu cầu tỉnh tiếp tục kêu gọi tàu thuyền của ngư dân, thông báo và yêu cầu hỗ trợ trong quá trình đánh cá nếu phát hiện gì thì báo kịp thời cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là sở chỉ huy hiện trường. Thứ hai, nếu tìm ra được máy bay thì chắc chắn có công việc tiếp theo, vì vậy đề nghị tỉnh sẵn sàng trách nhiệm của mình, khi tiến hành trục vớt, tìm thấy nạn nhân thì tiến hành ngay”.
Cũng theo ông Tiêu, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đã chuẩn bị phương tiện, khu vực để đưa nạn nhân về đây và tỉnh cần chuẩn bị vùng có thể tập kết; tỉnh Kiên Giang tổ chức sẵn sàng công tác y tế, bảo vệ hiện trường và phục vụ hậu cần khi phát hiện được máy bay bị nạn.
Về phương án tìm kiếm trong ngày 11/3, ông Phạm Quý Tiêu cho biết các lực lượng gồm hải quân, hàng hải, không quân tiếp tục thực hiện các khu vực tìm kiếm ở vị trí mở rộng về phía đông và Đông Bắc.
“Hôm qua có thông tin các bức ảnh chụp nghi là mảnh vỡ ở biển Vũng Tàu, tàu hải quân có ra xác định nhưng không có thông tin gì tốt đẹp hơn”, ông Tiêu nói.
Chiếc thủy phi cơ và trực thăng đang đậu ở sân bay Phú Quốc chờ lệnh xuất phát bay ra biển tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích. Ảnh: Thanh niên. |
Bộ Quốc phòng Thái Lan đã phê duyệt cho Hải quân tiến hành hoạt động cứu hộ theo yêu cầu của Malaysia. Theo đó Tư lệnh Hải quân Thái Lan, Đô đốc Narong Pipattana đã lệnh cho Trung tâm hoạt động Hải quân thành lập Trung tâm tìm kiếm cứu nạn máy bay Boeing 777-200, đồng thời lệnh cho Hải quân Vùng 3 thành lập Trung tâm tâm tìm kiếm cứu nạn trên khu vực đảm trách.
Hải quân Vùng 3 Thái Lan đã thành lập lực lượng tìm kiếm cứu nạn bao gồm: Tàu Pattani và thủy thủ đoàn gồm 84 người; Máy bay trực thăng SUPER LYNX – 300 và phi hành đoàn gồm 12 người; Toán hoạt động đặc biệt thuộc Đơn vị Chiến tranh đặc biệt đường biển và các thợ lặn gồm 9 người; Toán Quân y gồm 3 người và 1 máy bay tuần tra Dornier (DO-228), bay tuần tra hàng ngày đến lúc kết thúc đợt tìm kiếm theo kế hoạch.