Năm quan điểm, bảy kiến nghị để phát triển GDĐH ngoài công lập

20/03/2014 08:30
Xuân Trung (lược ghi)
(GDVN) - Những quan điểm, kiến nghị này trên tinh thần giúp hệ thống GDĐH ngoài công lập phát triển, đáp ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục và hội nhập quốc tế.

Những quan điểm lớn

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đưa ra năm quan điểm lớn để phát triển mô hình trường ngoài công lập trong thời gian tới. 

Hiệp hội cho rằng, nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo từ trong nhân dân là vô cùng lớn, phát triển hài hòa giáo dục công lập và ngoài công lập là cách làm thông minh hợp quy luật để huy động nguồn lực cho giáo dục. Với tư duy đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích phát triển. 

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, trên cơ sở 4 tiền đề để thích nghi với cơ chế kinh tế xã hội lúc bấy giờ, một trong những ý tưởng đổi mới giáo dục mang tính đột phá là chấp nhận sự có mặt của các cơ sở GDĐH ngoài công lập, nhằm huy động thêm các nguồn lực ngoài ngân sách và biên chế nhà nước, đồng thời xây dựng các mô hình đại học có tính tự chủ cao, quản lý năng động hiệu quả, làm đối chứng với mô hình bao cấp thụ động. Theo tinh thần đó, cuối năm 1988 Trung tâm đại học dân lập Thăng long được thành lập.

Giáo dục đại học ngoài công lập cần được phát triển hơn nữa, xứng với tiềm năng vốn có. Ảnh minh họa
Giáo dục đại học ngoài công lập cần được phát triển hơn nữa, xứng với tiềm năng vốn có. Ảnh minh họa

Kinh nghiệm thành công của nhiều nước phát triển vượt trội vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, ở đó GDĐH ngoài công lập được phát triển như một mũi đột phá trong GDĐH. Tuy nhiên ở nước ta thì sau 20 năm phát triển giáo dục đại học ngoài công lập, chưa có kết luận chính thức của cơ quan quản lý giáo dục đào tạo về vấn đề này. Thật đáng tiếc! Cho nên giáo dục đại học ngoài công lập gặp khá nhiều khó khăn, có lúc có nơi tưởng chừng đứng bên bờ phá sản. 

Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nêu “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu rộng. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững”. Như vậy, để có được năng lực cạnh tranh cao, ngoài các yếu tố về tài nguyên thiên nhiên thì nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực đó phải là sản phẩm của một nền giáo dục phát triển, một nền đại học khỏe mạnh, trong đó giáo dục đào tạo công lập và ngoài công lập phát triển hài hòa.  
Cũng trong thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội rất tâm đắc với quan điểm: “Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Thứ hai, việc đảm bảo quyền bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh là động lực phát triển GDĐT. Một bất cập lớn là sự phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và ngoài công lập về chính sách đãi ngộ của nhà nước. Sinh viên công lập thì được nhà nước xét cấp học bổng, được hỗ trợ 60 – 70% chi phí đào tạo, chỉ đóng một mức học phí rất thấp so với chi phí đó. Còn các sinh viên ngoài công lập, cũng  là một công đân có đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi như các sinh viên công lập nhưng không được nhà nước đãi ngộ, mặt khác họ còn phải gánh phần thuế do nhà trường phải nộp thuế cho nhà nước. 
Sự bất công phi lý này đã tồn tại nhiều năm mà không ai đứng ra xem xét khắc phục. Nhà nước phải xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội học tập cho người học, về điều kiện và môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các cơ sở giáo dục đào tạo. 
Thứ ba, sự minh bạch khái niệm và cơ chế lợi nhuận trong GDĐH ngoài công lập là đòn bẩy của phát triển. Nhiều học giả trên thế giới cho rằng, ngày nay sự phân biệt giữa “vì lợi nhuận” và “không vì lợi nhuận” còn quan trọng hơn là phân biệt giữa trường công và trường tư. 
Chính vì vậy, tại Nghị quyết 05 Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở và hình thức xã hội hoá trong từng lĩnh vực, kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp trong năm 2005. 
Tháng 1/2006 Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị 193 yêu cầu trình cơ chế phi lợi nhuận vào cuối năm đó và trong 2 năm (2008 và 2009) một lần nữa cơ chế này lại được trao đổi khi dự thảo Nghị định hợp tác đầu tư về giáo dục với nước ngoài. Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội tháng 5/2010 cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận”, và “vì lợi nhuận hợp lý”. 
Tất cả những định hướng đó đòi hỏi cần có một hệ thống các văn bản ở mọi cấp và đồng bộ để triển khai. Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này vẫn còn treo để đó. Tình trạng đó dẫn đến hệ quả là mặc dù các trường ĐH ngoài công lập ở Việt Nam được hình thành từ nhiều phương thức khác nhau nhưng các cơ quan quản lý nhà nước lại đưa ra một chính sách chung cho tất cả các trường ngoài công lập, đều coi là “vì lợi nhuận” cả. (Bộ Tài chính quy định tất cả các trường ĐH ngoài công lập phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%; trước đó nhiều trường đã phải nộp thuế thu nhập ở mức 25%).  
Vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở cả Luật Giáo dục, Luật GDĐH và nhiều văn bản quy phạm pháp luật là chưa làm rõ cơ chế sở hữu cũng như tính chất “không vì lợi nhuận” của các loại hình trường ngoài công lập. Từ đó dẫn đến hậu quả là cho tới nay vẫn chưa có được các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức công nhận các cơ sở GDĐH ngoài công lập không vì lợi nhuận và những chính sách khuyến khích đặc biệt đối với loại trường này.
Thứ tư, đất để xây dựng nhà trường là điều kiện không thể thiếu, đây là vấn đề của nhà nước và chỉ có nhà nước mới giải quyết được trọn vẹn. Cho tới nay đã qua nhiều năm mà một số cơ sở GDĐH mới có hoặc vẫn chưa có đất xây dựng trường, hoặc phải loay hoay trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, cũng như không thể mở rộng quy mô nhà trường do diện tích xây dựng quá chật hẹp. Hiện nay vẫn còn 15/78 trường ĐH CĐ ngoài công lập chưa tiến hành xây dựng trường tại địa điểm đăng ký, còn phải thuê mướn cơ sở để đào tạo. 
Thứ năm, kiểm định độc lập trong giáo dục đào tạo là cú hích cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Không có kiểm định độc lập, khách quan thì khó mà nói đến phát triển. Trong thời gian qua, ở nhiều trường ngoài công lập đã hình thành đơn vị chuyên trách về bảo đảm chất lượng và khảo thí. Phần lớn các trường đã hoàn thành khâu tự đánh giá chất lượng, mong muốn được tham gia kiểm định khách quan. Có một vài trường ĐH đã chủ động tham gia kiểm định quốc tế để biết được mặt mạnh, mặt yếu của mình mà phấn đấu hoàn thiện nâng cao. Có trường đã có kết quả xếp hạng quốc tế khá tốt như trường Đại học FPT.
Bảy kiến nghị quan trọng
Một là, Nhà nước giải bài toán nguồn lực phát triển giáo dục đào tạo theo  hướng mạnh dạn huy động thêm nguồn lực của xã hội. Trong hoàn cảnh của nước ta Nhà nước không thể đầu tư tràn lan cho các đại học mà chỉ nên tập trung vào các trường đại học trọng điểm, các khoa, ngành trọng điểm, phục vụ công quyền. Phát triển mạnh các trường ngoài công lập, đảm bảo tỷ lệ sinh viên chiếm khoảng 40 – 50%.

Hai là, cần có quy định rõ ràng về các loại hình trường ngoài công lập vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Và trên cơ sở đó xây dựng ban hành quy chế và hệ thống chính sách cho từng loại. Trong đó cần khuyến khích loại trường phi lợi nhuận. 

Ba  là, Nhà nước tính rõ và công khai suất đầu tư tối thiểu cho từng sinh viên theo các ngành nghề khác nhau, coi đó là cái chuẩn khách quan không thấp hơn được để xã hội biết, để báo cáo Quốc hội, để làm cơ sở xác định ngân sách cho giáo dục, để tính toán rót kinh phí cho các trường công, để xác định học phí hợp lý. 
Bốn là, khi xác định đúng chi phí đào tạo tối thiểu thì không ít người không đủ tiền đi học. Nhà nước nên mở rộng tín dụng giáo dục hơn nữa bằng cách xã hội hoá việc này đến các ngân hàng thương mại, lập nhiều quỹ tín dụng giáo dục... Nhà nước chỉ gánh phần bù chênh lệch giữa lãi suất ưu đãi và lãi suất thương mại. 
Năm là, về công tác tuyển sinh, chậm nhất là năm 2015 phải tiến tới thực hiện một kỳ thi sau THPT, lấy kết quả công nhận cấp bằng tốt nghiệp phổ thông và làm cơ sở để các trường đại học cao đẳng tuyển sinh. Trao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các cơ sở GDĐH như khẳng định tại điều 34 của Luật Giáo dục đại học. 
Sáu là, về vấn đề thuế. Đề nghị cho triển khai ngay Điểm a, Khoản 3, Điều 66 Luật Giáo dục đại học đã định chế rõ các khoản chi “đầu tư phát triển cơ sở GDĐH, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế ”.
Bảy là, cần sớm hình thành các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác kiểm định, công nhận chất lượng các trường và các chương trình giáo dục. Thực hiện kiểm định thường xuyên là điều kiện để các trường nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. 
Xuân Trung (lược ghi)