Cạnh tranh không hoàn hảo và đóng góp của ngoài công lập

24/03/2014 11:35
Xuân Trung
(GDVN) - “Sự cạnh tranh công - tư nếu không có chính sách thỏa đáng thì luôn là sự cạnh tranh không hoàn hảo, và trường tư luôn ở thế thua kém”.

GS. Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình khẳng định quan điểm như trên.

Nói thêm, GS Vận nhận định, với 20 năm tồn tại của hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nói riêng, và sự lớn mạnh của giáo dục đại học Việt Nam nói chung là nguồn minh chứng cho sự đúng đắn và sức sống của chủ trương xã hội hóa giáo dục, đây là chủ trương có tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước. Chủ trương đó các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập có vai trò như là điểm tích tụ cả 4 dạng nguồn nhân lực xã hội để huy động để phát triển giáo dục: Nhân lực, vật lực, trí lực và tài lực.

GS. Vận cho hay, có thể lúc này lúc khác giáo dục Việt Nam còn nặng về tài lực, vật lực và nhẹ về huy động nhân lực và trí lực, xã hội còn chưa có cái nhìn thiện cảm về các trường tư, nhưng những tác động to lớn của chủ trương xã hội hóa ngày càng được khẳng định.

GS. Đặng Ứng Vận. Ảnh Xuân Trung
GS. Đặng Ứng Vận. Ảnh Xuân Trung

Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục vừa qua đã tạo cơ hội cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, trong đó phải kể tới tư tưởng xây dựng nền giáo dục mở. Nếu ở nền giáo dục nước Anh đã sáng tạo ra giáo dục mở với 4 chữ: Mở cho nhân dân, mở địa điểm, mở về phương pháp và mở về ý tưởng. Trong đó mở cho nhân dân là khái niệm phổ quát nhất, phù hợp với mong muốn chung và chủ trương xã hội hóa giáo dục của nước ta.

Nhân dân đứng ra mở trường, đóng góp cả tài lực, trí lực, mặt khác trường cũng mở cửa để nhân dân, con em nhân dân vào học tập để hoàn thiện nhân cách. GS. Vận khẳng định, với Nghị quyết 29 chắc chắc chủ trương xã hội hóa giáo dục sẽ tạo nên một bước mạnh mẽ, là sự chuyển biến nhiều hơn trong những thập kỷ tới. 

Trao đổi thêm, GS. Đặng Ứng Vận cho rằng, có lẽ hiện giờ nói về việc phát triển các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không còn là cơ hội nữa mà là thời cơ để phát triển các trường ngoài công lập lên tầm cao mới. 

Tuy nhiên, GS. Vận khẳng định, cơ hội thì nhiều nhưng chắc chắc sẽ có thách thức. Với 20 năm thăng trầm của các trường ngoài công lập có thể nhìn nhận ở các điểm: Các trường ngoài công lập có phát triển được hay không phụ thuộc vào thực tiễn phát triển, và chính sách. 

GS. Vận hy vọng, trong thời gian tới việc xây dựng chính sách cho các trường ngoài công lập nên chăng thay cho việc thực hiện theo hình thức “giót từ trên xuống” mà bằng hình thức “đề xuất từ dưới lên”. 

Về vấn đề xác định loại hình trường lợi nhuận và phi lợi nhuận trong hệ thống giáo dục ngoài công lập, hiện nay rất nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng của thế giới sẽ đi theo hướng trường tư không vì lợi nhuận, nếu có chăng cần một cơ chế “đặc thù” để động viên nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào trường như là một phần thưởng.

Hoặc cũng có thể coi các trường là một dạng “doanh nghiệp” đặc biệt chịu mức thuế cũng đặc biệt so với loại hình doanh nghiệp kinh doanh khác. Và nếu xác định không vì lợi nhuận thì hoàn toàn phải miễn thuế.

Theo GS. Đặng Ứng Vận, việc định nghĩa trường phi lợi nhuận không khó, nhưng thể chế cho một trường phi lợi nhuận ở nước ra là khó, đặc biệt là chính sách tài chính và kế toán, vì hiện chúng ta sử dụng tiền mặt nhiều. Nếu không kiểm soát được mức chi bình thường thi không đảm bảo được nguồn lợi nhuận cho tái đầu tư để phát triển. Hệ quả là việc chốn thuế thu nhập cá nhân vẫn xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau.

Và để cho các trường ngoài công lập phát triển hơn, nhà nước phải tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các trường công và tư, trong vấn đề đào tạo và một số vấn đề khác dường như Bộ GD&ĐT không phân biệt công tư vì trách nhiệm về các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định. 

Theo GS. Vận, nhà nước vẫn còn coi trường tư khác trường công ở nguồn đầu tư, nếu đi sâu vào bản chất thì trường công không thể bồi hoàn vốn cho nhà nước, còn các trường tư không thể không bồi hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư. Đó là sự khác biệt cơ bản công – tư.

“Sự cạnh tranh công - tư nếu không có chính sách thỏa đáng thì luôn là sự cạnh tranh không hoàn hảo, và trường tư luôn ở thế thua kém . Xã hội có tín nhiệm các trường tư hay không là do chính bản thân các trường tư, xây dựng một trường đại học theo hướng xuất sắc là trách nhiệm với xã hội nhưng cũng là lẽ sống còn của nhà trường” GS. Vận cho hay. 

Từ những quan điểm trên, GS. Đặng Ứng Vận đề xuất, nên chăng hãy sử dụng tái cơ cấu hệ thống. Bên cạnh đó trường tư thục vì lợi nhuận vẫn nên được khuyến khích phát triển bởi nếu không sẽ triệt tiêu động lực của những nhà đầu tư. Nước ta chẳng có nhiều tỷ phú tới mức bỏ ra vài trăm tỷ xây trường mà lại không thu lợi nhuận.

 “Chúng tôi chỉ xin một cơ chế thỏa đáng để phát triển, giống như một nhà toán học nổi tiếng từng nói, hãy cho tôi một điểm tựa tôi có thể bểnh cả trái đất” GS. Vận nói.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, trong 20 năm qua quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ngày càng tăng, góp phần không nhỏ để tăng tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân ở nước ta. 

Chỉ tính riêng đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng, năm 2000 khối giáo dục đại học ngoài công lập có 100.136 sinh viên, năm 2010 có 321.996 sinh viên. Tỷ lệ tăng sinh viên bình quân hằng năm trong giai đoạn 2000-2010 là 12,39%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của các trường đại học, cao đẳng công lập là 9,05%. Tuy nhiên những năm gần đây, một số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh nên quy mô đào tạo có phần chững lại. Hiện nay, số lượng sinh viên đại học, cao đẳng chính quy của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là 314.054 sinh viên, chiếm khoảng 14,4% tổng số sinh viên cả nước.

Xuân Trung