14 dấu hiệu nguy hiểm báo động khi mang thai

19/03/2014 09:21
Phạm Liễu (Tổng hợp)
(GDVN) - Các chuyên gia khuyên rằng có một số triệu chứng mà trong suốt quá trình mang thai, thai phụ đừng bao giờ xem thường.

1. Xuất huyết ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ

Ra máu là biểu hiện bất thường ở mọi giai đoạn của thai kỳ. “Nếu thai phụ bị ra quá nhiều máu, kèm theo đau bụng hoặc đau bụng dưới giống thời gian hành kinh hay cảm thấy choáng, chóng mặt như ở giai đoạn đầu của thai kỳ, thì đó có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung”, bác sĩ Peter Bernstein cho biết. Hiện tượng có thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ ở một nơi khác ngoài tử cung, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.

Xuất huyết kèm theo co thắt mạnh ở vùng bụng dưới còn là dấu hiệu sẩy thai khi thai phụ đang trong giai đoạn đầu hoặc ở đầu giai đoạn thứ hai của thai kỳ. Xuất huyết ở giai đoạn thứ ba của thai kỳ kèm theo đau bụng có thể là triệu chứng của hiện tượng bong nhau non, xảy ra khi nhau thai bong ra khỏi thành tử cung.

“Xuất huyết luôn là dấu hiệu nguy hiểm”, bác sĩ Donnica Moore nói. Theo bà, mọi hiện tượng xuất huyết trong quá trình mang thai đều không được phép xem nhẹ. Nếu thai phụ bắt đầu bị chảy máu, đừng bao giờ chần chừ mà phải lập tức gọi bác sĩ hoặc phải được cấp cứu.

2. Nôn, ói nhiều hơn bình thường

Nếu thai phụ nôn nhiều đến mức không còn giữ được gì trong dạ dày thì tình hình đã trở nên nguy hiểm. Bác sĩ Bernstein cho biết: “Nếu không thể ăn hoặc uống được thứ gì, thì cơ thể thai phụ đang trong tình trạng mất nước”. Họ cũng đang có nguy cơ thiếu dinh dưỡng, và tình trạng thiếu dinh dưỡng hay mất nước có thể gây ra những biến chứng như sinh non hay dị tật thai nhi. Bác sĩ Bernstein cũng nói thêm rằng, bạn phải được khám khi bị ói mửa nghiêm trọng.

Sẽ có những phương pháp điều trị an toàn mà bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn để khống chế tình trạng nôn ói. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn để bạn thay đổi chế độ dinh dưỡng nhằm giúp bạn tìm ra loại thức ăn giảm nôn. Trị dứt điểm nôn ói sẽ giúp cả bạn và thai nhi có đủ dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.

3. Mức độ cử động của thai nhi giảm sút rõ rệt

Chuyện gì đang xảy ra với em bé vốn đang rất “hiếu động” trong bụng mẹ bỗng trở nên ít cử động hơn hẳn, giống như hết năng lượng vậy. “Nếu thai nhi không cử động nhiều như trước, lý do có thể là bé không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng từ nhau thai”, bác sĩ Bernstein cảnh báo.

Nhưng làm sao bạn có thể phát hiện ra điều đó? Có một số cách giúp bạn xác định được em bé đang gặp một số vấn đề trong bụng mẹ. Đầu tiên, bạn uống một chút nước lạnh, hay ăn gì đó. Và nằm nghiêng để kiểm tra xem em bé có đang cử động không.

Đếm số lần bé đạp vào bụng mẹ cũng là một cách, theo bác sĩ Nicole Ruddock. “Hiện chưa xác định được bao nhiêu lần cử động là tốt cho bé, nhưng nhìn chung, thai phụ nên lập sẵn một ranh giới và để ý xem em bé đang cử động nhiều hơn hay ít hơn bình thường. Thông thường, 10 cú đạp bụng mẹ trong vòng 2 giờ là bình thường. Nếu ít hơn, bạn nên hỏi bác sĩ để được kiểm tra rõ.

Bác sĩ Bernstein cũng khuyên thai phụ nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt trong trường hợp này. Các bác sĩ có các thiết bị kiểm tra chuyên biệt để xác định xem em bé có đang cử động và phát triển bình thường hay không.

4. Các cơn co bóp diễn ra ở đầu giai đoạn 3

Các cơn co bóp có thể là dấu hiệu của sinh non. Nhưng đối với các sản phụ có con đầu lòng thường hay nhầm lẫn giữa co bóp thật và giả. Các cơn co bóp giả được gọi là cơn gò Braxton – Hicks. Chúng không diễn ra đều đặn, nhưng bất ngờ và không gia tăng cường độ. Các cơn co bóp giả sẽ giảm bớt trong vòng 1 giờ. Nhưng các cơn co bóp thật thường lặp lại trong vòng 10 phút hoặc ít hơn và sẽ tăng dần cường độ.

Tuy nhiên, vì sự an toàn của cả mẹ và bé là quan trọng hơn cả nên thai phụ đừng bao giờ chủ quan với các cơn co thắt. Ở giai đoạn 3 của thai kỳ, bất kỳ khi nào thấy xuất hiện các cơn có bóp hoặc chỉ có cảm giác như đang bị co bóp, bạn phải lập tức gọi cho bác sĩ. Nếu có biến chứng thì các bác sĩ cũng sẽ có hướng xử trí kịp thời cho thai phụ.

5. Ra nước ối khi mang thai

Bạn cảm giác có dòng chất lỏng chảy xuống hai chân nhưng không có cảm giác buồn tiểu. “Điều này có thể là bạn đang bị ra nước ối khi mang thai”. Tuy nhiên, nước đó cũng có thể do tử cung quá lớn đè lên bàng quang của thai phụ, đây là hiện tượng són tiểu”. Bác sĩ Ruddock cho biết, đôi khi nước trào ra thành dòng, nhưng đôi khi, lượng nước tiết ra ít hơn.
“Nếu không xác định được chất lỏng đó là nước tiểu do bàng quang bị đè nén hay là do  bị rò rỉ nước ối thì bạn nên đi tiểu cho đến khi sạch bàng quang. Nếu nước vẫn chảy ra, bạn  đang bị  rò rỉ nước ối. Lúc này, bạn cần được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa sản.

6. Nhức đầu dai dẳng, đau bụng, rối loạn thị giác, phù nề trong suốt giai đoạn 3 của thai kỳ

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh tiền sản giật. Đây là một biểu hiện nguy hiểm phát triển tiềm tàng trong suốt quá trình mang thai và có thể dẫn đến hậu quả khó lường trước được. Hiện tượng này do thai phụ bị cao huyết áp và dư thừa protein trong tử cung, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Bác sĩ Bernstein khuyên các bà mẹ nên gọi cho bác sĩ ngay lập tức và phải kiểm tra huyết áp ngay khi có các biểu hiện trên. Khi bạn được chăm sóc sức khỏe tiền sản tốt sẽ giúp phát hiện và kiểm soát được chứng tiền sản giật sớm.

7. Các triệu chứng cúm

Phụ nữ mang thai thường dễ bị bệnh hơn phụ nữ không mang thai trong mùa dịch cúm. Lý do là hệ miễn dịch của cơ thể chịu nhiều áp lực hơn trong thời kỳ thai nghén. Đồng thời, phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm do bị cúm.

8. Mệt mỏi thường xuyên

Thiếu máu cũng là căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ mang thai. Những dấu hiệu của bệnh bao gồm: mệt mỏi thường xuyên, cảm thấy yếu ớt, hụt hơi và sắc da nhợt nhạt. Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung axit folic và chất sắt cho bạn. Nếu bệnh ở mức độ trầm trọng, bạn sẽ phải truyền máu trực tiếp.

9. Chảy máu âm đạo kéo dài

Chảy máu âm đạo kéo dài là một dấu hiệu của bệnh nhau tiền đạo khi bánh nhau bám ở phần thấp nhất của tử cung và che phủ một phần hay toàn bộ tử cung, cản trở lối ra của thai. Trường hợp này là một biến chứng của thai nghén, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ và cho thai nhi. Trong khi một số phụ nữ không có biểu hiện triệu chứng thì một số khác bị chảy máu âm đạo nhưng lại không đau đớn trong tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3. Nếu không được kiểm soát kịp thời, căn bệnh này sẽ dẫn đến sinh non.

10. Quá buồn phiền

Bà bầu khi có những biểu hiện quá buồn phiền, chán nản… thì rất có thể đã bị bệnh trầm cảm – căn bệnh không hiếm trong và sau thời gian mang thai. Những triệu chứng khác của bệnh bao gồm thay đổi khẩu vị ăn uống, cảm giác vô vọng, ở trường hợp bị nặng có thể sẽ cảm thấy khó chụi hoặc có những suy nghĩ gây tổn hại đến thai nhi và bản thân mình. Trong trường hợp này bạn cần đến gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị kịp thời. Bệnh trầm cảm cũng có thể được điều trị bằng trị liệu hoặc các loại thuốc hỗ trợ.

11. Thường xuyên khát nước và đi tiểu

Bệnh tiểu đường thường xảy ra phổ biến ở bà bầu ở tam cá nguyệt thứ 2 của thai kỳ do chất insulin của mẹ bầu tiết ra không đủ. Những dấu hiệu của căn bệnh này bao gồm thường xuyên khát nước, đi tiểu và cảm giác mệt mỏi. Thuốc thường hiếm được chỉ định điều trị cho bà bầu. Vì vậy, cách hữu hiệu nhất là thay đổi chế độ ăn uống khoa học hoặc tăng lượng insulin trong cơ thể.

13. Chảy máu âm đạo kèm chuột rút

Khi bà bầu bị chảy máu âm đạo kèm những cơn đau bụng, chuột rút, đau cổ tử cung thì rất có thể là triệu chứng của bệnh đứt nhau thai. Đây là hiện tượng nhau thai kéo ra ngoài thành tử cung, lấy đi oxy của bào thai. Trong trường hợp bị nhẹ, ngủ nghỉ là cần thiết, tuy nhiên trong trường hợp bị quá nặng (hơn một nửa nhau thai đã bị tách ra), cách hữu hiệu là phải sinh con sớm để cứu được tính mạng người mẹ.

12. Huyết áp cao

Huyết áp cao là dấu hiệu sớm của bệnh nhiễm độc huyết hoặc tiền sản giật. Triệu chứng này thường xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ với các biểu hiện như huyết áp cao, mờ mắt, đau đầu, đau dạ dày. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị duy nhất là cho sinh sớm. Phương pháp này không gây nhiều khó khăn khi thai nhi đã được gần 37 tuần tuổi nhưng nếu thai nhi còn quá non, các bác sĩ thường phải điều trị bằng cách cho bệnh nhân nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm huyết áp – loại thuốc này không hề tốt cho cả mẹ bầu và thai nhi.

Phạm Liễu (Tổng hợp)