Thịt bò Châu Âu lên kế hoạch rầm rộ xâm nhập thị trường VN

22/03/2014 11:13
Minh Độ
(GDVN) - Theo đó, chiến dịch kéo dài 36 tháng, bắt đầu từ ngày 24/7/2013 đến 23/7/2016 với thị trường mục tiêu là Hoa kỳ; Hàn Quốc và Việt Nam.

Ngày 21/3, Liên minh các nhà sản xuất thịt Châu Âu tổ chức buổi hội thảo về chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” tại Hà Nội.

Đây là chiến dịch thông tin và quảng cáo được tổ chức bởi Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động của ngành công nghiệp thịt (UPEMI), chiến dịch nhằm quảng bá ưu điểm, chất lượng và các nguyên tắc sản xuất thịt tươi, thịt đông lạnh, thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm làm từ thịt.

Liên Minh các nhà sản xuất thịt Châu Âu tổ chức buổi hội thảo về chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” tại Hà Nội.
Liên Minh các nhà sản xuất thịt Châu Âu tổ chức buổi hội thảo về chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” tại Hà Nội.

Chiến dịch kéo dài 36 tháng, bắt đầu từ ngày 24/7/2013 đến 23/7/2016 với thị trường mục tiêu là Hoa kỳ; Hàn Quốc; Việt Nam.

Tham tán Kinh tế - Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội, ông Wojciech Gerwel, tiết lộ: Ngay sau buổi họp báo có ít nhất 9 DN thịt lợn và các sản phẩm từ thịt, sữa, rau đông lạnh... sẽ sang Việt Nam tổ chức hội thảo, gặp gỡ trực tiếp tìm kiếm đối tác.

Sau đó, tháng 8/2014 sẽ tổ chức đoàn Việt Nam sang tham quan việc nuôi trồng, chế biến, sản xuất thịt ở châu Âu; năm 2015, các doanh nghiệp Ba Lan tiếp tục “đổ bộ”, tham dự hai hội chợ lớn về thực phẩm và đồ uống tại TP.HCM.

Chiến dịch hướng đến cung cấp cho khách hàng thông tin về những đặc tính của thịt cũng như các sản phẩm làm từ thịt của Châu Âu và khuyến khích người tiêu dùng thử sản phẩm.

Ông Wieslaw Rozanski - Chủ tịch UPEMI, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ xúc tiến Thực phẩm Ba Lan chia sẻ: Mục tiêu chính của dự án là đẩy mạnh xuất khẩu thịt và các sản phẩm làm từ thịt của Châu Âu vào các thị trường mục tiêu và tăng cường sự hiểu biết về chất lượng, hương vị và các quy trình sản xuất tiêu chuẩn Châu Âu

Có mặt tại hội thảo, ông Wojciech Gerwel - Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Hà Nội cũng cho rằng: Đây là cơ hội thuận lợi cho nhiều công ty, nhà đầu tư của Việt Nam tham gia làm đối tác với Ba Lan.

Trước băn khoăn về việc lâu nay, người tiêu dùng Việt Nam thường quen sử dụng sản phẩm thịt bò của Australia, New Zealand hay Hoa Kỳ... thì sẽ không dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thịt bò của Châu Âu nói chung và của Ba Lan nói riêng, bà Agnieszk Rózanska - người đề xuất chiến dịch “Truyền thống và chất lượng thịt Châu Âu” cho rằng: Chất lượng thịt bò của Ba Lan và các nước khác không có nhiều sự khác biệt. Thịt bò của Ba Lan đã được xuất khẩu sang 70 quốc gia và được người tiêu dùng ở các nước đó chấp nhận. Ưu điểm của sản phẩm thịt bò, thịt lợn của Ba Lan là được sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu.

"Các sản phẩm này được nhập vào Việt Nam còn phải chịu sự giám sát của Bộ NN&PTNT Việt Nam….", bà Agnieszk Rózanska nói.

Nhu cầu tiêu thụ thịt nhập khẩu tại Việt Nam khá cao. Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết năm 2013 Việt Nam nhập khẩu khoảng 90.000 tấn thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, thịt gia cầm nhập khẩu chiếm 2/3, tương đương 57.000 tấn. Tổng số trâu bò nhập khẩu để giết mổ làm thực phẩm ước khoảng 151.611 con.

Đến năm 2018, theo cam kết AFTA, thuế nhập khẩu thịt bò tại Việt Nam sẽ về mức 0% thì lượng thịt đổ vào Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều.

Minh Độ