"Trung Quốc nên nhớ bài học thất bại nhục nhã của nhà Thanh"

23/03/2014 13:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Tờ Quân giải phóng đã đưa ra những đánh giá khách quan "bất thường" về sự biến đổi mạnh mẽ của Nhật Bản về quân sự cuối thế kỷ 19
Lính Trung Quốc, hình minh họa.
Lính Trung Quốc, hình minh họa.

Bưu điện Hoa Nam ngày 23/3 đưa tin, tờ Quân giải phóng, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc kêu gọi chỉ huy các đơn vị cần rút ra bài học từ chiến thắng năm 1894 của Nhật Bản trước nhà Thanh, một bài bình luận được coi là ám chỉ nạn tham nhũng lan tràn trong giới tướng lĩnh quân đội hiện nay.


Trong một loạt các bài bình luận kỷ niệm 120 chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất, tờ Quân giải phóng đã đưa ra những đánh giá khách quan "bất thường" về sự biến đổi mạnh mẽ của Nhật Bản về quân sự cuối thế kỷ 19, trong đó tập trung vào 1 thập kỷ chiến tranh đẫm máu giữa 2 nước láng giềng.

Quân giải phóng cho rằng kỷ luật cam và tính cam kết của lực lượng quân sự Nhật Bản trong giai đoạn mở rộng và hiện đại hóa đất nước thời Minh Trị Duy Tân cho phép họ đánh tan hạm đội Bắc Dương của nhà Thanh.

"Hải quân Trung Quốc được trang bị các tàu chiến tiên tiến cùng vũ khí đã được sử dụng bởi các lực lượng hàng hải Minh Trị Nhật Bản, nhưng các thủy thủ và sĩ quan Trung Quốc đã chỉ biết chế giễu sỹ quan hướng dẫn người nước ngoài được trả lương cao, một sự tương phản nổi bật với thái độ học tập nghiêm túc và khiêm tốn của hải quân Nhật Bản", bài báo viết.

Các nhà phân tích cho biết, bài viết trên tờ Quân giải phóng được dự định để làm nổi bật thực tế rằng quân đội Trung Quốc thời nhà Thanh phải đối mặt với nhiều thách thức tương tự quân đội Trung Quốc bây giờ, bao gồm nạn gia đình trị, bè phái và tham nhũng.
Các sĩ quan cấp tướng Trung Quốc xếp hàng vào họp Quốc hội.
Các sĩ quan cấp tướng Trung Quốc xếp hàng vào họp Quốc hội.

"Đó là một bí mật, vấn nạn tham nhũng hiện nay trong quân đội Trung Quốc thậm chí còn tồi tệ hơn hạm đội Bắc Dương thời nhà Thanh", Nghê Lạc Hùng, một nhà phân tích quân sự từ đại học Khoa học chính trị - luật Thượng Hải phân tích.


Ông Hùng cho rằng việc mua bán quân hàm, chức vụ trong quân đội đã đưa những sĩ quan không đủ năng lực lên các vị trí cấp cao, tạo ra sự mất cân bằng trong cơ cấu chỉ huy. "Nếu hiện tượng này còn tiếp tục, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ bị Nhật Bản đánh bại một lần nữa nếu có xung đột quân sự giữa 2 nước".

18 tháng qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến quan hệ song phương tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, cả 2 phái tàu tuần tra, máy bay chiến đấu giằng co nhau ở Senkaku trên biển Hoa Đông.

Bưu điện Hoa Nam cho biết, Senkaku là phần lãnh thổ Trung Quốc nhượng lại Nhật Bản sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật lần thứ nhất, bây giờ họ đòi lại với lý do Nhật Bản đã thất bại trong Chiến tranh Thế giới II.
La Viện, một trong những viên tướng văn phòng hiếu chiến nhất Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động chiến tranh.
La Viện, một trong những viên tướng văn phòng hiếu chiến nhất Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động chiến tranh.

Quân đội Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự mà triều đại nhà Thanh đã không thể giải quyết, một Đại tá Trung Quốc về hưu từ Bắc Kinh cho biết. Đó là lý do tại sao Tập Cận Bình kêu gọi các tướng lĩnh cấp cao tự giải phóng mình khỏi tư duy cũ và cống hiến nhiều hơn nữa.


3 bài xã luận được tờ Quân giải phóng Trung Quốc xuất bản, trong đó có 1 bài dài toàn trang hôm Thứ Sáu đã không chỉ trích Nhật Bản xâm lược Trung Quốc như thường lệ, thay vào đó họ tập trung vào thành tựu của Nhật Bản và thất bại của nhà Thanh để thực hiện những cải cách cần thiết.

Quân giải phóng cho rằng, Nhật Bản là một quốc gia có ý thức mạnh mẽ về sự hổ thẹn, họ luôn giữ lại những ký ức tươi mới về sự thất bại nhục nhã, mặc dù họ quên lịch sử xâm lược quân phiệt. Tuy nhiên, lãng quên lịch sử, hài lòng với hòa bình tạm thời và thiếu khiêm tốn đang là tính cách của dân tộc Trung Quốc.

Hồng Thủy