Thịt heo nghi bị bệnh sán gạo "lọt" vào siêu thị
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, tối ngày 10/3, bà Thùy Trang (P.11, Q. Gò Vấp, TP. HCM) mua thịt heo tại siêu thị Big C Gò Vấp về để trong ngăn đá tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên, trong lúc phân loại thịt, bà Trang phát hiện giữa cục thịt heo có một cục màu trắng to, bên trong toàn bột màu trắng đục. Nghi ngờ thịt mắc bệnh heo gạo, bà Trang đã mang trả lại siêu thị.
Mặc dù xin lỗi khách hàng vì đã để heo bệnh ra kệ hàng ở siêu thị Big C Gò Vấp, nhưng bà Thu cho rằng những sản phẩm này là do khách tự chọn để mua. Thịt heo nhập về siêu thị là nguyên khối, siêu thị cắt ra từng khúc và khách hàng cũng là người chọn. Sáng 11/3, sau khi làm việc với chị Trang, Big C Gò Vấp đã nhận lại toàn bộ số thịt heo mà chị Trang mua vào tối 10/3 (gồm cả sườn heo) và trả lại tiền cho khách.
|
Đại diện siêu thị giải đáp các thắc mắc của khách hàng về nguồn gốc số thịt heo có dấu hiệu mắc bệnh heo gạo - Ảnh: B.Hoàn |
Ngày 14/3, Chi Cục trưởng Chi Cục thú y Đồng Nai, ông Trần Văn Quang cho biết: Đó là miếng thịt heo đã bị áp xe. Có nghĩa rằng, những nang (mẫu nhỏ) của vết thương bị nhiễm trùng, và hóa thành vôi. Về nguyên tắc, khi thấy miếng thịt heo bị áp xe thì phải lọc, cắt bỏ đi và không nên ăn miếng thịt này.
Khi PV đề cập đến nguồn gốc cung cấp thịt heo này cho siêu thị Big C Gò Vấp, ông Quang đã cho biết thêm rằng, cung cấp thịt heo cho Big C có rất nhiều nguồn, của TP.HCM cũng có, Đồng Nai cũng có.
Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang tích cực làm việc để truy tìm nguồn gốc chính xác của thịt heo này.
Mặc dù đã có kết luận về nghi vấn thịt heo nhiễm bệnh "lọt" vào siêu thị nhưng thông tin trên thực sự khiến người tiêu dùng hoang mang suốt tuần qua khi cùng một thời điểm, có rất nhiều thông tin về thực phẩm không đảm bảo chất lượng được báo chí phản ánh.
Metro, Big C... bán rau chợ dán mác "rau an toàn"
Theo thông tin trên tờ Tiền phong, các loại rau dán mác rau an toàn (RAT) đều có địa chỉ cụ thể: Tuy nhiên, mang danh RAT Vân Nội, nhưng thực tế có những nguồn hàng không rõ xuất xứ. Truy ngược về các địa chỉ chuyên cung cấp RAT cho hệ thống các siêu thị lớn như Metro, Big C... trên địa bàn Hà Nội.
Lần theo địa chỉ ghi trên bao bì, PV tìm về nhà ông Quang (chủ Cty TNHH Sản xuất và chế biến RAT Ba Chữ). Nhà ông Quang đối diện cổng chợ Vân Trì (Vân Nội, Đông Anh), nhưng lại treo biển hiệu văn phòng máy tính. Sau nhiều giờ phục trước cổng nhà, nhóm PV chứng kiến nhiều tiểu thương chở rau đến căn nhà cấp 4 ngay bên cạnh.
|
Những bó rau được bày ngay ngắn trong siêu thị liệu có an toàn. Ảnh: Như Ý |
Đây chính là điểm tập kết, thu mua rau của HTX rau Ba Chữ. Ngôi nhà ẩm thấp, lụp xụp không khác gì nơi chăn nuôi lợn. Rau cải, rau cần, cà chua, bí xanh, khoai tây... vứt la liệt trên nền đất. Rổ chuyên dụng đựng rau cáu bẩn được dựng góc nhà.
Anh T.N.V, một người chuyên bán rau cho HTX Ba Chữ đến từ Yên Phong, Bắc Ninh, cho biết: “Vào những vụ trái mùa, một số mặt hàng tại Vân Nội không có như bí đỏ, bí xanh, khoai tây, hành tỏi, tôi thường nhập chuyển từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương về. Từ tháng 4, hàng khan hiếm còn phải nhập thêm khoai tây, tỏi Trung Quốc từ Lạng Sơn về bán”.
Theo ghi nhận của nhóm PV, hơn 4 giờ chở rau của HTX Ba Chữ xuất phát theo hướng qua cầu Thăng Long, ông Quang đích thân lái xe. Chiếc xe này lần lượt vào siêu thị của Big C rồi vòng về siêu thị Metro khi đồng hồ điểm 6 giờ 10 phút sáng.
8 giờ sáng, khi Metro (Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội) mở cửa, các loại rau như: Cần, cải ngọt, cải xanh, đỗ đũa, hoa lơ... được đóng gói trong bao bì HTX rau Ba Chữ bày la liệt trên kệ. Lúc này, giá rau đã bị đẩy lên cao gấp 2 – 3 lần so với giá ngoài chợ Vân Trì.
Đây không phải là lần đầu tiên siêu thị bị nghi ngờ bán rau an toàn "giả nhãn mác". Cách đây không lâu, hàng loạt siêu thị ở Hà Nội như Le’s Mart, Minh Hoa, Citimart,… thừa nhận bán rau củ quả không rõ nguồn gốc, được Công ty TNHH sản xuất tiêu thụ rau an toàn số 5 Thôn Đầm mua từ các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội cung cấp.
Xe Honda SH chưa hết bảo hành, máy đã vỡ vụn
Phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Khắc Chiến (Thị trấn Đoan Hùng - Phú Thọ) cho biết: Cuối tháng 10/2012, gia đình anh Chiến mua xe máy SH 125c tại HEAD Honda Thành Công, địa chỉ thị trấn Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
“Xe mua cho vợ tôi đi làm, việc đi lại chủ yếu gần nhà, đến nay mới đi được 2.300 km đã gặp sự cố”, anh Chiến bức xúc.
Theo đó, ngày 8/3 vừa qua, vợ anh sử dụng xe SH đi ăn cưới. Lúc về, vợ anh Chiến vừa nổ máy thì xe bị khựng lại, bánh xe sau không nhúc nhích. Sau đó phải nhờ người khênh chiếc SH lên xe bò chở đến một hiệu sửa xe gần đó.
|
Tình trạng xe Honda SH bị vỡ vụn lá côn dù trong thời gian bảo hành như khách hàng phản ánh. |
Sau sự cố, gia đình anh Chiến đã liên hệ HEAD Honda Thành Công vì xe vẫn đang trong thời hạn bảo hành. Cửa hàng này cũng đã cử nhân viên đến tìm hiểu vụ việc.
“Nhân viên Công ty Thành Công đến, tháo máy thấy vỡ vụn bên trong. nhân viên này cho biết, nếu sự cố xảy ra khi xe đang chạy trên đường chắc chắn bị tai nạn", anh Chiến nói. Tuy nhiên, Công ty Thành Công gọi điện về HEAD nhưng công ty cho rằng, lỗi này do người sử dụng và từ chối bảo hành. Bức xúc trước câu trả lời trên, anh Chiến phản ánh vụ việc với báo Giáo Dục Việt Nam.
Cũng ngay sau đó, trao đổi với phóng viên, đại diện Head Honda Thành Công cho biết: Qua bàn bạc với khách hàng, công ty thống nhất sẽ bảo hành sự cố này 100% với chi phí sửa chữa.
Phát hiện hàng tấn thủy hải sản Trung Quốc bẩn
Ngày 10/3, An ninh thủ đô đưa tin, Đội Cảnh sát môi trường Công an quận Đống Đa, và Đội quản lý thị trường số 13 – Chi cục quản lý thị trường, Hà Hội, đã phát hiện chiếc xe ô tô tải mang BKS 14C-06541 đang dừng đỗ tại chân cầu Thanh Trì có biểu hiện nghi vấn.
|
Baba sống đựng trong các thùng xốp. |
Kiểm tra, lực lượng chức năng bất ngờ phát hiện bên trong có nhiều cá và ếch, ba ba... đóng trong các thùng xốp. Lái xe không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến số hàng này. Ngay sau đó, lái xe bị yêu cầu đưa xe tải chở hàng về trụ cơ quan điều tra để làm rõ.
Tại trụ sở Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Đống Đa, lái xe được làm rõ là Vĩ Văn Lợi, SN 1987, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh. Vĩ khai nhận mua số hàng trên từ Móng Cái sau đó xé lẻ hàng đưa lên nhiều xe, vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ.
Qua kiểm tra, bên trong xe tải có nhiều thùng xốp chứa ếch sống, cá quả sống và cá trắm cỏ đông lạnh, cá trê, ba ba. Tổng trọng lượng khoảng hơn 3 tấn.
Thu giữ gần 1.000 lọ nước hoa nghi giả nhãn hiệu Lancôme, Gucci...
Ngày 10/3, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP.HCM) và Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 tiếp tục kiểm tra lô hàng nhập khẩu của Công ty TNHH H.H.L. phát hiện có gần 1.000 lọ nước hoa nghi giả các nhãn hiệu nổi tiếng.
Lô hàng trên được Công ty H.H.L nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 29.006 USD, tiền thuế khai báo trên 155 triệu đồng.
|
Nước hoa nghi vấn giả nhãn hiệu cao cấp. |
Trên tờ khai hải quan, doanh nghiệp khai báo hàng hóa gồm 16 tấn, gồm guốc nữ, giày giả da, dép xốp, dép nữ, ván trượt thể thao, nệm tập yoga, hộp đựng mỹ phẩm, kính bể bơi, bi sắt, loa sup, bộ điều khiển, micro… xuất xứ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện có khoảng 1.000 lọ nước hoa các loại, mang nhãn hiệu nổi tiếng như Lancôme, Gucci, Tommy, Dior… không khai báo hải quan.
Ông Trần Bá Tùng, Đội phó phụ trách Đội Kiểm soát Hải quan cho Báo Hải quan biết, điểm đáng chú ý là số nước hoa nêu trên được doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trên tất cả sản phẩm không thể hiện xuất xứ Trung Quốc mà thể hiện xuất xứ từ Pháp, Italy…
Chính vì thế, Đội Kiểm soát Hải quan nghi vấn số hàng hóa này được làm giả từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ./.
Hồng Anh (Tổng hợp)