Ngày 24/3/2014, các nhà lãnh đạo thế giới gồm Canađa, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã gặp nhau tại La Hay để tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ucraina thông qua tuyên bố La Hay.
Lực lượng Nga ở Crimea |
Tuyên bố này cho biết, Luật pháp quốc tế cấm việc thôn tính một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ của một nhà nước khác thông qua cưỡng ép hoặc vũ lực.
Họ cho rằng, làm như vậy vi phạm các nguyên tắc mà dựa vào đó hệ thống quốc tế được xây dựng.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia nói trên đã lên án cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại Crimea và coi đó là hành động vi phạm hiến pháp của Ucraina.
Tuyên bố cũng cáo buộc rằng nỗ lực của Nga sáp nhập Crimea là trái pháp luật quốc tế và các nghĩa vụ quốc tế cụ thể, đồng thời nói rằng họ không công nhận cả hai việc này.
Trong tuyên bố chung La Hay, các nhà lãnh đạo trên cũng đã công khai nói rằng “Để đáp trả sự vi phạm của Nga đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina, và để thể hiện quyết tâm của chúng tôi đáp trả những hành động bất hợp pháp, chúng tôi – cả riêng rẽ lẫn tập thể – đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và những cá nhân và các tổ chức có trách nhiệm”.
“Chúng tôi vẫn sẵn sàng tăng cường các hành động bao gồm cả các biện pháp phối hợp nhằm trừng phạt từng ngành sẽ có tác động ngày càng lớn lên nền kinh tế Nga, nếu Nga tiếp tục leo thang tình trạng này”. – tuyên bố nói.
Tuy nhiên, tuyên bố cũng nói thêm rằng: “Nga có một sự lựa chọn rõ ràng. Những con đường ngoại giao để xuống thang tình hình vẫn còn mở ngỏ, và chúng tôi khuyến khích chính phủ Nga đi những con đường đó”.
“Nga phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ucraina, bắt đầu các cuộc thảo luận với Chính phủ của Ucraina, và sẵn sàng tiếp nhận lời đề nghị hòa giải và giám sát quốc tế để giải quyết bất kỳ mối quan ngại chính đáng nào”.
Tại điểm thư 6 của tuyên bố La Hay cũng giải thích lý do các quốc gia nói trên sẽ không tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ được tổ chức vào các tháng tới.
Tuyên bố nói: “Nhóm này tập hợp với nhau vì có chung niềm tin và trách nhiệm. Hành động của Nga trong những tuần gần đây không phù hợp với các niềm tin và trách nhiệm đó. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi sẽ không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Sochi đã được lên kế hoạch.”
“Chúng tôi sẽ đình chỉ việc tham gia G-8 cho đến khi Nga thay đổi đường đi nước bước và khi môi trường trở lại với mức độ mà G-8 có thể thực hiện thảo luận có ý nghĩa, và chúng tôi sẽ họp lại với nhau theo công thức G-7 vào cùng thời điểm như đã lên kế hoạch, trong tháng 6 năm 2014, tại Brúcxen để thảo luận về chương trình nghị sự rộng lớn mà chúng tôi có với nhau.”
“Các Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi sẽ không tham dự cuộc họp tháng 4 tại Moscow. Ngoài ra, chúng tôi đã quyết định rằng các Bộ trưởng Năng lượng G-7 sẽ gặp nhau để thảo luận về cách thức tăng cường an ninh năng lượng tập thể”.
Tuyên bố tại La Hay cũng đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc Tế trợ giúp cuộc cải cách Ucraina, giảm bớt các nguy cơ tổn thương kinh tế của Ucraina, và giúp đất nước này hội nhập tốt hơn với tư cách là một nền kinh tế thị trường vào hệ thống đa phương.
Bộ Ngoại giao Nga từ chối cấp thị thực vào Nga đối với 13 quan chức Canada
Trong một động thái khác, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã vừa tuyên bố lệnh trừng phạt đối với 13 quan chức cao cấp, nghị sĩ và nhà hoạt động xã hội của Canada.
Bộ Ngoại giao Nga được đăng trên trang web của mình danh sách các công dân Canada bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Trong "Danh sách các quan chức, nghị sĩ và nhà hoạt động xã hội Canada bị cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga trên cơ sở có đi có lại liên quan đến biện pháp trừng phạt của Canada về Ukraina và Crưm" có 13 người.