Nợ "khủng" của các đại gia bất động sản

13/03/2014 07:37
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Hàng loạt "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản đang còng lưng gánh những khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

HUD nợ UBND tỉnh Hà Tĩnh hàng chục tỷ đồng

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đòi khoản nợ hơn 78 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 4,5 tỷ đồng tiền nợ phạt chậm nộp tại Dự án Khu đô thị Bắc TP.Hà Tĩnh. Toàn bộ số tiền sử dụng đất (214 tỷ đồng) của HUD tại dự án này bị Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu nộp trước ngày 31/12/2013, nhưng HUD xin “khất” đến tháng 11/2014 do tình hình thị trường bất động sản trầm lắng, chủ đầu tư không thể cân đối được nguồn thu để nộp tiền sử dụng đất cho địa phương.

Đây chỉ là một trong hàng chục dự án do HUD làm chủ đầu tư trên địa bàn cả nước. Số tiền sử dụng đất mà HUD phải trả cho các dự án này là không nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay.

Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) với khoản nợ hơn 80 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) với khoản nợ hơn 80 tỷ đồng.

Giữa năm 2013, HUD cũng đã vướng phải rắc rối với đối tác là Công ty cổ phần BIC Việt Nam trong việc thực hiện Dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Dự án xây dựng trên phần đất 20% dành cho dự án nhà ở xã hội của Khu đô thị Linh Đàm do HUD đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Mặc dù 2 bên đã có thỏa thuận về kế hoạch đầu tư xây dựng và động thổ dự án từ ngày 28/5/2013, nhưng sau đó, HUD đã từ chối bàn giao mặt bằng để BIC Việt Nam vào thi công xây dựng. Có thông tin cho rằng, HUD từ chối bàn giao mặt bằng do chưa được UBND TP.Hà Nội thanh toán kinh phí theo suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dự án.

Ở một dự án tai tiếng khác của HUD là Khu đô thị mới Phú Mỹ (Quảng Ngãi). Năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thu hồi đất giao cho HUD, đến nay, dự án mới ở giai đoạn san lấp mặt bằng. Tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần đốc thúc, nhưng dự án vẫn án binh bất động.

Sông Đà Thăng Long đứng đầu danh sách nợ thuế

Theo báo cáo tài chính quý I/2012 của Sông Đà Thăng Long, dư nợ của đơn vị này là hơn 5.070 tỷ đồng cuối quý I/2012, chiếm hơn 96% tổng tài sản. Năm 2011, công ty này lỗ hơn 14 tỷ đồng và năm 2012 âm trên 181 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của Sông Đà Thăng Long đã đến mức báo động đỏ, buộc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải đưa cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long vào diện bị kiểm soát từ 13/6/2013.

Sông Đà Thăng Long dư nợ hơn 5.070 tỷ đồng cuối quý I/2012.
Sông Đà Thăng Long dư nợ hơn 5.070 tỷ đồng cuối quý I/2012.
Đến ngày 26/6/2013 thì 15 triệu cổ phiếu STL của Công ty cổ phần Sông Đà Thăng đã chính thức bị hủy niêm yết. Tổng giá trị hủy niêm yết là 150 tỷ đồng. 
Trong bản giải trình đề ngày 17/6/2013 gửi Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2012 lỗ và phương án khắc phục, Công ty CP Sông Đà Thăng Long lại cho biết, doanh nghiệp này cũng không thoát khỏi tình trạng chung khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản bị khủng hoảng kéo dài từ năm 2010 khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và thi công xây lắp gặp rất nhiều khó khăn. 
Việc thu vốn từ các dự án bất động sản gặp khó khăn, dòng tiền của doanh nghiệp giảm mạnh nên thiếu hụt nguồn trả nợ ngân hàng làm tăng chi phí tài chính so với kế hoạch. Cũng bởi vậy, không có gì khó hiểu khi công ty này đứng đầu danh sách nợ thuế với số tiền lên tới gần 283 tỷ đồng.

Vinaconex nợ ngắn hạn và dài hạn 18.913 tỷ đồng

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2013 của Vinaconex, nợ ngắn hạn và nợ dài hạn của đơn vị này là 18.913 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 74% tổng tài sản. Trong quý này, doanh thu thuần của Vinaconex đạt 2.700,7 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, lãi vay tăng tương ứng với gần 24%, khiến mức lãi gộp chỉ còn tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 366,5 tỷ đồng.

Theo đó, Vinaconex đã và đang phải tìm cách bán bớt dự án để trả nợ. Dự án bất động sản đầu tiên mà Vinaconex phải bán là Khu đô thị Park City (vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng) tại Hà Đông, Hà Nội.

Trong thương vụ này, Vinaconex chuyển nhượng 3,75 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Vinaconex Hoàng Thành, chủ đầu tư Dự án Park City tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho Công ty Perdana (thuộc Samling, tập đoàn khai thác gỗ lớn nhất của Malaysia). Sau khi chuyển nhượng, Park City trở thành dự án 100% vốn nước ngoài thuộc Perdana.

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh 67%, xuống còn 59,3 tỷ đồng, nhưng bù lại, chi phí tài chính cũng giảm mạnh, chỉ bằng 48,5% so với cùng kỳ, ở mức 202,8 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng giảm 34% xuống còn 104,5 tỷ đồng, nên hoạt động kinh doanh của Vinaconex trong quý III/2013 ghi nhận lãi gần 66 tỷ đồng (quý III/2012 Công ty lỗ 115,8 tỷ đồng).

Một dự án bất động sản khủng khác được Vinaconex rao bán là Splendora tại Hoài  Đức (Hà Nội). Từ đầu năm 2013, Vinaconex đã “đánh tiếng” bán lại phần góp vốn của Tổng công ty (tương đương 50% vốn điều lệ) tại Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora).

Đây là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp trung tâm, văn phòng thương mại nằm ở phía Tây Thủ đô, thuộc huyện Hoài Đức. Khu đô thị có tổng diện tích 246 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, nhưng sau 1 năm thông báo, vẫn chưa có đơn vị nào nhận chuyển nhượng cổ phần tại An Khánh JVC của Vinaconex./.

Hồng Anh (Tổng hợp)