Xung quanh dự thảo 5 phương án xác định tiêu chí đầu vào đại học, cao đẳng thay thế cho điểm sàn vừa được các chuyên gia đưa ra, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương thống nhất một phương án tính sàn mới. Góp ý thêm cho bản phương án này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, đồng thời là Hiệu trưởng Trường đại học FPT – trường có những cách xác định đầu vào đại học tiên tiên nhất hiện nay về vấn đề trên.
Hai chủ thể ở tiêu chí đầu vào
Ông Lê Trường Tùng: Tính chất tiêu chí đầu vào để học ĐH-CĐ phải xem xét từ 2 chủ thể: từ phía trường ĐH-CĐ nhằm chọn được thí sinh phù hợp, và từ phía cơ quan quản lý nhà nước vừa để đảm bảo quyền học tập của người dân, đảm bảo có nhân lực cho nền kinh tế, lại vừa xác định hành lang chất lượng tối thiểu. Việc phân chia trách nhiệm và phối hợp như thế nào giữa 2 chủ thể này sẽ quyết định hệ thống chính sách tuyển sinh của từng quốc gia.
Ông Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh Xuân Trung |
Tôi nói là “hệ thống chính sách” – vì không chỉ là quy chế tuyển sinh, sàn chất lượng, mà còn là cơ cấu ngành nghề, cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, chỉ tiêu đào tạo.
Trong 5 phương án trên, nếu được lựa chọn áp dụng trong năm nay đối với trường của mình, ông sẽ lựa chọn phương án nào?
Trường ĐH FPT đã chọn từ trước rồi: tiêu chí tuyển sinh là thí sinh phải qua được cuộc thi sơ tuyển của trường, đồng thời “đáp ứng tiêu chí chất lượng đầu vào” do Bộ GD&ĐT quy định. Đến nay vẫn chưa rõ tiêu chí này năm nay Bộ GD&ĐT sẽ quy định như thế nào. Tiêu chí của các năm trước thì khá rõ: tốt nghiệp phổ thông và có điểm thi đại học 3 chung từ sàn trở lên, với một số ngành mang tính năng khiếu thì các môn năng khiếu được thi riêng theo từng trường.
Cần phân biệt tiêu chí của trường và tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT quy định sàn tối thiểu áp dụng cho tất cả các trường, còn mỗi trường sẽ có các sàn riêng của mình với điều kiện không thấp hơn sàn của Bộ. Cũng giống như các năm trước, điểm sàn do Bộ GD&ĐT ấn định chẳng hạn là 13, và một trường A nào đó có thể quy định sàn của mình (điểm chuẩn vào trường) là 21.
Cũng cần lưu ý một điều là với nhiều trường hàng năm đang xác định điểm chuẩn khá cao so với điểm sàn, thì việc Bộ GD&ĐT quy định sàn bao nhiêu không có nhiều ý nghĩa. Điểm sàn chỉ có ý nghĩa với các trường đang tuyển sinh với điểm chuẩn bằng điểm sàn và với các thí sinh có kết quả thi chỉ ở mức điểm sàn mà thôi.
Sàn mới cần xem xét tới ngành đặc thù
Mỗi nước có chính sách về tiêu chí đầu vào khác nhau, phương thức phổ biến nhất là có một kỳ thi mang tính quốc gia – có thể là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (như thi IGCSE của Anh), hoặc thi kiểm tra năng lực (kiểu như SAT của Mỹ), hoặc các kỳ thi đại học chung như ở Trung quốc, Hàn quốc, Nhật Bản. Thông thường sàn do từng trường tự quyết định, kết hợp với kết quả kỳ thi riêng của trường nếu có.
Theo tôi lý do chính cho việc xem xét thay đổi sàn đã hình thành lâu nay là nhằm đáp ứng tính đa dạng của các ngành học (không chỉ đơn giản phân ra khối A, B, C với điểm sàn cố định như các năm trước), đồng thời tăng tính tự chủ cho các trường đại học trong việc tuyển sinh (theo quy định của Luật Giáo dục đại học). Sàn năm 2014, cũng giống như sàn các năm trước, phải trả lời rõ câu hỏi: theo quy định của Bộ GD&ĐT, một thí sinh (Việt Nam) như thế nào thì không đủ điều kiện học đại học (chính quy, tại Việt nam)?
Nói một cách khác, như thế nào thì đủ điều kiện về học vấn để có thể học đại học (tôi nói “có thể”, vì trên điểm sàn vẫn có thể trượt đại học ở các trường có điểm chuẩn cao). Quy định này thực chất rất quan trọng nếu xét trên góc độ quyền được học đại học của gần 1 triệu thí sinh hàng năm.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, có nhiều lý do để chưa nên bỏ sàn ngay trong năm 2014. Tôi mong muốn Bộ GĐ&ĐT xem xét tiêu chí sàn tối thiểu về chất lượng đầu vào đại học cho năm 2014 thế này: với một số ngành đặc thù mà xã hội đang cần, tính chất của ngành không nhất thiết đầu vào phải khá giỏi, lại rất khó tuyển sinh như hiện nay (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, quản lý…), sàn chỉ cần là tốt nghiệp phổ thông; với các ngành mang tính năng khiếu (văn hóa nghệ thuật, kiến trúc, sư phạm mầm non…), sàn sẽ là kết quả học phổ thông 6/10 và các trường sẽ thi môn năng khiếu; với các ngành còn lại, sàn là kết quả học phổ thông 7/10 trở lên hoặc không thấp hơn sàn thi 3 chung, đồng thời quy định các trường được tuyển tối đa không quá 30% dựa vào kết quả học phổ thông, còn lại theo kết quả 3 chung.
Đây là sàn tối thiểu cho đại học, sàn cho cao đẳng sẽ đặt thấp hơn khoảng 10-15%. Từng trường sẽ tự chủ tuyển sinh với các tiêu chí của riêng mình nhưng không thấp hơn sàn tối thiểu.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo, có thể năm nay sẽ vẫn có điểm sàn nhưng theo cách xác định khác đi. Theo ông, điểm sàn mới này sẽ phải đảm bảo quyền lợi chung cho các trường như thế nào?
Có nhiều yêu cầu đối với việc xác định sàn, tuy nhiên một trong các yêu cầu là sàn phải đảm bảo công bằng: công bằng cho các trường và công bằng cho thí sinh.